Nội dung trên được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh khi báo cáo những nội dung chủ yếu của Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) và chuyển đổi số (CĐS) tại hội nghị toàn quốc diễn ra sáng 13/1.
Động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, bền vững
Theo Thủ tướng, trong kỷ nguyên mới, KHCN, ĐMST gắn chặt với CĐS, đây là sự gắn bó khách quan, yêu cầu tất yếu. Trong đó, KHCN là nền tảng, ĐMST là động lực, CĐS là kết nối, con người là trung tâm, là chủ thể. Những tư tưởng này thể hiện rất rõ Nghị quyết 57. Để thực hiện Nghị quyết 57, thì có 3 việc rất quan trọng phải thực hiện nhanh, hiệu quả: Thể chế thông thoáng, hạ tầng thông suốt, con người thông minh; cùng các điều kiện khác và bảo đảm an ninh, an toàn mạng.
Thủ tướng khẳng định Nghị quyết số 57-NQ/TW là văn kiện có ý nghĩa chiến lược, đánh dấu bước chuyển mình quan trọng của đất nước trong lĩnh vực KHCN, ĐMST và CĐS. Nghị quyết số 57 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là kim chỉ nam cho sự phát triển trong kỷ nguyên mới phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng và là lời hiệu triệu mạnh mẽ trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân cùng nỗ lực đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển, thu nhập cao, có năng lực cạnh tranh toàn cầu.
Thủ tướng nhấn mạnh KHCN, ĐMST và CĐS đóng vai trò then chốt, là động lực mạnh mẽ để Việt Nam phát triển tăng tốc, bứt phá, bền vững: (1) Giúp Việt Nam bắt kịp, tiến cùng các nước phát triển, tránh nguy cơ tụt hậu kinh tế, từng bước vượt lên, sánh vai cùng các cường quốc về công nghệ; (2) Là chìa khóa để nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo ra sản phẩm, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế; (3) Tối ưu hóa quy trình sản xuất, kinh doanh, quản lý Nhà nước; thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, phù hợp với xu thế chung của thế giới; (4) Góp phần bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho mọi người dân, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng.
"Khát vọng về một Việt Nam phồn vinh, thịnh vượng, hiện đại, sớm gia nhập nhóm nước phát triển có thu nhập cao đã và đang cháy bỏng hơn bao giờ hết. Khát vọng này là có cơ sở, trên nền tảng những thành tựu, to lớn có ý nghĩa lịch sử đã đạt được. Phát triển KHCN, ĐMST và CĐS không chỉ là xu thế tất yếu của thời đại mà còn là con đường duy nhất để bứt phá, vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt thời cơ, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, vững mạnh, xã hội văn minh, hiện đại, đưa đất nước sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới", Thủ tướng nói.
Về công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng cho biết ngay sau khi Nghị quyết số 57-NQ/TW được ban hành, Chính phủ đã khẩn trương, lãnh đạo, chỉ đạo các bộ, cơ quan, địa phương tập trung xây dựng, rà soát, hoàn thiện để sớm ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW với tinh thần "5 rõ: Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian, rõ kết quả".
Chương trình hành động của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW được xây dựng tổng thể, toàn diện, được thiết kế với tầm nhìn dài hạn, mục tiêu rõ ràng và các giải pháp mang tính khả thi cao, nhằm cụ thể hóa các định hướng, chủ trương lớn của Đảng thành những hành động thiết thực, sát thực tiễn.
Chính phủ xác định rõ việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, không chỉ dừng lại ở việc quán triệt nhận thức, mà còn phải được thực hiện bằng những bước đi mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, thống nhất với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Trong đó, các nhiệm vụ trọng tâm như hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, xây dựng hạ tầng số hiện đại, thúc đẩy nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ tiên tiến và đẩy mạnh đổi mới sáng tạo được đưa vào Chương trình hành động với lộ trình cụ thể và trách nhiệm rõ ràng.
“Đất nước ta hội tụ sau 40 năm đổi mới, đủ điều kiện để chúng ta khát vọng lớn hơn, có được kết quả lớn hơn. Nền tảng các thế hệ đã xây dựng, phát triển giúp đất nước có cơ đồ, tiệm lực, vị thế và uy tín như ngày nay; đất nước đạt nhiều thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử. Khát vọng trên là có cơ sở, nhưng có làm được hay không là cả quá trình, phải cố gắng”, Thủ tướng nói.
Thực hiện bằng những bước đi mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ
Chính phủ xác định rõ việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, không chỉ dừng lại ở việc quán triệt nhận thức, mà còn phải được thực hiện bằng những bước đi mạnh mẽ, bài bản, đồng bộ, thống nhất với sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và toàn xã hội. Các nhiệm vụ được đưa vào Chương trình hành động với lộ trình cụ thể và trách nhiệm rõ ràng.
Thủ tướng cho biết, bám sát nội dung của Nghị quyết số 57-NQ/TW, Chương trình hành động của Chính phủ đã đề ra 41 nhóm chỉ tiêu (gồm 35 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030 và 6 nhóm chỉ tiêu cụ thể đến năm 2045) và 7 nhóm nhiệm vụ với 140 nhiệm vụ cụ thể.
Nhóm nhiệm vụ đầu tiên là phải nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mói tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KHCN, ĐMST và CĐS (gồm 13 nhiệm vụ cụ thể).
“Việc quán triệt và triển khai hiệu quả nhóm nội dung này là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết; đòi hỏi chúng ta phải thực sự chuyển biến mạnh mẽ từ tư duy, nhận thức đến hành động trong toàn xã hội, đặc biệt là vai trò tiên phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên” – Thủ tướng nhấn mạnh, bởi chỉ khi từng tổ chức, mọi cá nhân đều nhận thức rõ mới có thể tạo ra những bước tiến đột phá.
Nhóm thứ hai là khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xoá bỏ mọi tư tưởng, quan niêm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lọi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS (với 28 nhiệm vụ cụ thể)
Thủ tướng cho rằng đây là nhóm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nhằm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo phải bảo đảm thông thoáng, kiến tạo phát triển với tư duy đổi mới “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực cho phát triển, tạo không gian phát triển mới”, tạo khung khổ pháp lý để huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.
Nhóm thứ ba là tăng cường đầu tư hạ tầng cho KHCN, ĐMST và CĐS (34 nhiệm vụ cụ thể), là một chiến lược mang tính nền tảng, trong đó hạ tầng đóng vai trò 1 yếu tố cốt lõi đề tạo đà bứt phá cho đất nước.
Nhóm thứ tư, cùng với việc tăng cường đầu tư hạ tầng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách,phát triển và trọng dụng nhân lực chất lượng cao chính là yếu tố then chốt, là "chìa khóa vạn năng" mở ra cánh cửa thành công.
Nhóm thứ năm là đẩy mạnh CĐS, ứng dụng KHCN, ĐMST trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm quốc phòng và an ninh (27 nhiệm vụ). Đây không chỉ là xu thế tất yếu mà còn là đòn bẩy then chết để nâng tầm hiệu quả quản lý nhà nước, quản trị quốc gia.
Nhóm thứ sáu là thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, ĐMST và CĐS trong doanh nghiệp (16 nhiệm vụ cụ thể). Trong tiến trình hình thành và phát hiển nền kinh tế số, doanh nghiệp chính là "đầu tàu", là lực lượng nòng cốt của hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Nhóm thứ bảy là tăng cường hựp tác quốc tế trong phát triển KHCN, ĐMST và CĐS (9 nhiệm vụ). Đây được xem là nhân tố quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển KHCN, ĐMST và CĐS, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, nhanh chóng nắm bắt và ứng dụng những tiến bộ công nghệ tiên tiến.
Về tổ chức thực hiện, để Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị đi vào thực tiễn, phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, Thủ tướng yêu cầu trên cơ sở nghiên cứu kỹ, bám sát nội dung Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chương trình hành động của Chính phủ, các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ trong tháng 1 năm 2025.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương tập trung chỉ đạo quán triệt, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao; tăng cường đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện; định kỳ 6 tháng báo cáo kết quả thực hiện theo quy định; kịp thời báo cáo và kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện đồng bộ và có hiệu quả Chương trình hành động.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương bảo đảm nguồn kinh phí thực hiện hằng năm theo Nghị quyết số 57-NQ/TW. Nguồn vốn Nhà nước đóng vai trò "vốn mồi", dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội.
Các bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, các phong trào thi đua và thực hiện nghiêm túc, kịp thời chế độ khen thưởng, kỷ luật trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW và Chương trình hành động của Chính phủ theo quy định.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, trường hợp cần sửa đổi, bổ sung những nội dung cụ thể thuộc Chương trình hành động của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chủ động đề xuất gửi Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp và báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định./.