Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống còn 460 USD/tấn, từ mức 481 USD/tấn của tuần trước. Đây là mức giá thấp nhất trong gần 2 năm, kể từ cuối tháng 3/2023.
Một thương nhân tại TP Hồ Chí Minh cho biết các hoạt động giao dịch trong tuần này diễn ra ảm đạm do nhu cầu yếu. Thị trường dự kiến sẽ tiếp tục trầm lắng trong vài tuần tới khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc vào đầu tháng sau.
Thời điểm này, giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ít biến động, gạo có xu hướng giảm tiếp, lúa tươi chững giá so với phiên trước. Tại Đồng Tháp nhu cầu mua mới chậm, thương lái cho giá thấp, giao dịch cầm chừng.
Tại Kiên Giang, lúa Mùa còn lượng ít, giá chững, nhu cầu hỏi mua có chậm lại vào cuối tuần. Tại Sóc Trăng, thương lái hỏi mua mới không nhiều, giao dịch chậm. Tại Long An, nguồn còn ít, giá bình ổn so với hôm qua.
Tương tự, với mặt hàng gạo, theo cập nhật từ Sở NN&PTNT tỉnh An Giang hiện gạo nguyên liệu IR 504 dao động ở mức 7.900 - 8.100 đồng/kg; Gạo thành phẩm IR 504 dao động ở 9.700 - 9.900 đồng/kg.
Tại Cà Mau, thời điểm cận Tết, giá lúa giảm sâu nên thương lái thu mua cầm chừng khiến nhiều hộ dân đứng ngồi không yên. Nhiều trà lúa trên địa bàn tỉnh, dù quá ngày thu hoạch nhưng vẫn còn trên đồng vì giữa nông dân với thương lái chưa thỏa thuận được giá. Thậm chí nhiều hộ dân, dù đã được thương lái đặt cọc 50% nhưng vẫn chưa thể thu hoạch do lái bỏ cọc, đòi mua theo giá thị trường.
Ông Nguyễn Văn Hải ngụ ấp 33, xã Minh Diệu, huyện Hòa Bình, cho hay hơn 2ha lúa của gia đình đã chín nhưng thương lái vẫn chưa chịu thu hoạch. Theo ông Hải, việc thương lái chậm thu mua là do giá lúa giảm, đồng lúa lại đang thu hoạch rộ, sản lượng lớn nên dễ dẫn đến tình trạng thương lái "kén cá chọn canh".
"Lúa tốt, đẹp màu sáng thì bán được, còn lúa bị lem, hơi đen là thương lái không thu mua, bỏ cọc. Chưa kể, thương lái còn neo đồng, để quá ngày thu hoạch từ 5 – 10 ngày khiến lúa trên đồng khô hạt, rụng bông năng suất bị ảnh hưởng và rất khó để tìm được lợi nhuận" ông Hải lo ngại nói thêm.
Lý giải về thực tế trên, đại diện doanh nghiệp thu mua lúa gạo cho biết: Giá lúa gạo giảm vì ngoài Philippines thì các thị trường quan trọng khác như Indonesia hay Trung Quốc cũng chưa có dấu hiệu tham gia thị trường. Khi vắng người mua thì một số người bán có tâm lý nóng vội muốn bán nhanh nên giảm giá để tăng cung.
Khi giá gạo càng giảm, thị trường lại càng có tâm lý muốn mức giá tốt hơn nữa. Vòng luẩn quẩn này chịu tác động mạnh từ nguồn cung dồi dào từ thị trường Ấn Độ sau hơn 1 năm hạn chế xuất khẩu. Đáng nói, ở thời điểm hiện tại, không chỉ xuất khẩu khó khăn mà ở thị trường nội địa, sức tiêu thụ cũng chậm lại, do trước đó nhiều doanh nghiệp đã chuẩn bị xong nguồn hàng phục vụ tết. Một số địa phương ở ĐBSCL đã bắt đầu thu hoạch lúa đông xuân sớm nên giá đang ở mức thấp nhất 2 năm qua.
Nhận định của Bộ Công Thương cho biết, giá gạo giảm trong tuần qua là do nhu cầu từ Indonesia và Philippines giảm, cùng với việc Ấn Độ nối lại xuất khẩu gạo.
Trong khi đó, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 436-442 USD/tấn, không đổi so với tuần trước. Giá gạo Ấn Độ duy trì gần mức thấp nhất trong 17 tháng do nhu cầu cải thiện và đồng rupee suy yếu. Giá gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 440-449 USD/tấn.
Thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam đã tập trung nâng cao chất lượng gạo và xây dựng thương hiệu gạo khá tốt, từ đó đã tìm kiếm được những thị trường truyền thống như Indonesia, Philippines… Tuy nhiên, ở giai đoạn này, doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần sự hỗ trợ vốn từ ngân hàng và Bộ Tài chính cũng cần hoàn thuế xuất khẩu sớm để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo.
Hiện các hoạt động giao dịch trong tuần này diễn ra ảm đạm. Thị trường dự kiến sẽ tiếp tục trầm lắng trong vài tuần tới khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kết thúc vào đầu tháng sau. Với vai trò quản lý nhà nước, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp xúc tiến xuất khẩu gạo để đẩy mạnh xuất khẩu mặt hàng này./.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt kỷ lục cả về sản lượng và giá trị, với khoảng 9 triệu tấn đem về 5,7 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân cũng đạt mức cao nhất từ trước tới nay với trên 600 USD/tấn, đưa giá bình quân xuất khẩu gạo của Việt Nam trong ba năm qua tăng ấn tượng, tăng trên 28%, và đưa kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng hai con số.
Năm 2024, Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam với 3,6 triệu tấn, chiếm 40% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam và chiếm hơn 79% trong tổng số 3,68 triệu tấn gạo nhập khẩu của Philippines. Trong nhóm 15 thị trường Việt Nam xuất khẩu gạo lớn nhất, giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất ở thị trường Malaysia với mức tăng 2,3 lần so với năm 2023.
Năm 2024, Việt Nam đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu gạo sau Ấn Độ 17 triệu tấn, Thái Lan 10 triệu tấn. Để gia tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu gạo, Việt Nam đang tạo dựng hướng đi khác biệt cho ngành hàng lúa gạo khi tập trung vào xuất khẩu gạo thơm, gạo chất lượng cao và giảm dần gạo cấp thấp. Trong sản xuất, người nông dân cũng tập trung sản xuất các giống lúa chất lượng cao, bán được giá đem lại hiệu quả kinh tế cao và được thị trường quốc tế ưa chuộng như: Đài Thơm 8, OM 18, các giống ST...
Cùng với xuất khẩu, Việt Nam cũng nhập rất nhiều gạo giá rẻ từ Ấn Độ, Pakistan… để phục vụ chế biến và tiêu dùng cho phân khúc bình dân. Ngoài ra, còn có nguồn lúa gạo từ Campuchia vừa phục vụ tiêu dùng, vừa xuất khẩu do nước này chưa có hạ tầng chế biến tốt như Việt Nam.
Theo các chuyên gia dự báo, xuất khẩu gạo năm 2025 nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức hơn so với năm 2024. Năm 2025, nguồn cung gạo thế giới sẽ trở nên dồi dào hơn khi có sự trở lại của Ấn Độ, với dự báo nước này có thể xuất khẩu 22 triệu tấn, tăng 5 triệu tấn so với năm 2024. Bên cạnh đó, thị trường nhập khẩu gạo năm 2025 dự báo Indonesia là nước nhập khẩu gạo lớn trên thế giới cũng sẽ giảm nhập khẩu, trong khi Trung Quốc đã giảm nhập khẩu gạo rất mạnh từ năm 2024.