Hằng năm, vào mùa Đông, nhiệt độ thường hạ thấp gây thiệt hại lonswscho người chăn nuôi, đặc biệt tại các vùng núi cao. Do vậy, người chăn nuôi cần chú ý các biện pháp để bảo vệ đàn vạt nuôi khi nhiệt độ xuống thấp.
Tỉnh Hà Tĩnh hiện có tổng đàn trâu, bò ước đạt hơn 230.000 con, đàn lợn trên 405.000 con và 10 triệu con gia cầm. Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, để đảm bảo an toàn cho vật nuôi, ngành chuyên môn đã có văn bản về việc tăng cường phòng, chống đói rét, dịch bệnh cho vật nuôi. Theo đó, hướng dẫn cụ thể các giải pháp phòng, chống rét đối với từng đối tượng con nuôi, cách che chắn chuồng trại, bổ sung thức ăn,... Đặc biệt, khuyến cáo các phương án phòng, chống rét cho những vật nuôi thường hay chăn thả như trâu, bò...
Đặc biệt, để ứng phó với thời tiết giá rét còn kéo dài, bà con cũng cần quan tâm vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại; thường xuyên theo dõi, kiểm tra tình trạng sức khoẻ đàn vật nuôi, khi phát hiện vật nuôi bị bệnh phải có biện pháp can thiệp kịp thời; tổ chức tiêm phòng Vaccine theo kế hoạch, chu kỳ nuôi.
Theo ngành Thú y tỉnh Hà Tĩnh, từ sự đôn đốc, hướng dẫn từ ngành chuyên môn, địa phương, cùng với kinh nghiệm của bà con, việc chủ động xây dựng các phương án chống đói rét cho vật nuôi được chuẩn bị kỹ càng; nhờ đó mà nhiều năm gần đây Hà Tĩnh không có thiệt hại lớn do giá rét gây ra cho đàn vật nuôi.
Một số biện pháp phòng chống rét cho đàn vật nuôi
Đối với chăn nuôi trâu, bò:
- Chuồng trại: Có hệ thống bạt để thưng che, đảm bảo chuồng trại kín, đủ ấm, khô, không bị gió lùa, mưa hắt, nền chuồng luôn khô ráo, sạch sẽ, nền chuồng cần rải thêm lớp rơm khô để giữ ấm, tăng nhiệt trong chuồng.
- Thức ăn: Thực hiện các biện pháp bảo quản và dự trữ thức ăn, nhất là rơm rạ, cỏ khô; chế biến thức ăn ủ chua, rơm ủ urê rỉ mật; tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp làm thức ăn cho trâu, bò. Chuẩn bị thức ăn tinh (bột ngô, sắn, cám gạo...), khoáng, Vitamin để cung cấp đủ cho gia súc trong những ngày giá rét.
- Chăm sóc nuôi dưỡng:
Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng; gia súc già, yếu, gia súc non cần có chế độ nuôi dưỡng phù hợp để tăng cường phòng chống rét và dịch bệnh.
Cho trâu, bò ăn đủ lượng cỏ các loại (là cỏ xanh, cỏ ủ hoặc rơm khô, rơm ủ urê rỉ mật) với lượng từ 30-40kg và 3,5kg thức ăn tinh (là bột ngô, sắn, cám gạo...) trong một ngày đêm đối với 01 trâu, bò khối lượng 300 kg.
Bổ sung muối ăn với lượng 15g (tương đương với 3 thìa cà phê) bằng cách hoà vào nước uống (nước ấm là tốt nhất) cho trâu, bò uống.
Không thả rông trâu, bò trong rừng, núi; phải chủ động đưa trâu, bò về chỗ nuôi nhốt, trong chuồng kín gió, nền chuồng khô ráo, sưởi ấm vào ban đêm. Không cho trâu, bò làm việc, chăn thả ngoài trời khi nhiệt độ xuống thấp (dưới 12 độ C).
- Độn chuồng: Vào mùa đông, để chống rét cho trâu, bò, trước tiên cần chú ý, giữ cho bộ lông của trâu, bò thật sạch và khô. Nếu bộ lông ướt sẽ giảm cách nhiệt và làm cho trâu, bò bị rét hơn. Ngoài ra, cần sử dụng rơm rạ, cỏ khô lót chuồng sẽ làm giảm đáng kể thời tiết lạnh đến gia súc. Tùy vào điều kiện thực tế, có thể rải một lớp độn chuồng dày khoảng 5 - 15 cm trong suốt mùa đông. Chú ý, hàng ngày bổ sung chất độn chuồng ở phía trên, đảm bảo chất độn chuồng không bị ướt, ẩm.
- Dự trữ chất đốt: Củi, trấu, mùn cưa... để đốt, sưởi cho gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại hoặc tăng cường sưởi ấm vật nuôi bằng bóng điện sợi đốt, bóng hồng ngoại. Chú ý khi đốt lửa sưởi phải có đường ống dẫn khói thải ra ngoài chuồng, tránh hiện tượng ngạt, ngộ độc vật nuôi; vị trí đốt tránh xa chất độn chuồng, bạt che để phòng bén lửa gây cháy.
- Thời điểm chăn thả thường xuyên theo dõi bản tin dự báo thời tiết để có kế hoạch chăn thả gia súc, hợp lý. Hạn chế việc chăn thả gia súc khi nhiệt độ ngoài trời dưới 150 độ C (đặc biệt là gia súc non). Thời gian chăn thả tốt nhất: Buổi sáng 8h, khi trời đã tan sương; buổi chiều: Về trước 16h. Những ngày rét đậm, rét hại dưới 120C kèm theo mưa phùn thì không chăn thả mà nhốt vật nuôi trong chuồng để tiện chăm sóc, quản lý.
Đối với lợn:
- Chuồng trại vệ sinh sạch sẽ hàng ngày, không để đọng phân, nước thải trong chuồng; che kín xung quanh chuồng nuôi, không để gió lùa nhất là vào ban đêm; làm chuồng úm đối với lợn con theo mẹ. Không cọ rửa chuồng hoặc tắm cho lợn vào những ngày mưa rét nhiệt độ xuống dưới 120C.
- Cho uống đủ nước sạch, bổ sung thêm các Vitamin tổng hợp, men tiêu hoá trộn vào nước uống, thức ăn theo hướng dẫn trên bao bì sản phẩm. Khẩu phần ăn đảm bảo đầy đủ, cân đối chất dinh dưỡng đối với từng đối tượng lợn.
- Định kỳ phun thuốc tiêu độc, khử trùng, bằng các loại hoá chất như: Virkon, Han-Iodine, Benkocid, vôi bột …
- Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh cho đàn lợn như: Dịch tả lợn, THT lợn, Lở mồm long móng …
Đối với gia cầm:
- Chuẩn bị đầy đủ phên, bạt để che chắn, chống gió lùa; bổ sung thêm bóng điện (bóng tròn, bóng hồng ngoại) để sưởi ấm cho gia cầm trong những ngày rét đậm, rét hại.
- Mật độ nuôi hợp lý đối với gà đẻ: 6-8 con/m2; gà thịt: 8-10 con/m2.
- Đảm bảo thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng lứa tuổi của gà; cho uống đủ nước sạch, ấm và bổ sung thêm đường Gluco, các loại Vitamin tổng hợp, men tiêu hoá để nâng cao khả năng chống bệnh cho gà.
- Thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và thay chất độn chuồng.
- Định kỳ phun thuốc khử trùng, tiêu độc bằng các loại hoá chất như: Virkon, Han-Iodine, Benkocid, vôi bột …
- Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm đặc biệt là: Cúm gia cầm, Newcastle, Gumboro …
Ngoài các biện pháp đã thực hiện như trên, cần theo dõi thường xuyên tình trạng đàn vật nuôi để kịp thời phát hiện, xử lý khi đàn vật nuôi có biểu hiện bất thường do ảnh hưởng đói, rét, dịch bệnh./.