Hoàn thiện đề án hợp nhất và tinh gọn tổ chức bộ máy trước 15/1 gồm 17 bộ và cơ quan ngang bộ

Theo báo cáo bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thiện đề án cơ cấu, sáp nhập, hợp nhất và tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong, gửi Bộ Nội vụ trước ngày 15/1. Theo phương án đề xuất từ Bộ Nội vụ, bộ máy tổ chức Chính phủ mới gồm 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ, loại bỏ cấp tổng cục và cắt giảm hàng nghìn đầu mối.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà ký ban hành báo cáo bổ sung, hoàn thiện phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ gửi Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18.

sap-xep-tinh-gon-bo-may-2-1736667932.jpg
Quang cảnh phiên họp của Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ theo ý kiến kết luận của Bộ Chính trị.(Ảnh VGP)

Hoàn thiện đề án cơ cấu, sáp nhập, hợp nhất và tinh gọn tổ chức bộ máy trước ngày 15/1

Tại báo cáo, Bộ Nội vụ đề nghị về các mốc thời gian cụ thể hoàn thành nhiệm vụ liên quan tinh gọn bộ máy của các bộ, ngành thuộc Chính phủ.

Cụ thể, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ hoàn thiện đề án cơ cấu, sáp nhập, hợp nhất và tinh gọn tổ chức bộ máy bên trong (kèm theo dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, ngành mình), gửi Bộ Nội vụ trước ngày 15/1.

Đối với 6 bộ, ngành gồm Văn phòng Chính phủ, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, chủ động trình Chính phủ (hoặc trình bộ quản lý ngành để trình Chính phủ với cơ quan thuộc Chính phủ) dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức cơ quan mình để Chính phủ ban hành, kịp thời công bố trước ngày 20/1.

sap-xep-tinh-gon-bo-may-1-1736667968.jpg
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. (Ảnh Quốc hội)

Đối với 14 Bộ, ngành còn lại, gồm: Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nội vụ (sau hợp nhất); Bộ Dân tộc và Tôn giáo; Bộ Công Thương; Bộ Tư pháp; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Ngân hàng Nhà nước; Thanh tra Chính phủ, chủ động hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của cơ quan mình, trình Chính phủ ban hành ngay sau khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng có kết luận để kịp thời sau kỳ họp bất thường Quốc hội (dự kiến từ ngày 12 - 17/2), Chính phủ sẽ công bố Nghị định.

Riêng Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo quyết định của Bộ Chính trị.

Bộ Nội vụ đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa tháng 2/2025.

Bộ Nội vụ cũng đề nghị Ban Chỉ đạo Nghị quyết 18 của Chính phủ giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động và hoàn thiện đề án sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, báo cáo Bộ Chính trị vào ngày 17/1.

Dự kiến Chính phủ khóa XV có 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ

Theo Bộ Nội vụ, sau khi sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ khóa 15 (nhiệm kỳ 2021 - 2026) có 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ (giảm 5 bộ, ngành); 5 cơ quan thuộc Chính phủ (giảm 3 cơ quan).

14 bộ gồm: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Bộ Tài chính; Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Môi trường; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Nội vụ; Bộ Dân tộc và Tôn giáo.

3 cơ quan ngang bộ gồm: Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

5 cơ quan trực thuộc Chính phủ gồm: Đài Tiếng nói Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Đài Truyền hình hình Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam.

Thực hiện nguyên tắc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ, Ban cán sự đảng Chính phủ đã chỉ đạo sắp xếp, tinh gọn đầu mối tổ chức bên trong đối với các cơ quan (trừ Bộ Công an, Bộ Quốc phòng theo quyết định của Bộ Chính trị).

sap-xep-tinh-gon-bo-may-3-1736667895.jpg
Chính phủ khóa XV dự kiến có 14 bộ, 3 cơ quan ngang bộ, không còn cấp tổng cục.(Ảnh VGP)

Cụ thể, giảm 13/13 tổng cục và tổ chức tương đương. Giảm 518 cục và tổ chức tương đương (trong đó, giảm 59 cục và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, giảm 459 cục và tương đương thuộc tổng cục).

Giảm 218 vụ và tổ chức tương đương (trong đó, giảm 120 vụ và tương đương thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, giảm 98 vụ và tương đương thuộc tổng cục). Giảm 2.958 chi cục và tương đương.

Cùng với đó, giảm 201 đơn vị sự nghiệp công lập (bao gồm các đơn vị sự nghiệp công lập không quy định trong nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ)./.

Tên gọi của các Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ

Tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị về tên gọi sau hợp nhất của một số bộ, Bộ Nội vụ cho biết có 4 bộ sau khi hợp nhất giữ nguyên tên.

Cụ thể, giữ nguyên tên Bộ Tài chính sau khi hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.

Giữ nguyên tên Bộ Nội vụ sau khi hợp nhất Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Nội vụ.

Giữ nguyên tên Bộ Xây dựng sau khi hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng.

Giữ nguyên tên Bộ Khoa học và Công nghệ sau khi hợp nhất Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giữ nguyên tên sau khi tiếp nhận chức năng quản lý nhà nước về báo chí từ Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hợp nhất với Bộ Tài nguyên và Môi trường. Dự kiến tên gọi sau hợp nhất là Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Chính phủ dự kiến cũng thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ.

Các bộ, ngành, cơ quan khác tiếp tục giữ tên gọi như cũ gồm: Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam.

Tiếp thu ý kiến của Bộ Chính trị về điều chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, Bộ Nội vụ cho biết, chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về báo chí từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Ngoài ra, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng được chuyển sang Bộ Nông nghiệp và Môi trường.

Điều chỉnh sửa đổi, chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu chiến lược và chính sách kinh tế - tài chính không bao gồm chức năng, nhiệm vụ của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (do Bộ Chính trị đã quyết định chuyển viện này về Ban Chính sách, chiến lược Trung ương).

Kết thúc hoạt động Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; chuyển 18 tập đoàn, tổng công ty hiện đang giao cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước quản lý về Bộ Tài chính quản lý.

Chuyển Tổng công ty viễn thông MobiFone về Bộ Công an quản lý (tổ chức đảng của tổng công ty chuyển về trực thuộc Đảng ủy Công an Trung ương).

Bình Châu