Sáng nay (2/12), tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024. Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 (VLF 2024) do Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức với chủ đề “Khu thương mại tự do - giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics”.
Cùng dự Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 có Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu Phạm Viết Thanh, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Minh, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương, đại diện các tổ chức quốc tế, các hiệp hội, doanh nghiệp.
Logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu”của nền kinh tế
Diễn đàn Logistics Việt Nam là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương tổ chức từ năm 2013 nhằm phối hợp đồng bộ các hoạt động để đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất và xuất nhập khẩu, đồng thời cũng là nơi đối thoại, cập nhật thông tin về các vấn đề cấp thiết của dịch vụ logistics tại Việt Nam và thế giới.
Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, logistics là ngành dịch vụ được ví như những “mạch máu”của nền kinh tế, có vai trò quan trọng trong kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất giảm chi phí, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Ông Nguyễn Hồng Diên cho biết, Việt Nam là quốc gia nằm trong khu vực phát triển năng động của thế giới, nơi luồng hàng hoá tập trung giao lưu mạnh và nền kinh tế có độ mở lớn (trên 200%), cùng 17 Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết, thực thi với gần 70 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó bao gồm hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới, chiếm 90% GDP toàn cầu); kim ngạch xuất nhập khẩu và thương mại điện tử luôn tăng trưởng ở mức hai con số, Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường có nhiều tiềm năng, điều kiện để phát triển dịch vụ logistics.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các ban, bộ, ngành và các địa phương; đặc biệt là nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, ngành dịch vụ logistics nước ta đã có những bước phát triển khá mạnh (tăng bình quân 14-16%/năm), từng bước khẳng định được thương hiệu, vị thế của ngành trong khu vực và thế giới.
Năm 2024, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá, xếp hạng thuộc Top 10 thị trường logistics mới nổi; top 4 thế giới về Chỉ số cơ hội logistics và top 43 về Chỉ số hiệu quả logistics.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước; chi phí logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp; sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và thiếu tính kết nối về hạ tầng là những “điểm nghẽn” lớn, kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics thời gian qua.
Bên cạnh đó, những biến đổi về địa chính trị và các xu hướng kinh doanh mới (như dịch chuyển chuỗi cung ứng, thương mại điện tử xuyên biên giới, tiêu chuẩn phát triển xanh và bền vững) cùng với sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và dịch vụ logistics nói riêng.
Tiếp nối thành công của các năm trước, diễn đàn năm nay được tổ chức với chủ đề "Khu thương mại tự do - Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics" nhằm phát đi thông điệp mạnh mẽ của Chính phủ về việc thu hút, khuyến khích đầu tư, phát triển các Khu thương mại tự do với những chính sách đủ mạnh, khả thi và cơ chế thông thoáng, hấp dẫn để tạo động lực đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung và ngành dịch vụ logistics nói riêng.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Khu thương mại tự do là một trong những lợi thế cạnh tranh quan trọng và là công cụ hữu hiệu để các quốc gia tận dụng tối đa lợi ích mà quá trình hội nhập mang lại. Thực tế những năm qua, mô hình Khu thương mại tự do đã được nhiều quốc gia (như Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, UAE…) áp dụng rất thành công, giúp giảm giá thành, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm và tối ưu hóa dòng chảy hàng hóa, nâng cao năng lực logistics, thu hút đầu tư nước ngoài.
Với vị trí địa lý chiến lược và tiềm năng, thế mạnh về phát triển hạ tầng cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế, các đầu mối giao thông đường bộ, đường sắt với các nước trong khu vực và thế giới, Việt Nam hội đủ điều kiện thuận lợi để xây dựng, phát triển các khu thương mại tự do quy mô lớn và hiện đại.
Bộ Công Thương, với vai trò đầu mối quản lý nhà nước về dịch vụ logistics, đang trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam thời kỳ 2025 - 2035, tầm nhìn đến năm 2050 ; theo đó, dự thảo Chiến lược đã đề xuất nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt (trong đó có giải pháp về xây dựng Khu thương mại tự do) nhằm hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một quốc gia mạnh về logistics, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ông Nguyễn Hồng Diên đề nghị, các đại biểu từ kinh nghiệm hoạt động thực tiễn ở mỗi ngành, lĩnh vực, địa phương, hãy tập trung trao đổi, thảo luận để làm rõ những kết quả đạt được; những hạn chế, yếu kém và nguyên nhân (nhất là nguyên nhân chủ quan); rút ra các bài học kinh nghiệm trong phát triển dịch vụ logistics ở nước ta thời gian qua, cũng như nhận diện những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.
Từ đó, hiến kế, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp dịch vụ logistics phát huy nội lực, tận dụng cơ hội để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu, đón đầu các xu hướng, chính sách thành lập các Khu thương mại tự do tại Việt Nam trong thời gian tới; đồng thời đề xuất các cơ chế chính sách đủ mạnh, khả thi để khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển các Khu thương mại tự do, tạo động lực đột phá mới thúc đẩy ngành logistics Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.
Tại diễn đàn, các diễn giả đã trình bày những tham luận liên quan đến lĩnh vực logictics như: Tiềm năng, lợi thế xây dựng và phát triển khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Hành trình vươn ra biển lớn: Hệ sinh thái hàng hải Việt Nam kết nối các khu thương mại tự do; Ứng dụng công nghệ và giải pháp tài chính trong vận hành khu thương mại tự do và thúc đẩy phát triển logistics; Thúc đẩy liên kết vùng thông qua kết nối hạ tầng logistics khu vực Đông Nam Bộ Xanh và thông minh - xu hướng của trung tâm logistics hiện đại trong khu thương mại tự do; Xu hướng của logistics thương mại điện tử xuyên biên giới và những hướng đi cho Việt Nam.
Phải nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của logictics trong quá trình phát triển đất nước
Phát biểu chỉ đạo Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương Bộ Công thương và các bộ ngành liên quan, các doanh nghiệp đã tham gia tổ chức diễn đàn này một cách bài bản khoa học, quyết tâm cao, hiệu quả, thể hiện tinh thần đổi mới sáng tạo trong ngành logictics. Thủ tướng cũng đánh giá báo cáo của Bộ Công thương khá toàn diện, đạt kết quả quan trọng, trong đó nhận thức về logictics ngày càng cao hơn; xây dựng cơ bản cơ chế chính sách cho ngành logictics; vị trí vai trò của Việt Nam cũng dễ đạt được là trung tâm trung chuyển logictics của thế giới.
Thủ tướng cho biết thời gian tới sẽ tập trung phát triển không gian ngầm, không gian biển, không gian vũ trụ tạo điều kiện cho hạ tầng logictics phát triển mạnh mẽ.
Để phát triển hạ tầng logictics, Thủ tướng gợi ý một số các giải pháp từ các dự án liên quan đến sân bay, bên cạnh đó phải tăng cường hợp tác công tư, theo Thủ tướng "Hợp tác công tư một đồng cũng quý". Thủ tướng đã chỉ rõ những việc làm được và những tồn tại hạn chế cần nhìn thẳng vào để phát triển: công tác quản lý và nhân lực logictics còn thiếu và yếu; doanh nghiệp logictics chưa nhiều, quy mô chưa lớn, kho bãi còn thiếu, nhất là kho bãi, cảng cạn còn thiếu, chi phí logictics còn cao; hạ tầng logictics còn lạc hậu nên chi phí cao…
Theo Thủ tướng, sáng tạo để bay cao, đổi mới để vươn xa, hội nhập để phát triển và phải đi theo xu thế của thế giới như phát triển số, xanh, phát triển bền vững và phải tiếp tục đổi mới, hội nhập để bắt kịp với thế giới, không thể đứng ngoài cuộc trong hành trình phát triển. Tình hình thay đổi thì phải thay đổi về tư duy, thay đổi cách tiếp cận theo hướng toàn dân, toàn diện, toàn cầu, muốn làm được vậy logictics phải là mối liên hệ, cầu nối để thực hiện được vấn đề này.
Thủ tướng chỉ rõ 3 mục tiêu và 7 nhiệm vụ cho phát triển logictics, trong đó mục tiêu thứ nhất Thủ tướng yêu cầu là góp phần tăng trưởng 2 con số trong năm tới, phải giảm chi phí logistics trong GDP của đất nước từ 18% xuống 15% trong năm 2025; nâng quy mô của logistics trong GDP từ 10% lên 15%, phấn đấu đạt 20%; nâng quy mô logistics của Việt Nam trong quy mô logistics thế giới từ 0,4% lên 0,5%, phấn đấu đạt 0,6%; tốc độ tăng trưởng của ngành logistics lên 14-15% nâng lên 20%.
Thủ tướng chỉ rõ, 7 nhiệm vụ trong đó nhấn mạnh, phải nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của logictics trong quá trình phát triển đất nước, phải hiểu sâu hơn về vị trí vai trò của Việt Nam đối với thế giới; Phát triển hạ tầng logictics hiện đại; Đột phá về thể chế, hoàn thiện thể chế để ngành logictics phát triển đúng theo 3 mục tiêu, góp phần đưa đất nước đạt tăng trưởng 2 con số, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đất nước phát triển giàu mạnh và thịnh vượng; Xây dựng hạ tầng logictics thông suốt, giảm chi phí đầu vào, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trong đó phải đẩy mạnh, phát triển hàng không, hàng hải, đường sắt tốc độ cao; Xây dựng quản trị thông minh; Đẩy mạnh ngoại giao logictics đồng phải đẩy mạnh, hiện đại hóa logictics của Việt Nam trong nội địa; Xây dựng và phát triển quốc gia thương mại tự do; Kết nối chặt chẽ giữa các phương thức giao thông hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa và cao tốc để kết nối các khu thương mại tự do của thế giới, kết nối hệ thông giao thông quốc tế.
Để làm được điều đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ khẩn trương tập trung xây dựng quốc gia thương mại tự do; hoàn thiện Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam; xây dựng các khu thương mại tự do quốc tế.
Nhấn mạnh, Chính phủ với vai trò kiến tạo, tập chung xây dựng xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; tạo cơ chế huy động nguồn lực, tạo môi trường phát triển và thiết kế công cụ giám sát kiểm tra, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương tăng tính chủ động, tự lực, tự cường, tự chủ trong phát triển logistics, với tinh thần “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; các doanh nghiệp phải nâng cao tính tự chủ, tham gia đề xuất, đóng góp xây dựng thể chế, với phương châm “hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; giải quyết tốt mối quan hệ thị trường, nhà nước và xã hội trên tinh thần, “lợi ích hài hào, rủi ro chia sẻ’.
Nêu rõ đường lối đối ngoại của Việt Nam là độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên thế giới; cho biết, Việt Nam đang thúc đẩy 3 đột phá chiến lược, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài hợp tác, đầu tư tại Việt Nam trên tinh thần “cùng lắng nghe và thấu hiểu; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng, với bước đi, nền tảng ban đầu quan trọng, ngành logistics Việt Nam sẽ hoà cùng khí thế chung của cả nước, bước vào thời kỳ phát triển mới, bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trong đó Bà Rịa – Vũng Tàu là một trong những địa phương đi đầu trong phát triển logistics và ngành năng lượng của cả nước./.
Tại diễn đàn, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết, tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14% - 16%, với quy mô khoảng 40 - 42 tỷ USD/năm.
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 43/155 nước về hiệu quả logistics và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu ASEAN sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và cùng thứ hạng với Philippines.
Với tốc độ phát triển hàng năm đạt từ 14 - 16%, đây là một trong những ngành dịch vụ tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam trong thời gian qua. Tính chung cả năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt mức 681 tỷ USD, bằng 158% GDP cả nước.
Theo dự báo mới nhất của Standard Chartered, Việt Nam sẽ là một trong những nhân tố chính đóng góp vào tăng trưởng thương mại toàn cầu với kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt 618 tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 7%. Kim ngạch nhập khẩu đến năm 2030 dự kiến đạt 578 tỷ USD, tăng bình quân 6,9%/năm.
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics với hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp; các dịch vụ đi kèm đã, đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường. Các thủ tục, thời gian thông quan đối với hàng xuất khẩu cũng đã cải thiện đáng kể. Đặc biệt, thời gian gần đây đã có sự bùng nổ về thương mại điện tử và logistics cho thương mại điện tử. Năm 2023, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 20,5 tỷ USD, tăng khoảng 4 tỷ USD (tương đương 25%) so với năm 2022.
Với kết quả đó, Việt Nam được xếp vào nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới (tính đến thời điểm hiện tại – theo Statista). Chính những thay đổi trong thương mại điện tử trên thế giới và tại Việt Nam đã thúc đẩy ngành logistics Việt Nam cải thiện phương thức cung cấp dịch vụ ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn./.