Logistics Xanh sẽ tối ưu hóa sản xuất kinh doanh và nâng tầm thương hiệu doanh nghiệp

Logistics Xanh sẽ mang lại hiệu quả rất to lớn cho hoạt động của các doanh nghiệp, bởi trong quá trình thực hiện logistics Xanh, doanh nghiệp sẽ sử dụng nhiều năng lượng tái tạo, tối ưu hóa quá trình hoạt động và đặc biệt khi các doanh nghiệp ứng dụng logistics Xanh sẽ xây dựng hình ảnh, thương hiệu.
lo-gis-tic-xanh-01-1716344655.jpg
Với ngành logistics, “Xanh hóa” không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Logistics nhiều tiềm năng những chưa bắt kịp lộ trình “Xanh hóa”

Với ngành logistics, “Xanh hóa” không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp logistics cần tận dụng lợi thế, đưa Xanh hóa thành động lực, yêu cầu bức thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hình ảnh thương hiệu, hướng tới phát triển bền vững và toàn diện hơn trong hoạt động kinh doanh, thương mại và xuất nhập khẩu toàn cầu.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics như: nằm ở vị trí chiến lược trong khu vực phát triển năng động của thế giới, có nền kinh tế đang trên đà phát triển, hội nhập quốc tế sâu rộng, là thị trường mới nổi thứ tám có sức tiêu thụ lớn, thương mại điện tử có xu hướng phát triển mạnh, là trung tâm sản xuất mới của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, có lợi thế về vị trí địa lý thuận lợi cho vận tải quốc tế với bờ biển dài 3.260 km, có nhiều cảng nước sâu, sân bay quốc tế, hệ thống đường sắt xuyên quốc gia và mạng lưới giao thông thuận lợi.

Trong năm 2023, chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam đạt 3,3 điểm, đứng thứ 43/154 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng thứ 5 trong các nước ASEAN, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ khá cao 14%-16%/năm, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm, nhiều doanh nghiệp logistics được thành lập cung cấp dịch vụ logistics và từng bước hình thành chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ tới các vùng miền trong cả nước và tới các nước trong khu vực, số doanh nghiệp logistics tăng nhanh, các trung tâm logistics có quy mô lớn đang gia tăng…

Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics Việt Nam giai đoạn vừa qua còn những hạn chế như năng lực cạnh tranh vẫn còn thấp, 89% doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp trong nước, chủ yếu quy mô vừa và nhỏ (chiếm 95%), nhưng chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, chi phí logistics cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới (tương đương khoảng 18% GDP, trong khi mức bình quân thế giới là 14%), đóng góp vào GDP chỉ từ 4%-5%.

lo-gis-tic-xanh-03-1716344686.jpg
Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế trong phát triển dịch vụ logistics. (Ảnh minh họa)

Thực tế cho thấy, những điểm bất cập của lĩnh vực logistics thời gian qua đã tác động không nhỏ tới khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Đặc biệt, vấn đề phí và phụ phí (ngoài cước) tại các cảng biển đang là vấn đề nổi cộm đối với doanh nghiệp trong nước.

Ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, mặc dù vấn đề phí và phụ phí không chỉ riêng của Việt Nam mà là vấn đề toàn cầu và của liên đoàn logistics thế giới, song chuyên gia này nhấn mạnh đến việc minh bạch trong việc áp dụng các phụ phí và cần đưa vào ở góc độ quản lý Nhà nước để yêu cầu doanh nghiệp áp dụng các phí phải giải trình sự phù hợp của nó.

Còn theo ông Ngô Khắc Lễ, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cùng với sự vào cuộc của cơ quan quản lý Nhà nước, các chủ hàng và doanh nghiệp cần phải có tiếng nói và liên kết mạnh mẽ hơn nữa để tạo ra sức mạnh trong việc minh bạch các vấn đề chi phí của các hãng tàu, qua đó giảm chi phí và nâng sức cạnh tranh cho hàng hóa.

Logistics “Xanh hóa” đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp

Xu hướng hiện nay, các quốc gia đều áp dụng tiêu chuẩn Xanh đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Do vậy, với ngành logistics, “Xanh hóa” đã trở thành yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp để có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Minh chứng cho điều này, theo ông Đào Trọng Khoa, nhìn một cách tổng thể, logistics Xanh sẽ mang lại hiệu quả rất to lớn cho hoạt động của các doanh nghiệp, bởi trong quá trình thực hiện logistics Xanh, doanh nghiệp sẽ sử dụng nhiều năng lượng tái tạo, tối ưu hóa quá trình hoạt động, từ đấy cũng cắt giảm các chi phí hoạt động và đặc biệt khi các doanh nghiệp ứng dụng logistics Xanh sẽ xây dựng hình ảnh của họ một cách chuyên nghiệp hơn và được các khách hàng ưa chuộng hơn.

“Có 88% khách hàng được hỏi có xu hướng trung thành với các doanh nghiệp có biện pháp bảo vệ môi trường. Do đó, khi các doanh nghiệp ứng dụng logistics Xanh trong chiến lược của mình thì về lâu dài sẽ gia tăng được số lượng khách hàng, tăng được nguồn thu và cắt giảm chi phí. Vì vậy thực hiện logistics Xanh không thể nói lãng phí mà về lâu dài sẽ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp,” ông Đào Trọng Khoa nhấn mạnh.

lo-gis-tic-xanh-02-1716344638.jpg
Khi các doanh nghiệp ứng dụng logistics Xanh trong chiến lược của mình thì về lâu dài sẽ gia tăng được số lượng khách hàng, tăng được nguồn thu và cắt giảm chi phí.(Ảnh minh họa)

Đối với Bộ Công Thương, nhằm thúc đẩy lĩnh vực logistics, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng cần sự thống nhất giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương, giữa các hiệp hội và các tổ chức hỗ trợ xúc tiến cho đến các doanh nghiệp và chủ hàng…

“Vai trò lớn nhất của Bộ Công Thương chính là tạo ra nền tảng chính sách vĩ mô để các đơn vị và doanh nghiệp cùng thực hiện. Cụ thể là hướng đến chiến lược phát triển logistics Xanh nằm trong chiến lược chung về phát triển logistics, trong đó có những mảng, lĩnh vực quan trọng như: logistics Xanh, Chuyển đổi Số trong logistics và đào tạo nhân lực cho ngành logistics…, do vậy chiến lược này cũng cần sự phối hợp của các bộ, ngành khác như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Hiệp hội trong lĩnh vực logistics…,” ông Trần Thanh Hải nói.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang hoàn thiện Dự thảo Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Theo Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân, vấn đề cần đặt ra là làm thế nào để tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước, để các doanh nghiệp có thể chiếm lĩnh thị phần ngành hàng này từ đó nâng cao vị thế của ngành ngành logistics Việt Nam ngay tại sân nhà.

Ngoài ra, trong Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam cần nhấn mạnh vai trò của hiệp hội trong việc kết nối doanh nghiệp; phát triển logistics Xanh, bền vững; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành logistics; phát triển nguồn hàng; xây dựng trung tâm logistics tạo được sự liên kết cũng được động lực lan tỏa…/.

Trọng Bình