Xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 ghi nhận kết quả tích cực

Ngày 2/7/2024, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tháng 6/2024 với chủ đề “Sơ kết hoạt động xúc tiến xuất khẩu 06 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 06 tháng cuối năm 2024”.
z5594209682299-93c69f3726a37aec590a0b3170d55e27-1719898709.jpg
Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại tháng 6/2024: “Sơ kết hoạt động xúc tiến xuất khẩu 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024”. Ảnh Hương Lan

Theo số liệu được đưa ra tại Hội nghị: “Sơ kết hoạt động xúc tiến xuất khẩu 6 tháng đầu năm và triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024”, hoạt động xuất nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm 2024 tiếp tục ghi nhận kết quả tích cực. Trong đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 369,6 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu ước đạt 189,5 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu ước đạt 180,2 tỷ USD, tăng 18,1%.

Về xuất khẩu hàng hóa, trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng mạnh và đồng đều ở cả 03 nhóm hàng. Cụ thể, xuất khẩu nhóm nông, thủy sản đạt kim ngạch tăng trưởng ở mức cao ước đạt 19,9%; trong đó: thủy sản ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 4,9%; rau quả ước đạt 3,4 tỷ USD, tăng 28,2%, cà phê ước đạt 3,2 tỷ USD, tăng 34,5%, gạo tuy chỉ ước tăng 10,4% về lượng nhưng kim ngạch ước tăng 32%.

Các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu chủ lực tiếp tục phục hồi tốt: Gỗ và sản phẩm từ gỗ ước đạt 7,4 tỷ USD tăng 22,2%; hàng dệt may ước đạt 16,3 tỷ USD, tăng 3,1%; giày dép ước đạt 10,8 tỷ USD, tăng 10%, sắt thép các loại ước đạt 4,7 tỷ USD, tăng 9,8%; máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện ước đạt 33 tỷ USD, tăng 28,6%; điện thoại các loại và linh kiện ước đạt 27,2 tỷ USD, tăng 11,3%

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản ước đạt 2,14 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023.

Về thị trường, kim ngạch xuất khẩu tới hầu hết các thị trường, đối tác thương mại lớn của nước ta trong 5 tháng đầu năm 2024 đều có sự phục hồi tốt và đạt mức tăng trưởng cao. Trong đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 44,4 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường Trung Quốc đạt 22,6 tỷ USD, tăng 9,9%; thị trường EU đạt 20,3 tỷ USD, tăng 14,1% ; Hàn Quốc đạt 10,2 tỷ USD, tăng 10,9%; Nhật Bản đạt 9,4 tỷ USD, tăng 3,2%.

Để đạt những kết quả trên, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, nhờ những chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam thông qua đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.

Đồng thời, Chính phủ đã có sự vào cuộc mạnh mẽ với nhiều giải pháp hỗ trợ toàn diện cho nền kinh tế. Với vai trò là cơ quan chủ trì trong quản lý, điều hành hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đã sớm nhận diện những khó khăn, rủi ro từ các thị trường xuất khẩu để tham mưu, đề xuất các giải pháp phát triển thị trường xuất khẩu.

nhung-mat-hang-xuat-khau-nhieu-nhat-hien-nay-1-1719898826.jpg
Trong 6 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu năm 2024 vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Trong khi đó, quy mô nền kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bến ngoài còn hạn chế. Những yếu tố đột xuất, bất ngờ vẫn tiềm ẩn rủi ro, khó dự báo; dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ngoài ra vấn đề cước vận tải biển tăng rất cao dù thời điểm tháng 5-6 chưa được coi là cao điểm, đặc biệt đối với các tuyến từ châu Á đi Hoa Kỳ và EU do vấn đề xung đột tại biển Đỏ làm các doanh nghiệp vận tải thay đổi tuyến vận chuyển; một số cảng biển tại châu Á gặp tình trạng tắc nghẽn, tàu phải đợi rất lâu để khai thác như cảng Thượng Hải, đặc biệt là cảng Singapore, lượng hàng xuất khẩu tại Trung Quốc tăng vọt trong tháng 5, 6 dẫn tới tình trạng thiếu booking, mất cân bằng container giữa các cảng biển châu Á.

Trong 6 tháng cuối năm 2024, thị trường xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục lại gia tăng các yêu cầu mới đối với thương mại quốc tế, thiết lập dày đặc hơn các rào cản thị trường, tăng xu hướng bảo hộ thương mại, chuyển đổi xanh, chú trọng các nhóm sản phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm organic, có yếu tố chuyển đổi năng lượng, phát triển bền vững… Sự biến đổi của tình hình thế giới, khu vực đem lại cả thuận lợi và thời cơ, khó khăn và thách thức đan xen, đặt ra nhiều yêu cầu mới đối với công tác xúc tiến thương mại.

Do đó, trong thời gian tới, theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), hoạt động xúc tiến thương mại thời gian tới sẽ linh hoạt, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại và kết nối doanh nghiệp cùng sản phẩm của doanh nghiệp (đặc biệt là hàng nông thủy sản) của Việt Nam tới hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường.

Đồng thời, đào tạo, nâng cao năng lực xúc tiến thương mại cho các doanh nghiệp, đặc biệt là năng lực xúc tiến thương mại trên nền tảng số, thương mại điện tử; tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cộng đồng doanh nghiệp về chuyển đổi xanh, sản xuất bền vững nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, thích ứng với xu hướng thị trường hiện nay./.

Hương Lan