
Trong 4 năm qua, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khu vực Trung Đông ghi nhận xu hướng tăng trưởng tích cực. Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này đã tăng từ 83 triệu USD vào năm 2021 lên 113 triệu USD vào năm 2024, tương đương mức tăng 35%. Dù những biến động địa chính trị gần đây đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu, Trung Đông vẫn được xem là một thị trường đầy tiềm năng cho ngành cá ngừ Việt Nam.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cá ngừ sang các quốc gia Halal khác như Malaysia và Brunei cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2024, lần lượt là 36% và 24%.
Hiện nay, cộng đồng Hồi giáo toàn cầu có hơn 2 tỷ người, sinh sống tại 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, chiếm khoảng 25% dân số thế giới. Phần lớn trong số này tập trung tại khu vực châu Á (62%), đặc biệt là trong khối ASEAN. Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi có dân số Hồi giáo đông đảo nhất, tiêu thụ hơn 63% sản phẩm Halal toàn cầu, trở thành trung tâm năng động của thị trường này. Với vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam được xem là cửa ngõ chiến lược để tiếp cận thị trường Halal rộng lớn.
Bà Nguyễn Minh Phương, Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông thủy sản và các mặt hàng nông thủy sản chế biến. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm. Nếu được tận dụng, phát huy tốt sẽ giúp nông thủy sản Việt Nam vững vàng tham gia vào thị trường sản phẩm Halal.
Tuy nhiên, thách thức đối với doanh nghiệp là chứng nhận Halal không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận lẫn nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả mặt hàng. Điều này gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vì phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận cho phù hợp.
Bà Nguyễn Minh Phương cũng cho biết, đối với nhóm sản phẩm thủy sản và thủy sản chế biến, nhu cầu của các nước Hồi giáo là rất lớn, đặc biệt với các nước tại khu vực Trung Đông – Bắc Phi do điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, phải phụ thuộc chính vào nhập khẩu nông sản, thực phẩm. Đây là thị trường tiềm năng của thủy sản Việt Nam và dư địa có thể tăng gấp nhiều lần nếu được tập trung phát triển.
Tiêu chuẩn Halal rất cao, từ quy trình chúng ta chọn nguyên liệu, quy trình sản xuất cho tới quy trình đầu ra chúng ta đều phải đảm bảo. Khi những sản phẩm đã vào được thị trường của các nước đạo Hồi thì lòng tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm sẽ cao hơn và đương nhiên là chúng ta sẽ tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm” - bà Nguyễn Minh Phương nói.
Theo đó, để hàng hóa Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường này, Phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) khuyến cáo, Việt Nam cần hoàn thiện hệ thống pháp lý về Halal, bao gồm việc xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia và quy trình chứng nhận phù hợp với yêu cầu quốc tế. Đồng thời, tăng cường hợp tác trong lĩnh vực Halal giữa Việt Nam và UAE, đặc biệt là hoạt động cấp giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn Halal của UAE. Dự báo, các sản phẩm Halal của Việt Nam sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm cùng loại đến từ các quốc gia đã có nhiều năm kinh nghiệm và uy tín trong lĩnh vực này.
Vì vậy, Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, bao gồm ưu tiên nguồn lực ngân sách cho sản xuất và cấp chứng nhận, đẩy mạnh xúc tiến thương mại và đào tạo nhân lực chuyên trách về Halal. Đồng thời, cần có các tổ chức trung gian uy tín giúp doanh nghiệp trong quá trình chứng nhận và tuân thủ quy định tại các thị trường xuất khẩu. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao theo chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu các thông tin trên để xây dựng kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal.
Theo đó đây sẽ là cơ hội cho các doanh nghiệp cá ngừ Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU gặp khó khăn.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao nghiên cứu thông tin tại Báo cáo của Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để xây dựng kế hoạch thúc đẩy xuất khẩu thực phẩm Halal.