Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài

Trong khảo sát mới đây của CBRE cho thấy Việt Nam chỉ xếp sau Ấn Độ trong số các thị trường địa ốc mới nổi được săn đón ở châu Á - Thái Bình Dương.
khu-tai-dinh-cu-thu-thiem-5763-1708505893.jpg
Khu vực Thủ Thiêm thuộc TP. Thủ Đức (TP.HCM) vẫn còn nhiều dư địa để phát triển bất động sản. Ảnh minh họa

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/12/2023, tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm trước.

Ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với năm 2022. Trong đó, riêng với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 3,16 tỷ USD, chiếm 36,9% giá trị góp vốn (năm ngoái đạt 1,58 tỷ USD).

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài  thực hiện tại Việt Nam trong năm 2023 ước đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5% so với năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 1,15 tỷ USD (cùng kỳ năm ngoái đạt 1,46 tỷ USD).

Ngoài ra, trong năm 2023, thị trường bất động sản tại Việt Nam đã chứng kiến hàng loạt thương vụ nhà đầu tư từ nước ngoài tới M&A, bắt tay hợp với các doanh nghiệp trong nước phát triển dự án.

Tiếp nối đà tăng trưởng trên, với hơn 1,27 tỷ USD trên tổng số hơn 2,36 tỷ USD vốn đầu tư FDI vào Việt Nam (gồm vốn mới đăng ký và vốn tăng thêm), lĩnh vực kinh doanh bất động sản tiếp tục là điểm đến của dòng vốn ngoại ngay trong tháng 1 vừa qua.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong các ngành lĩnh vực đầu tư, vốn ngoại đổ nhiều nhất vào kinh doanh bất động sản: Chiếm 53,9% tổng vốn đầu tư đăng ký và gấp 2 lần so với cùng kỳ. Điều này cho thấy bất động sản đang đón nhận dòng vốn mới với triển vọng tích cực khi năm 2023, số vốn cấp mới trong ngành bất động sản cũng đạt hơn 4,67 tỷ USD, chiếm hơn 12,7% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 4,8% so với năm 2022.

khu-cong-nghiep-1708505621.jpg
Hai phân khúc thu hút các nhà đầu tư ngoại khi vào Việt Nam là bất động sản công nghiệp và văn phòng. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, theo khảo sát của CBRE vào cuối năm 2023 về ý định và kế hoạch của nhà đầu tư tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2024 từ những nhà đầu tư tổ chức với nhiều câu hỏi liên quan đến kế hoạch đầu tư, nhận định về những thách thức trong thời gian tới, chiến lược đối phó, mảng thị trường và quốc gia được ưu tiên đầu tư trong năm tới cho thấy, nhu cầu mua dự án bất động sản trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương còn khá yếu, trong khi nhu cầu bán dự án lại ở mức cao.

Với chu kỳ tăng lãi suất đã chững lại ở các thị trường lớn trên toàn cầu, các nhà đầu tư đang chờ đợi những dấu hiệu cho thấy chu kỳ điều chỉnh giá hiện tại đã kết thúc trước khi xuống tiền. Nhà đầu tư ở hầu hết các thị trường sẽ tiếp tục giữ động thái chờ đợi và quan sát trong nửa đầu năm 2024.

Tuy nhiên, thị trường kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2024 và các ngân hàng trung ương tại Châu Á - Thái Bình Dương cũng sẽ điều chỉnh theo, nhờ đó mà các hoạt động mua bán dự án bất động sản thương mại sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm.

Cũng trong khảo sát, Việt Nam đứng thứ hai trong số các thị trường mới nổi được săn đón nhiều nhất về chiến lược đầu tư cơ hội và giá trị gia tăng, do Việt Nam có bối cảnh độc đáo, nơi các danh mục đầu tư bao gồm tài sản tạo thu nhập rất khan hiếm và thường không chào bán nhiều trên thị trường.

Theo CBRE, hai phân khúc thu hút các nhà đầu tư ngoại khi vào Việt Nam là bất động sản công nghiệp và văn phòng. Hoạt động thương mại phát triển tại Việt Nam đã thúc đẩy nhu cầu quản lý chuỗi cung ứng và hậu cần. Các nhà đầu tư đã nhận ra tiềm năng từ những động lực này nên rất quan tâm đến bất động sản công nghiệp.

Ngoài ra, chủ đầu tư và nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm đến đất dự án phát triển nhà ở. Nhiều nhà đầu tư đã tích cực tìm kiếm tài sản giảm giá hoặc của chủ sở hữu đang gặp khó khăn về pháp lý, nguồn vốn. Xu hướng này cho thấy khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của phân khúc nhà ở tại Việt Nam.

Đồng thời, CBRE lưu ý thị trường bất động sản Việt Nam có đặc điểm riêng là nguồn cung khan hiếm và những tài sản tạo dòng tiền tốt ít được chào bán công khai. Sự chênh lệch về kỳ vọng giá giữa người mua và người bán cũng là trở ngại lớn trong các giao dịch./.

Đông Nghi