Phát huy tiềm năng nông nghiệp cần lực đẩy từ thu hút doanh nghiệp đầu tư

Hiện cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trong tổng số trên 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta. Con số khiêm tốn này cho thấy việc thu hút doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào ngành nông nghiệp vẫn đang là bài toán cần lời giải ở nhiều địa phương.
thu-hut-dau-tu-nong-nghiep-02-1707967050.jpg
Việt Nam có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp. (Ảnh minh họa)

Nông nghiệp là lĩnh vực doanh nghiệp nước ngoài nhìn thấy nhiều cơ hội

Ông Gabor Fluit, Chủ tịch EuroCham nhìn nhận, sau khi Việt Nam áp dụng chính sách phát triển các khu công nghiệp thành công, chính sách cho thuê đất 50 năm, chính sách một cửa... thì các doanh nghiệp nước ngoài nhìn thấy nhiều cơ hội hơn từ Việt Nam.

"Lúc đầu, các doanh nghiệp chọn Việt Nam làm địa điểm đặt nhà máy sản xuất bởi có nguồn lao động dồi dào và rẻ, nhưng sau này các doanh nghiệp đã nhìn thấy cơ hội đầu tư, bán sản phẩm ở ngay thị trường nội địa với gần 100 triệu dân và hàng chục triệu khách du lịch đến Việt Nam mỗi năm", ông Gabor Fluit phân tích.

Chủ tịch EuroCham cho biết, hiện nay nhiều doanh nghiệp đã xem xét lại chuỗi liên kết cũng như chiến lược kinh doanh của họ, theo đó nhiều công ty đánh giá Việt Nam là một trong những nước có nền kinh tế phù hợp để họ chuyển giao một phần chuỗi cung ứng. Việt Nam là đất nước nông nghiệp, song 20-30 năm gần đây lĩnh vực công nghiệp đã có bước phát triển mạnh, các ngành dịch vụ, du lịch, ngân hàng tài chính cũng phát triển nhanh song cái gốc của Việt Nam vẫn là nông nghiệp.

Ông Gabor Fluit cho biết: Số lao động đang làm việc trong lĩnh vực này lớn, đặc biệt, khi thế giới xảy ra nhiều biến động, những quốc gia tự sản xuất được nhiều lương thực, thực phẩm như Việt Nam lại cho thấy lợi thế về an ninh lương thực, an ninh thực phẩm. Các sản phẩm Việt Nam tự sản xuất được vô cùng phong phú, từ gạo, thịt, cá, trứng, sữa, rau củ, trái cây…, thậm chí có dư bán cho nhiều quốc gia khác.

Quan sát một số doanh nghiệp đang đầu tư vào nông nghiệp tại Việt Nam, tôi thấy chia thành 2 nhóm. Một là đến Việt Nam cung cấp nguồn đầu vào, dịch vụ, sản phẩm cho người nông dân hoặc các công ty chuyên cung cấp máy móc thiết bị, dịch vụ tư vấn, vật tư công nghệ… Hai là họ đến Việt Nam thu mua sản phẩm, chế biến rồi xuất khẩu đi khắp thế giới, họ thu mua hạt tiêu ở Việt Nam và các nước khác để sản xuất, trở thành nhà cung cấp lớn nhất thế giới trong lĩnh vực xuất khẩu hạt tiêu. Cũng có một số công ty làm cả 2 lĩnh vực nói trên.

thu-hut-dau-tu-nong-nghiep-01-1707967094.jpg
Thu hút đầu tư vào nông nghiệp để có thêm nguồn lực phát triển nông nghiệp công nghệ cao. (Ảnh minh họa)

Ông Gabor Fluit cũng đánh giá con số giá trị xuất khẩu của Việt Nam năm 2023 là hơn 53 tỷ USD - con số khá lớn, song nếu Việt Nam đi đúng hướng và tiếp tục gia tăng được giá trị sản phẩm, giảm tỷ lệ xuất thô, tăng chế biến sâu thì chắc chắn kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng gấp đôi. "Theo tôi, Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu nông sản được 100 tỷ USD", ông Gabor Fluit nhấn mạnh.

Chủ tịch Euro Cham phân tích: Nông nghiệp ít khi thu hút những dự án rất lớn như ngành công nghiệp, điện tử, số tiền có thể không lên đến hàng tỷ USD, nhưng sẽ có rất nhiều dự án vừa và nhỏ đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt. Gần đây có sự biến động lớn về thị trường công nghệ 4.0, máy bay điều khiển từ xa… Chi phí đầu tư công nghệ ngày càng rẻ, cơ hội tiếp cận công nghệ đối với nông dân Việt Nam ngày càng gần hơn. Khi đó, chắc chắn hiệu quả, năng suất nông nghiệp sẽ tăng lên, đồng nghĩa giá trị kinh tế cũng tăng cao.

Nỗ lực thu hút đầu tư vào nông nghiệp với tinh thần trọng thị

Đầu tư vào nông nghiệp vẫn còn thiếu yếu tố bền vững, chủ yếu đầu tư theo chiều rộng, nhờ tăng diện tích, tăng vụ và nhờ các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động, vốn, vật tư, nguồn lực tự nhiên... nên mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều nhưng giá trị chưa cao, hiệu quả sử dụng đất và tài nguyên chưa nhiều.

Ngoài ra, nông nghiệp luôn là lĩnh vực đầu tư nhiều rủi ro, luôn đối diện thách thức về biến đổi khí hậu, thiên tai khó lường, hạn hán và xâm nhập mặn; dịch bệnh, giá cả thị trường biến động; sự thay đổi nhu cầu và phương thức tiêu dùng…

Nhằm khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Năm 2029, Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết số 53/2019 về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững, trong đó nhấn mạnh tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm mạnh các rào cản về điều kiện kinh doanh trong nông nghiệp, tạo sức hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Ngày 12/6/2022, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu sản xuất kinh doanh nông nghiệp phát triển mạnh theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đồng thời, để đẩy mạnh thu hút đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 57/2018?NĐ-CP với các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung nhiều quy định, yêu cầu về đối tượng hỗ trợ cho các dự án nông nghiệp. Cốt lõi của vấn đề là nhằm tháo gỡ vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn để chính sách đi vào thực tiễn, đến được với những doanh nghiệp đang có nhu cầu và tiềm năng muốn đầu tư vào ngành nông nghiệp.

thu-hut-dau-tu-nong-nghiep-003-1707967142.jpg
Phát triển nông nghiệp bền vững cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành, doanh nghiệp và người nông dân. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, hiện cả nước có khoảng trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, một con số rất khiêm tốn so với tổng số trên 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động ở nước ta, điều này cho thấy việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp vẫn đang là bài toán cần lời giải ở nhiều địa phương.

Cùng với những chính sách rộng mở đón các đối tác thì cần một tư duy rộng mở và quyết tâm chính trị nhất quán từ Trung ương đến địa phương.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận: Tư duy phát triển tiên tiến quan tâm đến việc tạo dựng mối quan hệ hài hoà "Nhà nước - Thị trường - Xã hội. Phát triển nông nghiệp bền vững cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan nhà nước quản lý chuyên ngành, doanh nghiệp và người nông dân. Cơ quan nhà nước giữ vai trò cầu nối từ cộng đồng doanh nghiệp đến người nông dân.

Cộng đồng doanh nghiệp giới thiệu, dẫn dắt người nông dân từng bước tiếp cận các quy chuẩn của thị trường, xu thế tiêu dùng, điều chỉnh từ quán tính "tự cung, tự cấp" sang sản xuất theo tín hiệu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.

"Cộng đồng doanh nghiệp hỗ trợ tư vấn kiến thức kinh tế, cập nhật thông tin thị trường cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành. Đó là mối quan hệ tương hỗ và bình đẳng, cần nhau, bổ trợ lẫn nhau, chứ không phải "xin - cho". Như vậy, với cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp là đối tác, hoàn toàn không phải đối tượng để quản lý. Chúng ta luôn cần có nhau, chung bước trên hành trình phát triển nông nghiệp bền vững", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Trương Thị Lệ Khanh, Công ty Cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn cho rằng, cần có cơ chế về tín dụng cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp bền vững.

Mặt khác, có chính sách thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp có năng lực về công nghệ chế biến và phát triển thị trường, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn, các vùng nguyên liệu tập trung. Các địa phương cần chọn lựa nhà đầu tư có quan điểm phát triển bền vững, có năng lực thực hiện dự án đúng cam kết./.

Bình Châu