Theo dòng ký ức ngày ra trận

Tháng 1/1972, Lê Kim Sơn người làng Tây Đoài - Phù Lỗ - Kim Anh - Vĩnh Phúc (nay là Sóc Sơn - Hà Nội) chỉ còn gần 3 tháng nữa là tốt nghiệp trường Cơ khí đường sắt đã cùng hàng vạn sinh viên các trường cao đẳng, đại học của miền Bắc xếp bút nghiên lên đường đánh Mỹ.
a3-facx-1658739927.jpg
Ảnh minh họa

Khoảnh khắc biết mình thực sự xa mái trường, xa các bạn, Sơn xúc động lúng túng, dù đã cố gắng kìm nén trước mặt các bạn gái nhưng dòng lệ vẫn trào ra. Ra đi anh để lại tất cả chỉ mang theo trong ba lô cuốn nhật ký và những tấm ảnh bạn bè thân (trong đó có một tấm ảnh sau này đã trở thành báu vật duy nhất còn lại của gia đình dòng họ liệt sỹ Hoàng Văn Tiến ở Bắc Ninh do thương binh Lê Kim Sơn trao lại sau 42 năm cất giữ). Làm sao không xúc động, không rơi lệ khi phải xa mái trường thân yêu sau 2 năm gắn bó, xa các thầy, các bạn bao nhiêu kỷ niệm trước giờ phút chia tay.

Nhưng cuộc chia tay lần này lên đường nhập ngũ là một vinh dự của một sinh viên khi đất nước có giặc. Sơn xác định rõ như vậy và tâm trạng ấy được anh ghi lại trong cuốn nhật ký ngày 13/01/1972: Vòng quanh dòng lệ thân thương/Bùi ngùi nhớ lúc lên đường ra đi/Thanh niên trẻ khỏe một thì/Tòng quân giết giặc quyết vì quê hương/Bút nghiên xếp lại - lên đường/Giữ gìn làng xóm, phố phường non sông.

Cùng đội ngũ với Sơn, lớp sinh viên lên đường ngày ấy có mặt trên khắp trận tuyến từ thành cổ Quảng Trị đến chiến trường miền Đông Nam bộ, tham gia giải phóng Buôn Mê Thuột, có mặt ở Sài Gòn vào ngày 30/4/1975. Trong hơn 10.000 sinh viên thì hơn một nửa hy sinh tại các mặt trận phía nam, trên đất Lào nhưng nhiều nhất là trong chiến dịch 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Nói về những ngày tháng chiến đấu ở Quảng Trị, Lê Kim Sơn hồi tưởng lại:

Trước thảm bại Quảng Trị thất thủ. Thừa Thiên, Huế bị uy hiếp nặng nề, ngày 13/6/1972, sau khi được Mỹ hứa tăng viện trợ. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu quyết định mở cuộc hành quân “tái chiếm Quảng Trị”. Thiệu huy động 4 sư đoàn mạnh nhất trong quân đội ngụy, trong đó có sư đoàn dù và sư đoàn lính thủy đánh bộ thuộc lực lượng tổng dự bị quốc gia, với lực lượng tương đương 13 trung đoàn bộ binh, 17 tiểu đoàn pháo binh, 5 thiết đoàn được nhiều đơn vị không quân, pháo hạm Mỹ hỗ trợ cho cuộc hành quân tái chiếm này.

Nắm được âm mưu của địch, Bộ Tư lệnh chiến dịch của ta chủ trương tăng cường lực lượng vào giữ thị xã. Cuộc chiến đấu vào những ngày cuối tháng 8/1972 càng diễn ra quyết liệt. Mỹ- Ngụy dùng âm mưu phong tỏa thị xã Quảng Trị bằng hỏa lực để phá vỡ các tuyến chốt bảo vệ thị xã của quân giải phóng, đồng thời cho sư đoàn lính thủy đánh bộ lấn dũi, hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần. Sư đoàn 304 được bố trí tập trung đánh địch ở Cầu Nhi, Bến Đá và núi Trường Phước.

Đại đội 2 thuộc Trung đoàn 66 của Sơn chịu trách nhiệm bám giữ điểm cao 105 đến động Ông Do. “Cuộc chiến đấu giữa ta và địch cứ diễn ra giằng co quyết liệt, giành nhau từng ụ đất, bộ binh địch đột phá không được thì lùi ra gọi pháo kích. Mật độ bom pháo địch dày đặc tới mức không thể nhận ra từng tiếng nố. Trong thị xã, tường thành cổ sụp đổ từng mảng, mặt đất biến dạng.

Gạch ngói đất đá nóng chảy khét lẹt, hầm hố công sự chao đảo đu đưa, người bị nhồi lên ép xuống không khí ngột ngạt. Ngồi trong hầm không trúng mảnh đạn mà máu vẫn trào ra ở tai, ở mũi”, nhiều đồng đội hy sinh không phải một lần mà hy sinh rất nhiều lần. Chúng tôi vừa an táng cho đồng đội xong, nó lại nã pháo vào đồng đội lại phải hy sinh lần 2, lần 3 đó là cái đau thương nhất mà tôi phải chứng kiến. Thành cổ Quảng Trị bây giờ bảo tìm nguyên thi thể thì không thể tìm được.

Đại đội 2 liên tục được bổ xung quân từ miền Bắc vào và điều động lực lượng từ đơn vị khác sang để giữ chắc điểm cao 105 và 367. Đạn pháo phía địch bắn vãi ra như mưa, quân ta hy sinh, tổn thất nhiều, đến khoảng 15 giờ ngày 16/8 tôi bị sức ép từ quả đạn pháo nổ rất gần lịm đi, được đồng đội chuyển ra tuyến ngoài, 3 ngày sau tỉnh lại, tôi nhận thêm tin đau đớn Hoàng Văn Tiến quê Quế Võ - Bắc Ninh người bạn thân cùng lớp, cùng ngày nhập ngũ đã anh dũng hy sinh trên chốt. Sau thời gian điều trị sức khỏe cơ bản đã hồi phục Sơn tiếp tục trở lại đơn vị chiến đấu.

Tháng 5/1974 sư đoàn 304 được điều từ Cam lộ - Quảng Trị lên Quảng Đà chuẩn bị cho chiến dịch đánh Thượng Đức. Ông Sơn nhớ lại: ngày 28/7/1974, đại đội 2 tiểu đoàn 7, trung đoàn 66 của ông nhận nhiệm vụ phối hợp với một số đơn vị khác của quân khu 5 tiêu diệt cụm căn cứ quân sự địch ở Thượng Đức, nơi được Thiệu coi là “mắt phủ đầu Rồng”, là “cánh cửa thép” bất khả xâm phạm phía tây nam thành phố Đà Nẵng, được bố trí phòng ngự rất kiên cố và cẩn mật.

Theo kế hoạch, đúng giờ “G”, hỏa lực của ta tập trung phá hàng rào địch mở cửa cho bộ binh xông lên, nhưng do chủ quan, tính toán thiếu chính xác, loạt súng phun lửa RP bắn quá tầm, hàng rào chưa được phá bỏ nên đội hình của tiểu đoàn phải chững lại, lập tức hỏa lực địch phản công quyết liệt đã gây tổn thất nặng nề cho quân ta, riêng đại đội 2 thương vong quá một nửa, Lê Kim sơn bị thương ở đầu. Sau khi điều trị lành vết thương tại Quân y viện 84 Đông Giang (Quảng Nam), ông trở lại đơn vị tiếp tục chiến đấu tại điểm cao 1062.

Tại đây, sau những làn pháo nổ, đạn réo chát chúa kéo dài từ phía địch ngay cạnh công sự, vết thương trên đầu của ông tái phát, ông nằm bất tỉnh và được đơn vị cáng chuyển về tuyến sau. Ngày 29/12/1974 tại Quân y viện 43, Lê Kim Sơn hồi tưởng lại những ngày bám giữ cao điểm 1062, viết vội nhật ký bài thơ “Màu chốt”. Ở ngay đầu bài thơ ông viết, ta đã thấy cái ác liệt của cuộc chiến này: Cao điểm này xưa là cánh rừng già/ Đỉnh vút tầm cao phóng xa tầm mắt/ Cao điểm hôm nay đỏ bung màu đất/ Quanh các chồi xanh đã hóa rằn ri…

Căn cứ Thượng Đức thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cách thành phố Đà Nẵng 45 km về phía tây. Nằm trên dải Trường Sơn hùng vỹ đất nước hình chữ S, một vùng đất đỏ ba-zan rộng lớn, con sông Vu, sông Côn ngày đêm chảy qua, những cánh rừng đại ngàn quanh năm xanh tốt, ẩn chứa một tiềm năng kinh tế to lớn, trù phú lẽ ra đồng bào các dân tộc trong vùng sớm được khai thác. Nhưng nơi đây địa hình hiểm trở, đắc địa, Mỹ, ngụy chọn nơi này lập thành “cánh cửa thép” ngăn Quân giải phóng tràn xuống đồng bằng. Từ tháng 5/1974 chủ trương Bộ tư lệnh Quân khu 5 cũng chọn đây là cửa mở quan trọng để đưa lực lượng về giải phóng Thành phố.

Thượng Đức trở thành nơi trận chiến sống mái giữa hai bên. Các trận giao tranh diễn ra ác liệt nhiều ngày, bom dội, pháo dàn, đạn xới trộn lẫn đỏ bung cả một vùng đất xám bụi khói đạn, những chồi xanh cây lá bị băm nát, chôn vùi lẫn với đất đỏ, cây cỏ ngổn ngang, thay vào đó là những bộ rằn ri ngụy quân gây tội ác.“Chốt vẫn soi gương khuôn mặt lầm lì/ Khẩu súng tiểu liên nằm nghiêng bí mật/ Mấy chục trái tròn sẵn sàng chờ giật/ Mấy chú mìn xa cũng rất nằm im…” Sau 9 ngày giằng co giữa 2 bên (từ ngày 29/7 đến 7/8/1974), thực lực Quân lực Việt Nam cộng hòa còn mạnh, hệ thống lô cốt hầm ngầm kiên cố, các đợt tấn công của Quân giải phóng chưa hiệu quả, bộ đội thương vong nhiều. Tư lệnh chiến dịch tổ chức rút kinh nghiệm chuẩn bị đợt công kích lần 2.

Khoảng lặng im giữa 2 trận đánh cũng là khoảng lặng đo dò tâm trạng người lính. Phía chiến sỹ ta vẫn lạc quan, chuyền tay nhau điếu thuốc, hạt lương khô nằm im chờ lệnh, đó cũng là tâm trạng của chiến sỹ Lê Kim Sơn ghi trong nhật ký qua đoạn thơ: “Giữa đợt pháo bom là khoảng im lìm/ Một chút thảnh thơi giòn êm khói thuốc/ Này- hãy chuyển sang cơm đùm muối ruốc/ Tay xoa xoa rửa cạn thế là xong… ”Rạng sáng ngày 7/8/1974 khi lớp sương mù dày dặc trên các ngọn núi vừa tan. Quân giải phóng nã pháo tới tấp vào các mục tiêu. Với hỏa lực mạnh và chính xác, lực lượng địch bị rối loạn mất phương hướng, quân ta thừa thắng xông lên chiếm giữ hoàn toàn căn cứ Thượng Đức.

“Để tái chiếm Thượng Đức. Quân lực Việt Nam cộng hòa tiến đánh cao điểm 1062, lực lượng lính dù được huy động, chúng điều nhiều máy bay cường kích và pháo hạm yểm trợ. Đầu tháng 10/1974, Việt Nam cộng hòa chiếm được cao điểm 1062”. Cuộc chiến đấu lại chuyển sang thế giằng co quyết liệt. Ở khổ cuối bài thơ “Màu chốt” ông Sơn tả lại: Ngày lại đêm qua núi đổi thay màu/ Màu xương máu và màu của chốt/ Một không sáu hai (1062) không thể nào mất được/ Có những chàng trai canh suốt thời gian…

Đúng! Máu có thể lại tiếp tục đổ nhưng lời thề 1062 không thể mất, Nhân dân Thượng Đức nhất định phải được giải phóng. Được sự viện trợ của Sư 2 Quân khu 5 phối hợp tác chiến, Sư đoàn 304 quân giải phóng tổ chức đợt tấn công lần 3, đến cuối tháng 11 ta lại chiếm được cao điểm 1062. Cuối năm 1974 sau 3 đợt giao tranh quyết liệt, tổn thất của cả 2 phía không nhỏ nhưng quan trọng hơn là Quân giải phóng làm chủ hoàn toàn căn cứ Thượng Đức, chiến thắng này đã phá vỡ hoàn toàn tuyến phòng thủ Đà Nẵng, củng cố quan điểm sức mạnh vượt trội của Quân giải phóng, tạo tiền đề quân ta chiếm thế chủ động toàn chiến trường trong năm 1975.

Thượng Đức bây giờ đã khác xưa nhiều lắm, những cánh rừng đã xanh lại màu xanh nguyên thủy của nó. Trên cái nền đất đạn xới ngày nào giờ là những ngôi nhà ngói cao tầng, con đường bê tông, những ngôi trường rộn tiếng trẻ thơ. Năm 2000, Thượng Đức được xếp hạng di tích cấp Quốc gia. Ban liên lạc Cựu chiến binh Sư đoàn 304 xây dựng mới tượng đài chiến thắng. Những công sự, hầm ngầm, hàng rào, sân bay trực thăng được gìn giữ tôn tạo, Thượng Đức tương lai một tiềm năng dồi dào về du lịch. Nhật ký bằng bài thơ “Màu chốt” với 7 khổ 28 câu của Lê Kim Sơn phần nào phản ánh và lưu giữ ghi lại sự khốc liệt chiến tranh và sự hy sinh anh dũng của lớp cha anh mà hôm nay các thế hệ trẻ tự hào học tập.

Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), Sơn không trở lại học tập ở trường do vết thương sọ não vẫn thường hành hạ. Theo lời khuyên của gia đình và người thân, ông phục viên về quê lấy nghề “Nuôi cá dưỡng tâm, nuôi cây dưỡng thần” mưu sinh. Với tính cẩn thận, là người ham học hỏi, có chí hướng, có đôi bàn tay khéo léo, ông đã thành công nghề nuôi trồng chăm sóc cây cảnh. Ngôi nhà khang trang trị giá hơn 2 tỷ đồng vừa mới xây xong năm 2017 phần lớn đều từ sức lao động của 2 vợ chồng ông tích cóp từ tiền bán hoa cây cảnh.

Cuộc sống cuối đời, thương binh Lê Kim Sơn như ông nói là may mắn, gia đình ông bà song tuyền đề huề, cháu con phương trưởng, kinh tế ổn định, thế cũng là viên mãn rồi, nhưng khoảng đời còn lại mỗi khi có sự kiện lịch sử, nhất là dịp kỷ niệm giải phóng Miền Nam (30/4/1975) thường con cháu trong nhà cứ thấy ông ngồi một mình nhìn trên màn hình ti vi nước mắt rơi hoài, trong lòng ông quặn lại nhớ tới đồng đội, nhớ Tiến nằm ở nơi chiến trường xa.

Thời gian qua đi đã gần nửa thế kỷ, cuốn nhật ký hầu như các trang đã hoen ố màu vàng, nhiều con chữ đã mất nét, mất dấu. Các tấm ảnh đen trắng cũng bạc, rách thủng lỗ chỗ xung quanh, nhiều chi tiết không đầy đủ, chỉ duy nhất bức ảnh của Hoàng Văn Tiến gần như còn nguyên vẹn. Tiến ơi! Sơn và đồng đội không tìm được nguyên vẹn thi hài bạn, Tiến bây giờ nằm chung ngôi mộ cùng các đồng đội trong Thành Cổ. Có phải ông trời còn có mắt mà vẫn để lại cho Sơn một tấm ảnh duy nhất nguyên vẹn hình hài. Tấm ảnh Tiến và bạn bè theo Sơn đi khắp các chiến trường đến ngày phục viên vẫn nằm trong đáy ba lô theo Sơn về quê. Không thể mất Tiến một lần nữa. Sơn quyết giữ gìn bảo vệ tấm ảnh này, Sơn đi ép ảnh plastic để chống chọi với thời gian.

Sơn lưu giữ nó bên mình và tâm niệm đến một ngày kia Sơn về với tổ tiên thì rủ Tiến về cùng. Thế rồi năm 2014, nhân dịp buổi gặp mặt lớp học viên khóa 4 trường Cơ khí Tổng cục đường sắt tại Tiên Du- Bắc Ninh, Sơn vui mừng gặp lại các thầy cô, bạn bè sau bao năm xa cách, bao nhiêu biến động. Linh tính như mách bảo điều gì quan trọng lắm sắp xảy ra và đúng như thế, Hiệt người bạn cùng lớp, cùng ngày nhập ngũ gần quê nhà Tiến kể cho Sơn nghe chuyện gia đình Tiến nhiều lần vào Quảng Trị tìm hài cốt không được.

Hy sinh rồi Tiến chẳng có tấm ảnh nào đặt lên bàn thờ ngày giỗ, chẳng còn di vật gì lưu làm kỷ niệm. Sơn ôm chặt Hiệt trong tiếng nấc ngẹn ngào thấy mình như có lỗi. Tiến ơi! Ngày học cùng lớp bọn mình vô tâm quá, chẳng ghi dòng địa chỉ thôn, xóm, xã của nhau. Ngày phục viên đồng đội nhớ nhau, khó khăn còn hạn chế nhiều thứ, cứ lỗi hẹn với nhau mãi mà chưa đến nhà thăm hỏi nhau được. Sơn ghi lại địa chỉ, rồi vội viết vài dòng chữ về cho gia đình Tiến báo tin còn giữ tấm ảnh và hẹn ngày gần nhất hai vợ chồng Sơn về thăm hai bác.

Nhận thư Sơn, cụ ông, cụ bà thân sinh Tiến cứ quýnh lên vội tổ chức người thân trong nhà theo chuyến xe 16 chỗ lên Phù Lỗ - Sóc Sơn thăm gia đình Sơn vả để được xem hình con. Tiếng nấc hầng hậc rồi cả những tiếng khóc vỡ òa trong 3 gian nhà sau khi được nhìn thấy con, người thân ngót nửa thế kỷ đi xa. Mẹ Tiến hai tay cầm bức ảnh con, bà nấc lên trong tiếng gọi - Tiến ơi!... Con đây rồi, con của bố mẹ thật đây rồi! Bao nhiêu năm nay cả gia đình đi tìm con, vẫn biết con ra đi vì sự yên lành của Tổ quốc.

Về với bố mẹ, về với gia đình con nhá! - Rồi bà ôm chặt lấy Sơn nói trong ngẹn ngào: Cảm ơn anh Sơn đã đưa Tiến về với bố mẹ, gia đình tôi biết ơn anh nhiều lắm chẳng biết lấy gì tạ ơn. Sơn lau nước mắt và nói: Con giữ lại được Tiến cũng nhờ may mắn, rồi ông trời như cũng biết chẳng lấy đi của ai tất cả, điều thiêng liêng trong tình bạn, tình đồng đội của ngưới lính chúng con mẹ ạ.

Vào ngày 31/5/2014, Sơn và gia đình làm mâm cỗ thắp lên bàn thờ gia tiên báo với tổ tông, với ông bà về chuyện tình bạn với Tiến và nay xin phép các cụ tiễn đưa Tiến về với gia đình. Trước khói hương bàn thờ Sơn nói: Tiến ơi, chúng mình không được ở cùng nhau nữa, bây giờ Tiến phải về với bố mẹ, gia đình, dòng họ, làng quê của Tiến ở Quế Võ - Bắc Ninh. Tiến xa quê 42 năm rồi đấy. Hôm này tới ngày 19/8, đúng ngày hy sinh của bạn, vợ chồng mình sẽ về Bắc Nính thắp hương cho Tiến. Xong rồi Sơn đưa tay lên chào kiểu nhà binh và nói thầm 3 tiếng trong đau đớn lẫn vui sướng: Tiến về nhé!

Lật giở tiếp từng trang cuốn nhật ký của Sơn, tôi dừng lại đọc kỹ bài “3 niên học dưới mái trường Nguyễn Du” ông viết ngày 25/7/1967: Thấm thoát đã hai năm dưới mái trường Nguyễn Du. Đây là năm thứ ba của tôi dưới mái trường này. Năm nay cũng là năm kết thúc đời học sinh ở cấp II. Chúng tôi rất yêu thương nhau, gắn bó giúp đỡ nhau, nhất là bắt đầu sang học kỳ 2, mỗi chúng tôi đều linh cảm thấy khoảng thời ngắn ngủi nữa sẽ phải xa nhau rồi. Có đứa chấm dứt đời học sinh để lên đường cầm súng đi chiến đấu, có đứa đi học nghề, đứa tiếp tục lên học cấp III, thế là mỗi đứa mỗi ngả.... Kết thúc năm học ấy, ngã rẽ cuộc đời diễn ra đúng thế, 52 năm rồi bạn bè chưa gặp đủ nhau, có đứa đi xa mãi vĩnh viễn không về!

Lê Kim Sơn yêu quý, cám ơn ông qua những dòng nhật ký của ông để lại mà chúng mình cùng có dịp hoài niệm về tuổi trẻ “một thời hoa lửa”, về mái trường cấp 2 Nguyễn Du thân yêu. Một ngôi trường xinh xắn được huyện đầu tư xây mới năm 1961 tường gạch, ngói hồng, thoáng mát giữa cánh đồng hai làng Liên Lý- Bắc Giã, có vườn cây phi lao xanh quanh năm gió thổi, có sân trường rộng rãi thoáng mát, có các thầy cô giáo được đào tạo bài bản, đây được coi là một trong những ngôi trường kiểu mới XHCN đào tạo nhân tài.

Chiến tranh bùng nổ trên phạm vi toàn quốc, từ năm 1964 trở đi, đế quốc Mỹ điên cuồng cho máy bay ra bắn phá miền Bắc. Trường cấp II Nguyễn Du gần sân bay Nội Bài cũng trở thành mục tiêu ném bom của chúng. Học sinh đi học mang theo mũ rơm, nền lớp học là đường hào nối ra ngoài theo hình chữ z, vườn trường nhấp nhô nhiều căn hầm chữ A, hố cá nhân để học sinh ẩn trú khi có máy bay địch, không khí chiến tranh ngày một căng thẳng.

Lớp học sinh khóa 1964-1967 tốt nghiệp ra trường. Một số theo học lên cấp III, còn hầu hết bước vào quân ngũ. Hôm nay điểm danh lại, chúng mình vắng thiếu nhiều bạn lắm: Liệt sỹ Nguyễn Văn Hoạt (xã Đông Xuân), liệt sỹ Lê Văn Vỵ, Đoàn Phú (xã Phù Lỗ), liệt sỹ Nguyễn Văn Đa, Nguyễn Văn Tài (xã Mai Đình)... những thương binh nặng Nguyễn Quang Tước, Nguyễn Văn Hành, Đặng Văn Bính... Vâng! Lớp thanh niên học sinh Nguyễn Du ngày ấy chúng tôi ít người là bác sỹ, kỹ sư, nhà khoa học. Biết rằng mỗi đích đến đều có đường đi riêng của nó. Còn chúng tôi bằng lòng và vẫn luôn tự hào con đường mà tuổi trẻ chúng tôi đã chọn, đã đi khi đất nước có giặc. Đó là con đường ra mặt trận./.