Đơn cử như HTX sản xuất, chế biến chè Đá Hen xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê (Phú Thọ) đi vào hoạt động từ năm 2017 có gần 20 thành viên, với tổng diện tích trồng chè hơn 10ha, đang từng bước khẳng định và nâng cao vị thế trên thị trường, cung cấp các sản phẩm chè sạch, an toàn, chế biến đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Bên cạnh việc cung cấp chè sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm chè Đá Hen đã được sản xuất theo đúng quy trình, tuân thủ hàng loạt các quy định nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn, đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm. Chính vì vậy, sản phẩm chè thành phẩm luôn đảm bảo, được người tiêu dùng tin cậy.
Hiện sản phẩm chè Đá Hen tiêu thụ ra thị trường mỗi tháng hơn 1 tấn sản phẩm, mang lại doanh thu 200 - 300 triệu đồng/tháng, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 24 đến lao động, với mức thu nhập bình quân từ 5 - 6 triệu đồng/người/tháng….đến thời điểm hiện tại chè Đá Hen đã được UBND tỉnh Phú Thọ cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
HTX rau củ quả sạch Mạnh Liên ở xã Hương Nộn, là điểm sáng về phát triển kinh tế tập thể của huyện Tam Nông, Phú Thọ. Đây là HTX chuyên sản xuất các loại quả và rau ăn lá các loại đạt tiêu chuẩn VietGAP theo hướng hữu cơ, với diện tích hơn 3ha, mỗi tháng cung cấp cho hệ thống siêu thị, bệnh viện, trường học hơn 10 tấn sản phẩm và các tỉnh như: Hà Nội, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Tuyên Quang...
Theo đó, HTX đã áp dụng mô hình nhà màng vào sản xuất nông nghiệp với các hệ thống lưới cắt nắng, quạt đối lưu, hệ thống tưới nhỏ giọt… với diện tích hơn 4h. Đây cũng là hệ thống tưới nhỏ giọt hiện đại nhất được áp dụng với bộ điều khiển tự động, tiết kiệm được tối đa chi phí. Đến thời điểm hiện tại rau củ quả HTX Mạnh Liên được UBND tỉnh Phú Thọ cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao.
Được biết, các HTX trên địa bàn Phú Thọ đã có chuỗi liên kết bước đầu góp phần tạo hướng phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu đổi mới của kinh tế thị trường... Một số địa phương bắt đầu có định hướng, đầu tư mạnh mẽ cho các HTX để hình thành các HTX chuyên ngành phát triển sản phẩm thế mạnh, liên kết sản xuất tiêu thụ bền vững.
Đồng thời, các HTX nông nghiệp đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động thay đổi cách làm cho nông dân, ứng dụng có hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo việc làm ổn định cho người lao động, phát huy được tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Nhiều HTX đã ứng dụng hiệu quả các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh. Có những HTX thực hiện liên kết chuỗi sản xuất, áp dụng các quy phạm thực hành tốt theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất theo tiêu chuẩn ASC...
Theo ông Trần Tú Anh- Phó Giám đốc Sở NN – PTNT Phú Thọ cho hay, hiện các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn Phú Thọ phát huy hiệu quả tích cực… Việc hỗ trợ của ngành chuyên môn về trồng trọt, chăn nuôi, cấp các mã vùng trồng, vùng nuôi… giúp HTX tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản sau thu hoạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
“Chúng tôi tiếp tục hỗ trợ từ các chương trình, dự án, đề án để hỗ trợ cơ sở vật chất, hạ tầng, giúp các HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ để các HTX có điều kiện nâng cao các hoạt động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân khu vực nông thôn…”, ông Trần Tú Anh cho hay.
Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 61 HTX nông nghiệp, 89 trang trại tham gia hoạt động hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng được 66 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; khoảng 80 cơ sở chăn nuôi hợp tác liên kết với các công ty đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, theo chuỗi giá trị.