Thanh Hóa tăng cường phòng, chống Dịch tả lợn Châu Phi

Trước diễn biến phức tạp của Dịch tả lợn Châu Phi, nhằm nâng cao tinh thần kiểm soát dịch bệnh, hạn chế tối thiểu thiệt hại cho người dân, Sở Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức hội nghị về công tác tiêm phòng vắc xin Dịch tả lợn Châu Phi.
dich-ta-lon-chau-phi-1-1722562021.jpg
Thanh Hóa chủ động tiêm vắc xin phòng chống Dịch tả lợn Châu Phi.

Theo báo cáo, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình dịch bệnh trên động vật diễn ra rất phức tạp, nhất là Dịch tả lợn châu Phi (TLCP) có chiều hướng gia tăng mạnh. Cả nước đã xuất hiện 768 ổ dịch tại 45 tỉnh, thành phố, số lượng ổ dịch đã tăng lên 50% so với năm 2023; trong đó các tỉnh tiếp giáp với Thanh Hóa như Ninh Bình, Nghệ An, Hòa Bình, Sơn La đều xảy ra dịch.

Tuy dịch bệnh TLCP trên địa bàn tỉnh đang được kiểm soát tốt, nhưng tỉnh ta có tổng đàn lợn lớn, mật độ chăn nuôi cao, chăn nuôi nhỏ lẻ chưa đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh vẫn chiếm tỷ lệ cao; vi rút TLCP có đường lây truyền dịch bệnh rất phức tạp... Vì vậy, trong thời gian tới nguy cơ bệnh dịch TLCP xâm nhập, lây lan diện rộng trên địa bàn tỉnh ta là rất cao, khả năng gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm...

dich-ta-lon-chau-phi-2-1722562130.jpg
Trước diễn biến phức tạp của Dịch tả lợn Châu Phi, lãnh đạo Sở Nông nghiệp Thanh Hóa đã họp khẩn tìm phương án phòng, chống.

Vì vậy, tại Chỉ thị số 11/CT-UBND, ngày 18/7/2024, Chủ tịch UBND tỉnh đã yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành có liên quan tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện cấp bách một số nội dung như: Phân công lực lượng triển khai giám sát dịch bệnh đến tận thôn/bản, kịp thời phát hiện, tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch khi mới phát sinh còn trong diện hẹp; hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, chăn nuôi an toàn sinh học; tổ chức rà soát, thống kê tổng đàn lợn và số lượng đàn lợn thịt đã được tiêm vắc xin để xây dựng kế hoạch, ưu tiên bố trí kinh phí mua vắc xin và tổ chức tiêm phòng đồng bộ; rà soát, củng cố, bố trí đầy đủ lực lượng chuyên môn thú y các cấp đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch trên địa bàn; quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, nhất là công tác quản lý vận chuyển lợn giống...

Đối với công tác tiêm phòng vắc xin, hiện nay, một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh đã chủ động kinh phí và triển khai thực hiện công tác tiêm phòng vắc xin; Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả và số lượng triển khai làm cơ sở thực hiện công tác tiêm phòng tiếp theo. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh đã triển khai thử nghiệm được 2.500 liều vắc xin TLCP, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã phối hợp hỗ trợ người chăn nuôi lấy 14 mẫu huyết thanh giám sát, 78% mẫu có kháng thể phòng bệnh.

Thời gian tới, các đơn vị, địa phương cần tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh dịch TLCP theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối với công tác tiêm phòng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng vắc xin, các doanh nghiệp, cơ sở, hộ chăn nuôi lợn đánh giá hiệu quả của công tác tiêm phòng, những sự cố sau tiêm phòng tại thực địa để xây dựng kế hoạch tiêm phòng và giám sát công tác tiêm phòng trên địa bàn tỉnh phù hợp với tình hình thực tế và yêu cầu công tác phòng, chống dịch. Các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tổ chức quản lý, theo dõi, giám sát chặt chẽ đến tận các đại lý, trang trại, cơ sở, hộ chăn nuôi về việc sử dụng vắc xin để đánh giá và xử lý kịp thời các sự cố sau tiêm phòng vắc xin (nếu có) ngay khi mới phát sinh và trong diện hẹp./.

Hà Khải