Làng rèn Tất Tác còn có tên gọi khác là làng rèn Tiến Lộc, thuộc xã Tiến Lộc, Hậu Lộc (Thanh Hóa). Làng rèn có từ bao giờ, không ai biết chính xác, các cụ cao tuổi trong làng cũng chỉ nghe kể tên ông tổ làng nghề là Lê Cao Sơ - người đã có công mang nghề rèn đến với làng.
Tương truyền, vào khoảng thế kỷ thứ XVII, có cụ Lê Cao Sơn, người đất Bắc di cư vào đây, khi đến chân núi Bận, thấy dân cư nghèo đói, đất đai khô cằn, khó canh tác nên cụ liền dạy nghề rèn cho dân. Từ đó, nghề rèn bắt đầu hình thành và "bám rễ" sâu trên mảnh đất này. Để tưởng nhớ công lao của ông, dân làng đã lập nơi thờ tự, thường xuyên hương khói thành kính. Miếu thờ cụ Lê Cao Sơn được xây dựng ở vị trí trang trọng trong đình làng Ngọ, trên miếu thờ có dòng chữ “Thánh tổ nghề rèn”.
Nhiều thế kỷ trôi qua, với tinh thần cần cù sáng tạo, người dân làng rèn xã Tiến Lộc đã phát triển nơi đây thành làng rèn nổi tiếng, sánh ngang với làng rèn ở Đa Hội (Bắc Ninh), làng rèn Nho Lâm ở Nghệ An. Không chỉ dừng lại ở việc phát triển trong vùng, những người thợ làng rèn Tất Tác còn mang nghề đi khắp nơi để mưu sinh.
Nghệ nhân Bùi Tấn Hưng (60 tuổi) cho biết: “Dân làng ở đây học nghề từ khi còn rất nhỏ, sau khi đã thành thạo họ có thể đi sang các nơi khác mở xưởng lập nghiệp, thậm chí có cả người mang nghề rèn sang Lào, Campuchia”.
Trong quá trình hình thành và phát triển, làng rèn Tất Tác không chỉ sản xuất dụng cụ phục vụ lao động sản xuất, xưa kia, trong các cuộc kháng chiến, làng rèn trở thành nơi cung cấp vũ khí cho tiền tuyến đánh giặc ngoại xâm.
Cụ Hoàng Ngọc Trình (83 tuổi), nghệ nhân trong làng chia sẻ: “Những năm đầu kháng chiến, làng nhận được mật lệnh rèn đao, giáo, mác…, sau đó, bí mật đưa lên chiến khu Ngọc Trạo cho Việt Minh đánh giặc. Không chỉ có vậy làng còn là nơi dấu cán bộ cách mạng đến đúc súng súng phục vụ kháng chiến, dưới danh nghĩa rèn dụng cụ lao động nhằm qua mặt Pháp và bọn tay say…”.
Lại nói, nghề rèn là nghề vất vả, cần sức lực và tính tỉ mỷ, nhưng hàng trăm năm nay, làng rèn Tất Tác không những bị mai một mà vẫn tồn tại và phát triển. Nghề rèn góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình, từng bước đưa các hộ dân nơi đây từ thiếu thốn đến no đủ, dư dả. Dường như ngay từ khi cất tiếng khóc chào đời, những công dân làng rèn đã mang trong mình “ngọn lửa” nghề rèn, đã sớm làm quen với cái nóng của lò nung, những tiếng lách cách quai búa trên đe.
Không chỉ vậy, nghề rèn đã tạo công ăn việc làm ổn định cho các hộ trong xã và các vùng lân cận. Mức thu nhập bình quân của các thợ làm việc trong xưởng dao động từ 150 – 300 nghìn đồng/ngày. Làng rèn giúp người dân nơi đây khấm khá và còn tạo việc làm cho nhiều lao động từ những vùng lân cận.
Từ khi đất nước đổi mới, cơ chế thị trường mở rộng, nghề rèn Tiến Lộc đã từng bước hiện đại hóa, làng nghề chủ động du nhập các loại máy móc công nghiệp mới, người dân mở rộng xưởng sản xuất và thị trường tiêu thụ. Sản phẩm của làng không những tiêu thụ trong nước mà còn xuất sang Lào, Camphuchia và Thái Lan. Đặc biệt, từ khi tỉnh Thanh Hóa đầu tư vào đây thành một làng nghề tập trung, đã tạo cơ hội để xã Tiến Lộc thành trung tâm giao thương hàng hóa, sản phẩm của làng rèn Tiến Lộc đã được đa dạng hóa, không chỉ là cái cuốc, cái cày mà làng rèn còn sản xuất những dụng cụ cơ khí như nhíp ô tô, đường ray tàu hỏa, bánh máy… Nguyên liệu phục vụ nghề rèn của làng cũng từng bước được mở rộng, giao thương không chỉ dừng lại ở một vùng miền mà còn vươn tới tận Hà Nội, Phú Thọ... góp phần thúc đẩy dịch vụ nơi đây phát triển mạnh mẽ.
Nghề rèn vốn nặng nhọc, nhưng với bản tính cần cù, chăm chỉ cùng với sự thông minh sáng tạo, những người thợ thủ công trên đất Tiến Lộc ngày càng hoàn thiện các kỹ năng làm nghề, tạo tác ra những sản phẩm đa dạng mẫu mã với chất lượng cao đáp ứng nhu cầu trong nước và còn xuất khẩu, làm rạng danh nghề rèn Tất Tác đến những vùng đất gần, xa. Mong rằng, nghề rèn nơi đây sẽ luôn được gìn giữ, phát triển trong những thế hệ mai sau.