Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre Đoàn Văn Đảnh cho hay, năm 2022, tỉnh vận động và hỗ trợ kỹ thuật để phát triển ít nhất 500 ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao, nâng tổng diện tích nuôi theo mô hình này lên 2.500 ha. Đồng thời, ngành Nông nghiệp thực hiện tốt quy định quản lý hoạt động nuôi tôm biển thâm canh, bán thâm canh.
Ông Lê Văn Sấm, xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú (Bến Tre) là một trong những nông dân có diện tích nuôi tôm biển công nghệ cao lớn nhất huyện Thạnh Phú với trên 50 ha, năng suất trung bình 70-90 tấn/ha. Ông Sấm cho biết, vụ nuôi tôm năm 2021, ông thu lãi khoảng 40 tỷ đồng và mới mua thêm 10 ha đất để tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích nuôi ở vụ nuôi tôm mới năm nay.
Theo ông Sấm, nuôi tôm theo hướng công nghệ cao đòi hỏi nông dân phải thay đổi tư duy, cách làm so với cách nuôi truyền thống trước đây. Đặc biệt phải đầu tư trang thiết bị cho ao nuôi như trải bạt, hệ thống xử lý chất thải trong ao, hệ thống tạo oxy cho ao...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, hiện tỉnh đang triển khai các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao, để thực hiện mục tiêu phát triển 4.000 ha nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn 3 huyện biển đến năm 2025 (huyện Bình Đại 2.000 ha, huyện Ba Tri 500 ha, huyện Thạnh Phú 1.500 ha).
Để đạt mục tiêu đề ra, Bến Tre rà soát quy hoạch và xây dựng các vùng nuôi theo hướng công nghệ cao, đồng thời tập trung phát triển nhanh, mạnh đối với tôm sú, tôm chân trắng có thị trường tốt, nhân rộng và phát triển mô hình nuôi tôm theo công nghệ cao, nuôi an toàn sinh học, nuôi hai giai đoạn để nâng cao năng suất, sản lượng và phát triển bền vững. Ngoài ra, tỉnh Bến Tre triển khai đồng bộ các giải pháp từ cơ chế, chính sách đến đầu tư hạ tầng, phát triển khoa học công nghệ; đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, nhất là đầu tư nuôi tôm công nghệ cao và đầu tư nhà máy chế biến tôm…
Bên cạnh đó, tỉnh phát triển các mô hình hợp tác, liên kết các hộ nuôi, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ lại thành tổ hợp tác, hợp tác xã để tạo ra các vùng sản xuất nguyên liệu lớn, tập trung làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, giảm bớt các khâu trung gian.
Cùng với đó, tỉnh chuyển đổi một số vùng sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả thành vùng nuôi thủy sản chuyên canh, phù hợp với quy hoạch, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Đồng thời, ưu tiên thực hiện các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống kênh cấp, thoát đối với các vùng nuôi tôm tập trung, vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao tại 3 huyện Ba Tri, Bình Đại và Thạnh Phú.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, năm 2022, dự kiến diện tích thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt khoảng 47.550 ha; trong đó, diện tích nuôi tôm thâm canh, bán thâm canh khoảng 12.500 ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt 556.500 tấn; trong đó, khai thác 236.500 tấn và nuôi trồng 320.000 tấn.
Ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay, thời gian qua, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh cả 3 vùng sinh thái; trong đó, nuôi tôm chân trắng thâm canh, bán thâm canh có hiệu quả nên được nông dân đầu tư nuôi 2 vụ/năm. Đáng chú ý, đến cuối năm 2021, Bến Tre phát triển được 2.000 ha nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, tăng 22% so với năm trước, năng suất bình quân 60- 70 tấn/ha, sản lượng tôm công nghệ cao đạt khoảng 37.000 tấn./.