
Hiện nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng được 114 chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp, cung cấp gần 700.000 tấn thực phẩm tiêu dùng chủ yếu cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trong đó, có 30 chuỗi lúa gạo, 32 chuỗi rau, quả, 28 chuỗi thịt gia súc, gia cầm, 24 chuỗi thủy sản.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng thu hút được gần 80 doanh nghiệp trong tỉnh tham gia vào chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản ra các tỉnh, thành phố trong cả nước. Hàng năm, các doanh nghiệp cung ứng một lượng lớn nông sản thực phẩm của tỉnh cho thị trường, góp phần tiêu thụ ổn định nông sản cho người dân theo mùa vụ.
Một số chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đang được duy trì ổn định như: HTX Nông nghiệp Phú Lộc (Hậu Lộc) liên kết với Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (tỉnh Ninh Bình) hàng năm cung ứng 1.090 tấn rau, quả các loại, giá trị 7,5 tỷ đồng; HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Trung Chính (Nông Cống) liên kết với Công ty TNHH VTNN Hồng Quang (tỉnh Ninh Bình) tiêu thụ 150 tấn lúa nếp, 300 tấn lúa tẻ/năm; Công ty CP Hồ Gươm Sông Âm (Ngọc Lặc) liên kết với Công ty CP Nhân lực TADASHI tiêu thụ 12,6 tấn vải, 45 tấn thanh long, 200 tấn dứa/năm với tổng giá trị 3,4 tỷ đồng. Hay như hợp đồng giữa UBND huyện Nga Sơn với Công ty CP VIETPO (TP Hà Nội) tiêu thụ khoảng 1.800 tấn khoai tây/năm...

Nhằm phát triển các chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp, ngành nông nghiệp và các địa phương đang tích cực tích tụ, tập trung đất đai để phát triển các vùng chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Đồng thời, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX và các hộ nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, xây dựng vùng trồng, vùng nuôi đạt tiêu chuẩn nhằm đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến.
Hiện nay, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa tích cực thu hút các doanh nghiệp để dẫn dắt, duy trì chuỗi cung ứng các sản phẩm nông sản, phát triển mở rộng thị trường, từng bước xây dựng thương hiệu, nâng tầm giá trị sản phẩm trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ vào sản xuất, chế biến nhằm tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hàng năm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thu hút hàng chục doanh nghiệp liên kết trực tiếp với các HTX và người dân xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị. Các công ty cung ứng phân bón, vật tư nông nghiệp và giống khoai tây cho các hộ tham gia sản xuất. Trong quá trình sản xuất, các công ty hỗ trợ người dân kỹ thuật gieo trồng, chăm sóc, sau đó bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Thông qua liên kết, các công ty, doanh nghiệp có được nguồn nguyên liệu bảo đảm chất lượng để chế biến. Các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp, HTX và người dân cũng như cung ứng cho thị trường các sản phẩm nông nghiệp rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng./.