
Xây dựng hạ tầng KCN thế hệ mới
Mô hình Khu công nghiệp (KCN) thế hệ mới hiện nay đó là tích hợp đồng bộ hạ tầng kỹ thuật hiện đại, hệ thống xử lý nước thải tiên tiến, giao thông kết nối thuận lợi, logistics nội khu, hệ thống quản lý số hóa và dịch vụ một cửa. Đặc biệt, yếu tố xanh - sạch - thân thiện môi trường và khả năng cung ứng năng lượng tái tạo bền vững, ổn định.
Cho nên hạ tầng phục vụ KCN đang được xem là xương sống, giữ vai trò sống còn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương. Khi giao thông được kết nối thuận tiện, năng lượng được cung ứng ổn định, hạ tầng số được phủ rộng khắp đó là nền tảng trực tiếp phục vụ sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất trong các KCN. Đồng thời, đây là cơ hội để nâng cao đời sống nhân dân và tăng cường năng lực cạnh tranh của địa phương.
Trong bối cảnh toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ về mô hình phát triển xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, một hệ thống hạ tầng hiện đại và thông minh sẽ là yếu tố cốt lõi giúp không chỉ Việt Nam mà còn là điều kiện tiên quyết để các địa phương trong cả nước phát triển. Được định hướng là trụ cột tứ giác phát triển khu vực Bắc trung bộ, Thanh Hóa đang từng bước chủ động tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu, bảo đảm sự phát triển bền vững về lâu dài phát triển công nghiệp, xuất khẩu cho địa phương.

Để hoàn thành mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu đưa Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm lớn của khu vực và cả nước về công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng, chế biến, chế tạo; nông nghiệp quy mô lớn, giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, văn hóa và thể thao. Đến năm 2045, trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước.
Trong thời gian qua, địa phương này đã không ngừng thay đổi tư duy, định hướng phát triển các loại ngành nghề, quy mô, chất lượng dịch vụ trong ngành công nghiệp. Đơn cử như: tỉnh Thanh Hóa vừa chấp thuận chủ trương đầu tư Khu công nghiệp (KCN) phía Tây TP. Thanh Hóa cho Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản), dự án có tổng diện tích 645,2ha; Dự án KCN WHA Smart Technology - Thanh Hóa quy mô 178,51ha do Tập đoàn WHA Industrial Development (Thái Lan) làm chủ đầu tư; Khu công nghiệp Lưu Bình tại huyện Quảng Xương với tổng diện tích khoảng 470ha, định hướng thu hút các ngành sử dụng công nghệ tiên tiến như lắp ráp linh kiện điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin. Các dự án này được định hướng xây dựng, triển khai trở thành KCN thế hệ mới.
Đây là các dự án KCN thế hệ mới đầu tiên tại Thanh Hóa được xây dựng theo hướng một KCN công nghệ cao, tích hợp các yếu tố thông minh, thân thiện môi trường và đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật với dịch vụ, tối ưu hiệu quả sử dụng đất.
Đặc biệt, hạ tầng kỹ thuật tại các KCN này sẽ được đầu tư đồng bộ từ đầu như hệ thống giao thông nội khu, mạng lưới cấp điện, cấp nước, xử lý nước thải, viễn thông, trung tâm logistics sẽ giúp giảm chi phí vận hành và tăng hiệu quả sản xuất cho nhà đầu tư thứ cấp. Đây được xem là những bước tiến quan trọng, phản ánh hiệu quả chiến lược chuyển dịch từ thu hút đầu tư từ “số lượng” sang “chất lượng” mà địa phương này đang theo đuổi.
Ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, tỉnh Thanh Hóa sẽ ưu tiên hỗ trợ tối đa cho dự án được triển khai theo đúng kế hoạch đề ra. Đồng thời, tỉnh cũng giao các sở, ngành, địa phương liên quan chủ động đấu mối với chủ đầu tư để hướng dẫn, hỗ trợ chủ đầu tư hoàn tất các thủ tục pháp lý liên quan, sớm đưa các dự án KCN thế hệ mới vào giai đoạn triển khai và hoạt động hiệu quả.
Còn theo đại diện Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các KCN Thanh Hóa cho biết,, tiêu chí lựa chọn địa điểm đầu tư của các tập đoàn công nghệ cao, các doanh nghiệp FDI hiện nay đã khác rất nhiều so với trước. Không chỉ quan tâm đến giá thuê đất hay mức ưu đãi, nhiều nhà đầu tư đặt yếu tố “chất lượng hạ tầng” và “dịch vụ hỗ trợ” làm điều kiện tiên quyết. Điều đó đòi hỏi các địa phương phải xây dựng những KCN thế hệ mới - không chỉ là đất sạch, mà còn là môi trường đầu tư thông minh, xanh và bền vững.
Còn nhiều thách thức
Những năm gần đây, kết cấu hạ tầng giao thông cả Việt Nam cũng như tại Thanh Hóa đã có những bước phát triển rõ rệt. Nhiều tuyến giao thông như cao tốc, đường tỉnh lộ, huyện lộ kết nối mới được xây dựng, hoàn thành, hệ thống cảng biển, sân bay được sửa chữa, xây mới, nâng cấp đưa vào sử dụng khai thác đã góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa mô hình KCN thế hệ mới một cách nhanh chóng và hiệu quả, tỉnh Thanh Hóa vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Như: nhiều địa phương còn thiếu kết nối đồng bộ, hệ thống giao thông liên vùng chưa phát huy hiệu quả, tình trạng ùn tắc, quá tải tại các đô thị lớn ngày càng nghiêm trọng, trong khi các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa vẫn gặp nhiều khó khăn về giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc.
Chất lượng một số công trình chưa cao, tiến độ thi công kéo dài, tình trạng đội vốn vẫn còn diễn ra. Nhiều dự án đầu tư công chậm giải ngân, trong khi cơ chế thu hút đầu tư tư nhân vào hạ tầng theo hình thức hợp tác công - tư còn nhiều bất cập, thiếu ổn định về chính sách và chưa tạo được niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư.

Do đó, để yếu tố “chất lượng hạ tầng” và “dịch vụ hỗ trợ” làm điều kiện tiên quyết, UBND tỉnh Thanh Hóa đang chỉ đạo tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là xây dựng cơ chế hỗ trợ nhà đầu tư hạ tầng có năng lực, như ưu đãi tiền thuê đất, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng... Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng chú trọng đến quy hoạch đồng bộ giữa KCN và khu đô thị, khu dịch vụ, khu nhà ở công nhân, từ đó tạo ra một hệ sinh thái phát triển bền vững và thu hút nhân lực chất lượng cao.
Ngoài ra, hệ thống điện, viễn thông, công nghệ thông tin theo hướng xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và tiết kiệm năng lượng trong các KCN tiếp tục được tỉnh Thanh Hóa quan tâm đầu tư đồng bộ, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Trong bối cảnh Thanh Hóa đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP trong tương lai từ hai con số trở lên, trong đó năm 2025 đạt từ 11% trở lên, yêu cầu hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối, hạ tầng đô thị, hạ tầng KCN không chỉ là cấp thiết, mà còn mang tính quyết định. Đây là điều kiện để mở rộng không gian phát triển, thu hút đầu tư, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Tuy nhiên, để kết cấu hạ tầng thực sự trở thành “đòn bẩy” cho Thanh Hóa phát triển, cần phải khắc phục những tồn tại trong công tác đầu tư và quản lý hiện nay. Đó là nâng cao chất lượng quy hoạch các KCN, Khu kinh tế, Khu đô thị theo hướng đồng bộ, liên kết vùng, tích hợp đa ngành và có tầm nhìn dài hạn. Quy hoạch phải đi trước một bước, phù hợp với điều kiện thực tế và dự báo xu hướng phát triển trong tương lai. Việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch cần tránh tình trạng manh mún, chồng chéo và thiếu cơ sở khoa học, gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật liên quan đến đầu tư hạ tầng, nhất là cơ chế hợp tác công - tư. Các chính sách phải bảo đảm tính ổn định, minh bạch, công bằng và đủ hấp dẫn để thu hút khu vực tư nhân, trong và ngoài nước, cùng tham gia đầu tư phát triển hạ tầng. Việc lựa chọn nhà đầu tư, đấu thầu dự án cần tuân thủ nghiêm các nguyên tắc công khai, minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Trong quá trình triển khai các công trình hạ tầng cần đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả sử dụng sau đầu tư, xử lý nghiêm các sai phạm trong thi công, giám sát, nghiệm thu dự án. Đồng thời, cần chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đầu tư công, cũng như ứng dụng khoa học – công nghệ trong thiết kế, xây dựng và vận hành công trình hạ tầng./.