Cụ thể, huy động mọi nguồn lực đầu tư hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí đô thị loại III, xây dựng 9 xã trong quy hoạch nội thị trở thành phường, phát triển các điểm, khu, cụm dân cư theo quy hoạch xây dựng, triển khai các dự án, công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội có tính đầu mối, liên vùng, phục vụ chức năng đô thị.
Thị xã đang tích cực triển khai nhiểu dự án trọng điểm như: xây dựng quần thể văn hóa - thể thao - công viên cây xanh tại xã Nam Tiến và phường Ba Hàng quy mô 19 ha với tổng mức đầu tư khoảng 400 tỷ đồng; nâng cấp, cải tạo tuyến đường từ ngã tư Thanh Xuyên đi đê Chã tại xã Trung Thành và xã Đông Cao với tổng mức đầu tư 70 tỷ đồng; đầu tư xây dựng tuyến đường từ Vành đai 5 - Vùng thủ đô Hà Nội đi Khu di tích Lý Nam Đế, xã Tiên Phong với tổng mức đầu tư khoảng 120 tỷ đồng...
Ngoài ra, thị xã cũng lập dự án, thực hiện các quy trình, thủ tục đầu tư theo đúng quy định để triển khai thực hiện 191 dự án đầu tư với tổng nhu cầu vốn hơn 8.000 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương. Ông Bùi Văn Lương, Chủ tịch UBND Thị xã Phổ Yên cho biết: Hiện thị xã Phổ Yên đã cơ bản đã đạt các tiêu chuẩn trở thành thành phố trực thuộc tỉnh và đang hoàn thiện các bước để được công nhận là thành phố vào năm 2022...
Cùng với thị xã Phổ Yên, hiện thành phố Sông Công cũng đang tập trung huy động, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư trong và ngoài ngân sách nhà nước để phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, mở rộng không gian đô thị, kết nối giao thông đáp ứng tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại II.
Trong gần 2 năm trở lại đây, thành phố đã đầu tư xây dựng mở rộng không gian đô thị với tổng nguồn vốn 517 tỷ đồng; xây dựng trên 25 km đường giao thông với tổng mức đầu tư trên 32 tỷ đồng; đầu tư hệ thống hạ tầng điện, nước, viễn thông với tổng giá trị đầu tư hơn 95 tỷ đồng; thực hiện 10 dự án hạ tầng khu dân cư, khu đô thị với tổng mức đầu tư 1.395 tỷ đồng...
Theo Chủ tịch UBND thành phố Sông Công Vũ Duy Nghĩa, trong chương trình phát triển đô thị, Sông Công phấn đấu tăng thu ngân sách bình quân 20%/năm, khẩn trương triển khai các công trình trọng điểm của thành phố để hoàn thiện các tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị loại II như: Đường du lịch Sông Công - Núi Cốc, đường 30/4, đường Trần Phú, Công viên thành phố Sông Công, mở rộng Quảng trường 1/7, các khu dân cư, khu đô thị và các khu chức năng hai bên tuyến đường du lịch sông Công - Núi Cốc…
Cũng như các địa phương khác trong tỉnh, hiện 2 huyện Phú Bình và Đại Từ cũng đặt mục tiêu cơ bản đạt tiêu chuẩn thị xã vào năm 2025. Riêng tại Phú Bình, huyện đã lập quy hoạch đến năm 2040 và điều chỉnh quy hoạch chung các xã để xây dựng 16 xã trên địa bàn thành phường, triển khai 51 công trình, dự án khu dân cư, khu đô thị với tổng diện tích hơn 800 ha làm cơ sở để hoàn thiện các tiêu chí về kết cấu hạ tầng, đồng thời tập trung triển khai một số dự án hạ tầng trọng điểm như: cải tạo, nâng cấp đường ĐT 266 từ ngã tư Sông Công đến ngã tư Điềm Thụy; dự án đường vành đai 5 qua địa phận huyện Phú Bình; cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương; cụm công nghiệp Thượng Đình...
Để tạo nguồn lực cho đầu tư nâng cấp đô thị đạt tiêu chí thị xã, huyện tiếp tục lập quy hoạch và các dự án đầu tư khu đô thị, khu dân cư trên địa bàn để khai thác nguồn thu từ đất, phấn đấu mỗi năm bình quân thu đạt hoảng 500 tỷ đồng phục vụ việc đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị và xây dựng các xã đạt tiêu chuẩn của phường...
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, việc các địa phương của tỉnh Thái Nguyên tập trung đầu tư nâng cấp đô thị không chỉ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội, quá trình đô thị hóa mà còn góp phần quan trọng vào mục tiêu chung xây dựng tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại của vùng trung du miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội trước năm 2030./.