Thái Nguyên: Gà thả đồi được giá, nông dân phấn khởi vì lãi "đậm"

Giá gà thả đồi trên địa bàn huyện Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên) được thương lái thu mua với giá từ 85-110 nghìn đồng/kg (cao gấp 1,5 lần so với cùng thời điểm vài năm trước). Điều đáng nói nữa là giá gà cao và ổn định từ đầu năm đến nay. Những hộ dân mạnh dạn tái đàn từ vài tháng trước giờ đây đang rất phấn khởi vì được thu lãi “đậm”.

Theo ghi nhận tại xã Tân Kim, huyện Phú Bình có 300 hộ dân chăn nuôi gà thả đồi, quy mô từ 1.000-10.000 con/lứa. Ông Nguyễn Đình Dũng ngụ tại xóm Trại, xã Tân Kim, huyện Phú Bình cho biết: Những năm trước, gia đình tôi chỉ nuôi từ 20.000-22.000 con gà/2 lứa, riêng đến năm nay gia đình tôi tăng nuôi 24.000 con.

"Từ tháng 5 đến tháng 9 vừa qua, tôi xuất bán 13.000 con gà với giá trung bình 100 nghìn đồng/kg. Cũng phải 10 năm trở lại đây tôi mới bán được gà với giá cao và ổn định như năm nay. Ước tính, với tổng đàn 24.000 con gà, mỗi con đạt trọng lượng từ 2,2-2,4kg, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi khoảng 1,6 tỷ đồng (cao gấp 2 lần so với những năm trước)", ông Dũng vui mừng chia sẻ.

Tương tự như anh Dũng, ở xã Tân Khánh, huyện Phú Bình, người chăn nuôi gà cũng rất phấn khởi. Anh Vũ Khắc Tân ở xóm Na Ri vui mừng cho biết, "Năm nay, gia đình tôi nuôi 4.000 con gà ta lò/2 lứa. Tháng 9 vừa qua, tôi bán 2.000 con gà (mỗi con nặng trung bình 2,3kg), với giá 100 nghìn đồng/kg (cao hơn 10 nghìn đồng/kg so với thời điểm giá gà cao nhất của năm 2021). Sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu lãi 70 triệu đồng/1.000 con gà (cao gấp 1,5 lần so với những năm trước)".

3-16122574119701854854561-16593443293911769795233-106-0-776-1280-crop-16593450860001698891108-1667908833.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Được biết, toàn huyện Phú Bình hiện có trên 13.000 hộ chăn nuôi gà theo hình thức thả đồi, gồm các giống gà ta lò, lai mía… với tổng đàn gần 4 triệu con, tập trung nhiều ở các xã: Tân Khánh, Tân Kim, Tân Thành, Tân Hòa, Bàn Đạt… Gà đến thời gian xuất chuồng được các thương lái tìm đến tận nơi để thu mua.

Huyện Phú Bình hiện có trên 13.000 hộ chăn nuôi gà theo hình thức thả đồi, gồm các giống gà ta lò, lai mía…, với tổng đàn gần 4 triệu con, tập trung nhiều ở các xã: Tân Khánh, Tân Kim, Tân Thành, Tân Hòa, Bàn Đạt… Gà đến thời gian xuất chuồng được thương lái tìm đến tận nơi thu mua.

Được biết, khoảng tháng 7 và 8 năm 2021, gà thả đồi Phú Bình cũng bán được giá khá cao. Nguyên nhân là do vào tháng 4, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm nên bà con dè dặt trong việc tái đàn khiến gà trở nên khan hiếm.

Sang năm 2022, giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao (tăng khoảng 50 nghìn đồng/bao 25kg so với năm trước); các nhà hàng, quán ăn, bếp ăn tập thể tại các công ty, nhà máy… hoạt động trở lại bình thường; không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia cầm; thương hiệu “Gà đồi Phú Bình” ngày càng được khẳng định và thị trường đón nhận nhiều hơn khiến giá gà tăng và luôn duy trì ở mức cao.

Gà đồi được giá và duy trì ở mức cao là tín hiệu vui đối với người chăn nuôi gà thả đồi trên địa bàn huyện Phú Bình. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình cho biết: "Bà con nên có kế hoạch chăn nuôi phù hợp, không vì thấy giá cao mà tái đàn ồ ạt, dễ dẫn đến cung vượt cầu, nên chăn nuôi gà theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, áp dụng chuyển đổi số để quảng bá sản phẩm".

Theo kinh nghiệm lâu năm của những người trong nghề chăn nuôi nhận định: Giá gà thịt khó giảm và nếu giảm thì cũng không giảm đến mức làm người nuôi thua lỗ bởi các nguyên nhân sau: Thứ nhất, hiện nay các hoạt động kinh doanh dịch vụ đang bùng nổ, phục hồi mạnh mẽ trở lại sẽ làm tăng nhu cầu về thực phẩm.

Đặc biệt, càng gần đến cuối năm nhu cầu này càng tăng mạnh, phục vụ cho các hoạt động cưới xin, lễ hội. Ngoài ra, sức ép thực phẩm nhập khẩu sẽ giảm mạnh do giá lương thực, thực phẩm thế giới đang tăng cao sẽ khiến giá lương thực, thực phẩm Việt Nam tăng và giữ giá cao trong năm nay và những tháng đầu năm 2023.

Còn theo kết quả nghiên cứu về thị trường công bố mới đây, mức tiêu thụ thịt lợn của người Việt Nam đã giảm so với 5-6 năm trước. Năm 2018, mỗi người dân Việt Nam tiêu thụ trung bình 31,4 kg thịt lợn, đến năm 2022 giảm còn 23,5 kg. Ở chiều ngược lại, trong giai đoạn này, lượng tiêu thụ thịt gia cầm trên đầu người tăng trưởng nổi bật nhất (8,5%/năm).

Thi Nguyên (t/h)