Thái Nguyên: Tăng cường phòng, chống dịch bệnh đối với đàn gia cầm

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên, Chăn nuôi nông hộ đã sử dụng chế phẩm sinh học, thức ăn công nghiệp, máng ăn uống chuyên dụng, công nghệ xử lý chất thải (thu gom ủ phân, đệm lót, bioga…) góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, tăng khả năng kháng bệnh, tăng năng suất cho đàn gia cầm. Hiệu quả chăn nuôi nông hộ đã từng bước được nâng cao; năng suất, chất lượng con giống được cải thiện rõ rệt.
ga-lac-thuy-1652195207.jpg
Ảnh minh họa

Chăn nuôi trang trại chiếm 40% với 446 trang trại (chủ yếu là chăn nuôi gà quy mô nhỏ, vừa chiếm 95%), hầu hết các trang trại nuôi bằng hệ thống chuồng khép kín có điều khiển nhiệt độ, cấp thức ăn, nước uống tự động, sử dụng 100% thức ăn công nghiệp và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; nhiều trang trại chăn nuôi áp dụng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo; hệ thống dọn phân tự động; hệ thống quạt hút giảm nhiệt độ bằng bộ phận cảm ứng; máy tiêm và máy phun hiện đại; áp dụng công nghệ sinh học tiên tiến để xử lý môi trường chăn nuôi đệm lót sinh học, máy ép tách phân, công nghệ vi sinh hữu hiệu - EM để xử lý chất thải…) và chủ động áp dụng quy trình phòng chống dịch bệnh đảm an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho các trang trại chăn nuôi thương phẩm, cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh cho các cơ sở sản xuất con giống, giấy chứng nhận cơ sở chăn nuôi quy mô lớn… góp phần nâng cao chất lượng con giống, chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất từ chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm: hiện nay Thái Nguyên có khoảng 58 hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi; 10 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi; 13 công ty liên doanh chăn nuôi gia công (tập trung ở huyện Phú Bình, Đồng Hỷ, Phú Lương, Đại Từ, thị xã Phổ Yên và thành phố Thái Nguyên). Đã xây dựng thương hiệu gà thả vườn Phú Bình, gà đồi Định Hoá.

Các cơ sở sản xuất con giống gia cầm thực hiện công bố chất lượng con giống, công bố hợp quy cơ sở chăn nuôi; cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh (quản lý 118 cơ sở sản xuất con giống gia cầm, trong đó, 01 trại giống ông bà 2.000 con; 68 cơ sở ấp nở giống gia cầm; 49 trang trại sản xuất giống gia cầm bố mẹ).

Công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm đã được đặc biệt quan tâm áp dụng đồng bộ các giải pháp như thực hiện tiêm phòng vắcxin các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đảm bảo tỷ lệ 80% tổng đàn bảo hộ an toàn dịch bệnh; giám sát phát hiện dịch sớm để bao vây khoanh vùng ổ dịch không để lây lan ra diện rộng; vệ sinh sát trùng tiêu độc để tiêu diệt mầm bệnh; áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học… đã góp phần hạn chế không xảy ra dịch bệnh trên địa rộng, phát triển chăn nuôi gia cầm ổn định, bền vững.

Triển khai và kiểm tra thực hiện kế hoạch tiêm phòng vắcxin và công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm tại các hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi: hàng năm hỗ trợ tiêm phòng 3 triệu vacxin cúm gia cầm cho cơ sở chăn nuôi quy mô nông hộ; phun sát trùng tiêu độc tiêu diệt mầm bệnh; lấy mẫu giám sát chủ động, bị động các bệnh truyền triễm nguy hiểm như cúm gia cầm, new, gum, dịch tả vịt, tụ huyết trùng…; chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh (có 30 trang trại chăn nuôi VietGAP, 19 trang trại An toàn dịch bệnh). Các trang trại, cơ sở chăn nuôi chủ động chấp hành các quy định về tiêm phòng vắcxin bắt buộc và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Thực hiện quản lý công tác vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm theo quy định. Hằng năm cấp khoảng 20.000 - 25.000 giấy kiểm dịch vận chuyển ngoại tỉnh cho 20 triệu gia cầm và 10 triệu quả trứng; xây dựng các cơ sở giết mổ động vật (10 cơ sở); kiểm tra điều kiện vệ sinh thú y tại 10 siêu thị, 140 chợ và các bếp ăn tập có kinh doanh, sử dụng sản phẩm thịt, trứng gia cầm.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn như việc quy hoạch, bố trí đất đai cho phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, cơ sở giết mổ chế biến thịt gia cầm còn gặp nhiều khó khăn, nhất là việc chuyển đổi, bố trí đất đai để thu hút đầu tư các dự án chăn nuôi quy mô lớn; Việc áp dụng an toàn sinh học, các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn. Người chăn nuôi còn hạn chế về vốn đầu tư, kiến thức khoa học kỹ thuật, kế hoạch sản xuất, thị trường tiêu thụ để áp dụng vào thực tiễn sản xuất. Vấn đề xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi còn khó khăn; việc ứng dụng các công nghệ vào xử lý môi trường hiệu quả chưa cao, chi phí lớn.

Để phát triển chăn nuôi và phòng, chống dịch bệnh đối với đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030. Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh Thái Nguyên, cần thực hiện quy hoạch các vùng chăn nuôi, giết mổ tập trung, ứng dụng công nghệ cao và công bố công khai quy hoạch vùng chăn nuôi để kêu gọi các cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi gia cầm; Thực hiện có hiệu quả cơ chế chính sách về khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi, giết mổ; chính sách hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh, liên kết chuỗi sản phẩm và xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh và xử lý môi trường trong chăn nuôi; Ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ sản xuất sản phẩm hàng hóa, an toàn, chất lượng, hỗ trợ phát triển chế biến sâu, chế biến tinh, chế biến công nghệ cao và bảo quản sản phẩm; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá, xây dựng liên kết, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi; di dời các trang trại chăn nuôi tập trung không đản bảo điều kiện vệ sinh thú y và môi trường; Nâng cao năng lực, hiệu quả, đồng bộ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật đảm bảo không xảy ra các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên diện rộng gây thiệt hại lớn cho phát triển đàn gia cầm…

Tăng cường công tác quản lý chăn nuôi và chất lượng con giống như: Rà soát, thống kê, đăng ký chăn nuôi, công bố chất lượng con giống, công bố hợp quy trang trại chăn nuôi, quy định khu vực không được phép chăn nuôi, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi và thanh tra, kiểm tra theo quy định; Phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao theo quy hoạch.