Tết Trung Thu, diễn ra vào rằm tháng 8 âm lịch, bắt nguồn từ văn hóa nông nghiệp của các nước Đông Á, trong đó có Việt Nam. Đây là dịp để cảm tạ trời đất sau mùa màng bội thu, và cũng là lúc các gia đình quây quần bên nhau, thể hiện lòng biết ơn và yêu thương. Theo truyền thuyết, lễ hội này gắn với câu chuyện Hằng Nga và chú Cuội, một biểu tượng của lòng hiếu thảo và khát vọng sum vầy.
Trong sách sử chính thống hoặc tư liệu, tài liệu sử để lại, chưa có thông tin nào xác định rõ nguồn gốc của Trung thu, hay còn gọi là Tết trông trăng. Chỉ biết rằng, Tết Trung thu từ rất lâu rồi không những là ngày Tết của trẻ em, mà còn là dịp thưởng thức những sản vật của mùa thu đang vào độ ngon nhất trong năm, trang trí và cũng là lúc cả gia đình quần tụ, đoàn viên, như hình ảnh mặt trăng tròn vành vạnh.
Không ai biết Tết Trung thu có từ bao giờ, hoặc chính thức từ khi nào người Việt bắt đầu “ăn” Tết Trung thu. Sách “Việt Nam phong tục” của soạn giả Phan Kế Bính, có ghi lại rằng, Tết Trung thu còn gọi là Tết trẻ em, với tục treo đèn bày cỗ xuất phát từ điển tích liên quan đến lễ sinh nhật vua Đường Minh Hoàng, cả nước treo đèn kết hoa, lâu dần thành tục lệ. Và ở Việt Nam, do những ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa, cũng theo tục treo đèn vào đêm rằm tháng Tám.
Cụ Phan Kế Bính còn lý giải, tục rước đèn có từ đời Tống, truyền rằng thời vua Nhân Tôn có con cá chép thành yêu tinh, cứ đêm trăng lại biến thành cô gái làm hại người. Lúc đó ông Bao Công giúp dân làm chiếc đèn hình con cá để soi khi đi ngoài đường, khiến con tinh cá chép sợ mà không dám hại người nữa. Cụ Phan Kế Bính cũng giải thích thêm: “Lời ấy huyền hoặc lắm, vị tất đã thật”.
Ý nghĩa Tết Trung thu
Tết Trung thu diễn ra cũng vào thời điểm kết thúc mùa vụ, công việc nhà nông đỡ bận rộn hơn, các sản vật thu hoạch cũng dồi dào.
Tết Trung thu có nhiều ý nghĩa, mang những ước vọng, mong muốn của những tầng lớp xã hội khác nhau, như đoán định mùa vụ năm tới, đoán định vận nước, vận vua, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, gửi gắm ước nguyện thành đạt, có vị trí trong xã hội, trong triều đình, thưởng thức những sản vật ở độ ngon nhất trong năm (tổng kết một mùa vụ). Tết Trung thu cũng mang ý nghĩa sự tụ họp, đoàn viên trong gia đình.
Cuốn “Hội hè lễ tết của người Việt” của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Huyên đề cập đến khá nhiều ý nghĩa khác nhau của Tết Trung thu.
Trong đó có đoạn: “Các lễ hội của người Việt đều theo mùa, nghĩa là có liên hệ với sự nối tiếp của thời gian. Ở nơi nghề nông chiếm vai trò hàng đầu này, mọi người rất coi trọng những trận mưa làm cho đất đai màu mỡ. Ở xứ này, rồng là biểu tượng của mưa và sự phì nhiêu … Trong ý thức dân gian, rồng có vai trò hàng đầu trong sự điều tiết các cơn mưa sinh ra những vụ thu hoạch tốt là nguồn gốc của hòa bình xã hội và chính trị…
Hội rồng thực sự là vào Trung thu. Nó phải bảo vệ các mùa gặt lớn tháng Mười”. Đó cũng là lý do người ta rước rồng long trọng qua các phố, với những tấm biển sáng có hàng chữ “Hoàng Long Thịnh Thế” (mong rồng vàng làm cho cuộc sống phồn thịnh) hay “Thiên Hạ Thái Bình”. Đó là mong ước bảo đảm cho mình có cuộc sống phồn thịnh và sự yên ổn…”
Bánh Trung thu
Linh hồn của mâm cỗ Trung thu là bánh nướng và bánh dẻo, còn gọi là bánh mặt trăng. Ngày nay, với những quan niệm hiện đại về sức khỏe dinh dưỡng, bánh nướng và bánh dẻo có vẻ như không được ưu tiên trong việc ăn uống, nhưng vẫn là thành phần quan trọng, không thể thiếu được trong mâm cỗ Trung thu. Bánh Trung thu đại diện cho mặt trăng với vẻ đẹp vằng vặc tròn đầy sáng rực rỡ. Một cặp bánh nướng, bánh dẻo tượng trưng cho hai mặt âm và dương, trong đó bánh dẻo tượng trưng cho mặt trăng sáng tròn vành vạnh tinh khôi.
Bánh Trung thu truyền thống của Việt Nam thường có nhân thập cẩm gồm: mỡ đường, hạt dưa, lá chanh, lạp xưởng hoặc gà khô, mứt bí, mứt sen, vừng rang… trộn với rượu Mai Quế Lộ và mạch nha. Những nguyên liệu này và dáng vẻ tròn vành vạnh của chiếc bánh mang ý nghĩa cầu mong mùa màng mưa thuận gió hòa, bội thu nông sản, và cầu mong một sự đoàn tụ gia đình.
Cách thức làm bánh trung thu cổ truyền cũng rất cầu kỳ. Các loại nguyên liệu làm bánh phải được chuẩn bị từ trước đó rất lâu, thậm chí vài tháng. Đường đỏ được nấu với dứa hoặc chanh, mạch nha, nước tro tàu (nước nấu từ tro của rơm, rạ sau vụ mùa), nấu xong đậy kín để om trong hai, ba tháng cho lên màu đẹp rồi mới đem ra làm bánh. Nước đường này trộn vào với bột vỏ bánh để khi nướng lên, bánh có màu nâu đẹp và mềm mại sau khi nướng một ngày.
Tết Trung Thu ngày nay
Đến ngày Tết Trung thu, người dân Việt Nam thường làm lễ cúng trăng và cúng gia tiên. Các lễ vật được bày trong mâm cỗ gồm có hoa quả, bánh nướng, bánh dẻo và rượu. Bánh nướng và bánh dẻo được nặn thành hình vuông và hình tròn tượng trưng cho đất và trời hòa hợp. Điều này khiến cho mâm cỗ trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết. Người dân tin tưởng gia đình sẽ được đất trời phù hộ, vượt qua những tai ương, khó khăn và hưởng niềm vui phú quý.
Mặc dù cuộc sống của người dân Việt Nam đang ngày một hiện đại hóa nhưng Tết Trung thu không hề bị mài mòn và thay đổi. Bánh Trung thu vẫn được giữ nguyên nét truyền thống, có thêm những loại bánh được làm theo kiểu tây hóa hay những nguyên liệu đắt tiền… nhưng khi bày trên mâm cúng gia tiên, hay mâm cúng trăng vẫn là những chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống thơm ngon. Còn những món đồ chơi cho trẻ em hiện nay, có rất nhiều đồ chơi nhập ngoại, đồ điện tử đắt tiền… nhưng những chiếc đèn ông sao, đèn lồng vẫn luôn là món đồ chơi hiện hữu và được yêu thích hơn bao giờ hết trong những ngày Tết Trung thu./.