Tuyên Quang: Trồng cây gai xanh, hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp ở huyện Na Hang

Hiện nay, tại nhiều địa phương của huyện Na Hang (Tuyên Quang) cây gai xanh đã cho thu hoạch và bước đầu đạt năng suất cao, một số hộ đã thấy hiệu quả kinh tế. Đây là tín hiệu đáng mừng với bà con vùng cao về loài cây trồng mới này.

Cây gai xanh là cây nguyên liệu hàng đầu để làm sợi dệt cho ngành may mặc. Vỏ cây gai để sản xuất thành sợi dệt vải chất lượng tốt; lá được sử dụng làm bánh gai, làm thức ăn cho gia súc và phân bón trực tiếp cho cây; lõi cây gai được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất giấy, làm chất đốt và làm nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ phân vi sinh… Bên cạnh đó, cây gai xanh có khả năng giữ ẩm, tăng độ che phủ, cải tạo lý tính của đất, tăng độ phì nhiêu cho đất, làm đất tơi xốp, chống xói mòn và bảo vệ đất hiệu quả.

Nhằm mang lại thu nhập cao cho người nông dân, tạo chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ, tạo ra hiệu quả kinh tế lâu dài, tạo việc làm thường xuyên, ổn định đời sống cho người dân địa phương, thời gian qua, huyện Na Hang đã nghiên cứu, cho trồng thử nghiệm cây gai xanh tại một số xã trên địa bàn huyện.

Được biết, khi mới triển khai, toàn huyện Na Hang chỉ có 10 đến 12 hộ trồng với khoảng 8ha. Nhưng sau 1 năm, cây gai xanh từ loài cây lạ đang dần trở nên thân quen với bà con bản làng, trở thành cây trồng phát triển với diện tích lên đến 50ha. Hiện, địa phương đang dẫn đầu tỉnh Tuyên Quang về phát triển diện tích trồng cây gai xanh AP1.

Theo đánh giá, tương lai đến năm 2025, cây gai xanh có tiềm năng mở rộng diện tích lên đến 300ha tại huyện Na Hang. Đây là tín hiệu đáng mừng với bà con vùng cao. 

cay-gai-xanh-1684402529.jpg
Vườn trồng cây gai xanh AP1 của ông Nông Văn Nhâm ở Bản Va, xã Yên Hoa, huyện Na Hang. (Ảnh: Tạp chí Thiên nhiên & Môi trường)

Trước đây, xã vùng cao Năng Khả, huyện Na Hang có diện tích đất đồi bị người dân bỏ hoang hóa nhiều năm, hoặc trồng cây hoa màu kém hiệu quả, thì nay đã phủ một màu xanh mướt của cây gai xanh, cuộc sống của người dân nơi đây đã được cải thiện đáng kể.

Bà Hoàng Thị Quy ở xã Năng Khả, huyện Na Hang cho biết, lúc đầu, gia đình tôi chỉ xem trên tivi thấy các nơi khác trồng rất nhiều mà ở địa phương thì chưa thấy ai trồng. Về sau có các cán bộ kỹ thuật ở huyện đến, tạo điều kiện và hướng dẫn người dân trồng cây gai xanh, gia đình tôi cũng trồng thử. Trong nửa năm đầu tiên, gia đình tôi được thu hoạch 3 vụ, đến hiện tại đã bước sang năm thứ 2. Thời gian tới, gia đình tôi sẽ cải tạo thêm vườn để mở trộng diện tích trồng thêm vườn gai xanh nữa.

cay-gai-1684403778.jpg
Từ đầu tháng 4/2023 đến nay, cây gai xanh tại nhiều địa phương của huyện Na Hang đã cho thu hoạch và đạt năng suất cao. (Ảnh: Tạp chí Thiên nhiên&Môi trường)

Theo ông Nông Văn Nhâm ở Bản Va, xã Yên Hoa, huyện Na Hang, gia đình ông nhận trồng cây gai xanh với diện tích 1ha, thời gian đầu thu hoạch chưa cho hiệu quả nhiều, thậm chí khi thấy cây đẻ ít nhánh, gia đình còn cảm thấy lo lắng, thắc mắc liên hệ với cán bộ chuyên môn và được giải thích rằng, cây gai xanh không giống như cây trồng khác, năm đầu tiên chỉ là năm để lớn thôi chứ hiệu quả kinh tế chưa thể nhìn thấy. Đến khi lên từ 27 đến 30 nhánh/bụi mới thu hoạch đảm bảo năng suất. Nó không phải là cây thời vụ ngắn, mà là cây 10 năm, càng những lứa sau năng suất càng cao.

Được biết, vụ thu hoạch tháng 4/2023, vườn gai của gia đình ông Nhâm bắt đầu cho thu hoạch vụ tiếp, năng suất gai đã cao hơn. Dự kiến vụ này ông được thu khoảng 10 triệu đồng, bằng tiền thu từ trồng ngô cả năm, trong khi đó trồng cây gai xanh có thể thu ít nhất được 4 vụ trong năm. Đây được coi là một tín hiệu mừng cho không chỉ gia đình ông Nhâm, bà con thôn Bản Va, xã Yên Hoa mà còn là một tín hiệu tích cực đối với ngành nông nghiệp của huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.

Ông Nhâm cho hay, tôi cũng đã hỏi ở nhiều nơi khác, nếu chăm sóc tốt, cây gai có thể cho lãi 80 đến 100 triệu đồng/ha, vậy là người làng sẽ có nhiều tiền rồi.

cay-la-gai-1684403991.jpg
Cây gai xanh, hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp của người dân huyện Na Hang. (Ảnh: Tạp chí Thiên nhiên&Môi trường)

Để người dân gắn bó lâu dài với loại cây này, lãnh đạo huyện Na Hang đã kịp thời có văn bản gửi đến UBND các xã cho bà con đăng ký, cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện hỗ trợ đến tuyên truyền tại các xã để bà con biết được loài cây này, rồi đăng ký kỹ thuật trồng và giống với doanh nghiệp. Phía Công ty Cổ phần Nông nghiệp An Phước sẽ thực hiện hỗ trợ cây giống cho người dân và bao tiêu sản phẩm sau thu hoạch cho bà con.

Chính quyền huyện Na Hang cũng đã ban hành văn bản thực hiện hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho khoảng 25% tổng mức đầu tư/đơn vị diện tích (dùng cho đầu tư mua cây giống); Hội Nông dân và các tổ chức đoàn thể của huyện sẵn sàng hỗ trợ cho bà con vay vốn ưu đãi để đầu tư mua phân bón. Có điểm tựa về chính sách của chính quyền huyện Na Hang, cây gai xanh nhanh chóng được mở rộng từ bản làng này sang bản làng khác, phủ xanh khắp núi đồi trùng điệp ở các xã của huyện Na Hang.

Cây gai xanh đã và đang tạo thêm cơ hội để đa dạng giống cây trồng trên địa bàn các xã trong huyện Na Hang, nhằm tăng thu nhập cho người nông dân, góp phần nâng cao hiệu quả công tác xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện./.

Không chỉ mang theo khát vọng về loài cây cho giá trị về kinh tế, cây gai xanh AP1 còn mang đến cho huyện vùng cao Na Hang khát vọng phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống từ nguyên liệu sợi gai xanh. Bởi từ bao đời nay, đồng bào người dân tộc Tày ở huyện Na Hang có nghề dệt thổ cẩm. Sản phẩm thổ cẩm không chỉ gắn bó thân thuộc với người dân mà còn là biểu trưng, là một phần không thể thiếu trong tinh hoa văn hóa ngàn đời của người dân tộc Tày.
Ánh Dương (t/h)