Tiếp tục hoàn thiện những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2025 đạt tăng trưởng 2 con số

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đánh giá cao vai trò của đội ngũ trí thức và doanh nhân trong xây dựng đất nước thời gian qua, đồng thời sẽ tiếp thu những ý kiến để hoàn thiện những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2025 và những năm tiếp theo, phấn đấu đạt được tăng trưởng 2 con số.

Nội dung trên được Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 17 với chủ đề “Giải pháp đột phá đạt mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới”.

hoan-thien-the-che-phat-trien-kinh-te-1-1736342736.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc phát biểu tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17 - VESF 2025.

Thực hiện quyết liệt các giải pháp để thực hiện các đột phá về hoàn thiện thể chế

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ đánh giá cao vai trò của đội ngũ trí thức và doanh nhân trong xây dựng đất nước thời gian qua, đồng thời sẽ tiếp thu những ý kiến để hoàn thiện những giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế năm 2025 và những năm tiếp theo, phấn đấu đạt được tăng trưởng 2 con số, nhưng phải bền vững.

Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện quyết liệt các giải pháp để thực hiện các đột phá về hoàn thiện thể chế; dồn nguồn lực để đầu tư hạ tầng; đầu tư phát triển khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

“Trong ba đột phá, có đột phá về nguồn nhân lực. Hiện nay, chúng tôi tập trung các giải pháp để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực một cách mạnh mẽ nhất và sát với thực tiễn nhất, để theo kịp với nguồn nhân lực chất lượng cao của thế giới. Trong ba đột phá có sự đột phá về công nghệ, liên quan đến làm chủ công nghệ. Muốn làm chủ được công nghệ thì phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, phải có sự chuyển giao công nghệ. Đây cũng là giải pháp cốt lõi để làm thay đổi về bản chất của tăng trưởng trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ.

hoan-thien-the-che-phat-trien-kinh-te-3-1736342719.jpg
Hiện nay, Chính phủ đang thực hiện quyết liệt các giải pháp để thực hiện các đột phá về hoàn thiện thể chế; dồn nguồn lực để đầu tư hạ tầng; đầu tư phát triển khoa học công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Phó Thủ tướng cho biết, năm 2024 đã khép lại với những kết quả ấn tượng. Việt Nam hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,09%, quy mô nền kinh tế đạt 476,3 tỷ USD, xếp thứ 33 trên thế giới. Chỉ số CPI đạt 3,63%, thấp hơn mức 4% mà Quốc hội đề ra.

“Đặc biệt, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 đạt khoảng 800 tỷ USD, với xuất siêu lên tới 24 tỷ USD, phá vỡ mọi kỷ lục trước đây”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Về thu ngân sách, Việt Nam đã thu vượt dự toán 336,5 nghìn tỷ đồng, đạt tổng thu ngân sách hơn 2.030 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với dự toán và 18% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm thứ tư liên tiếp ngân sách Nhà nước vượt dự toán đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm 1%, đưa tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước xuống còn 1,93%. Bội chi ngân sách duy trì ở mức dưới 4% GDP.

Trong lĩnh vực hạ tầng, năm 2024 Việt Nam đã hoàn thành xây dựng 2.021km đường cao tốc. Mục tiêu đến năm 2025 là 3.000km và đến năm 2030 đạt 5.000km đường cao tốc. Bên cạnh đó, Việt Nam đang chuẩn bị cho các dự án trọng điểm như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối liên vùng, cùng với hệ thống cảng biển và sân bay hiện đại. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như miễn giảm thuế, phí, lệ phí với tổng số khoảng 800 nghìn tỷ đồng.

Về định hướng tương lai, Chính phủ Việt Nam hiện tập trung vào ba đột phá chiến lược theo nghị quyết của Đại hội Đảng: Thứ nhất, hoàn thiện thể chế và pháp luật. Trong năm 2024, nhiều luật quan trọng đã được thông qua như Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Chứng khoán và các luật sửa đổi quan trọng khác. Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách pháp luật để tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho phát triển.

Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng. Chính phủ dự kiến bố trí 800.000 tỷ đồng cho đầu tư công trong năm 2025, tập trung vào các dự án trọng điểm như đường cao tốc, sân bay Long Thành, hệ thống cảng biển và đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Thứ ba, hạ tầng năng lượng cũng được chú trọng với các dự án điện hạt nhân, năng lượng tái tạo và phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế trọng điểm.

Các doanh nghiệp cần đa dạng hóa thị trường, để hạn chế rủi ro

Đánh giá cao những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam những năm gần đây, đặc biệt là mức tăng trưởng GDP rất ấn tượng 7,09% trong năm 2024, các đại biểu cho rằng, Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để bước vào thời kỳ tăng trưởng cao.

Phân tích những điểm tích cực và hạn chế, vướng mắc hiện tại của các nguồn lực, động lực tăng trưởng truyền thống, các chuyên gia kinh tế đề xuất nhiều giải pháp để vừa phát huy được những cơ hội, vừa xoay chuyển, hóa giải được các thách thức, tạo sức bật, tạo nền tảng ổn định, làm điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn mới.

Nhấn mạnh về giải pháp quản lý thuế và kích cầu nội địa, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục thống kê cho rằng: “Để kích cầu tiêu dùng trong nước và tăng trưởng GDP là người dân Việt Nam phải chi tiêu hàng hóa, dịch vụ sản xuất tại Việt Nam, chứ nếu chi tiêu hàng hóa nhập khẩu, nhất là dịch vụ nhập khẩu thì vô hình chung sẽ làm giảm GDP.

Bên cạnh đó, phải có chính sách tăng thu nhập của hộ gia đình, từ đó, mới kích cầu được tiêu dùng. Về chính sách thuế để người dân có thêm điều kiện chi tiêu, có thể áp dụng cho từng lớp dân cư, như lớp thu nhập thấp, thu nhập trung bình và tầng lớp thu nhập cao”.

Đối với doanh nghiệp, việc khai thác các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia là rất quan trọng. Các doanh nghiệp của nước ta cũng cần đa dạng hóa thị trường, để hạn chế rủi ro.

“Việc dịch chuyển chuỗi cung ứng thì ngay trong khu vực ASEAN là nền tảng, là bệ phóng để hàng hóa của ta xuất khẩu ra bên ngoài. Chúng ta cũng có nhiều FTA chất lượng cao mà chưa khai thác hết. Việc tìm những thị trường mới, cơ hội mới là cần thiết và thị trường châu Âu là rất quan trọng”, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao nêu ý kiến.

hoan-thien-the-che-phat-trien-kinh-te-2-1736342872.jpg
Diễn đàn VESF 2025 đã ghi nhận rất nhiều những ý kiến trăn trở, băn khoăn về nền kinh tế của đất nước trong năm 2025 và triển vọng 2026 - 2030.

Các đại biểu cũng phân tích lợi ích thiết thực của kinh tế xanh và khẳng định đây là giải pháp quan trọng để thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Một vấn đề được đặt ra là cần có giải pháp đột phá trong ngắn hạn và trung hạn nhằm tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ chế mới có tính đột phá hơn nhằm khai phóng các nguồn lực, động lực mới, tạo sức bật cho Việt Nam bước vào thời kỳ tăng trưởng cao, tăng trưởng bao trùm. Trong đó có các nguồn lực, động lực từ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“Nếu như trước đây đã có những động lực, nhưng bị ảnh hưởng, không chạy hết công suất của nền kinh tế thì chúng ta thêm một động cơ bên phải là chuyển đổi số, bên trái là chuyển đổi xanh thì sẽ giúp cộng thêm được 1-2% nữa thì tăng trưởng 2 con số là có thể đạt được”, ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Ông Lê Quang Huy, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đánh giá cao chủ đề của Diễn đàn VESF lần thứ 17, đó là các giải pháp đột phá để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững.

Ông Lê Quang Huy cho rằng đây là một chủ đề rất đúng và trúng, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn cũng như những mục tiêu mà Việt Nam đã đặt ra trong năm 2025 và giai đoạn tới hướng đến là kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

“Do đó, hơn lúc nào hết, chúng ta cần nỗ lực, chuẩn bị từng bước, từng điều kiện để sẵn sàng, tự tin, hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao năm 2045”, ông Lê Quang Huy nói./.

Bình Châu