Tăng trưởng bền vững: Cùng đồng hành để giữ màu xanh cho tương lai

Khởi đầu những năm 2000, Liên hợp quốc đã đề ra 8 mục tiêu phát triển thiên niên kỷ; đến năm 2015, tổ chức này lại xác định 17 mục tiêu phát triển bền vững. Theo đó, tăng trưởng xanh, một nội dung quan trọng của phát triển bền vững đã trở thành quá trình kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa 3 trụ cột kinh tế, xã hội và môi trường.

Chính sách tăng trưởng xanh của Việt Nam đã được thể hiện rõ trong chiến lược quốc gia về tăng trưởng thời kỳ 2011 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Tăng trưởng Xanh được hiểu là tăng trưởng dựa trên sự thay đổi của mô hình cơ cấu lại nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh thông qua vận dụng công nghệ và phát triển hạ tầng để nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, nhận thức của cộng đồng đã được nâng cao, từng bước làm thay đổi hành vi sản xuất góp phần thiết thực vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các nhà phân tích đã nhận ra, nền kinh tế phát triển thiếu bền vững; chất lượng tăng trưởng,  hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp; nhiều cân đối vĩ mô thiếu ổn định và nhất là sự phát triển còn dựa nhiều vào tài nguyên và vốn đầu tư. Thâm dụng lao động, lạm dụng tài nguyên và sử dụng nguồn lực kém hiệu quả dẫn đến cường độ phát thải khí nhà kính (KNK) tăng cao, đưa nước ta trở thành một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất về biến đổi khí hậu (BĐKH).

Bối cảnh toàn cầu đang đặt ra những vấn đề cấp thiết phải xử lý, nếu không Việt Nam khó đạt được phát thải ròng bằng 0 như cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị Glasgow tháng 11 năm 2021. 

Hội nghị Thượng đỉnh toàn cầu về biến đổi khí hậu và những kết luận rút ra

Tại Diễn đàn Glasgow, gần 200 nguyên thủ quốc gia trên Thế giới đã thông qua Hiệp định về khí hậu với nhiều tham vọng. Theo đó, đến năm2030 sẽ cắt giảm lượng KNK phát thải tới 45% so với năm 2020 và sẽ giảm xuống bằng 0 (Net-zero) vào giữa thế kỷ (năm 2050). Nhằm đạt được mục đích này, Hội nghị kêu gọi các nhà tài trợ cần tăng gấp đôi kinh phí hỗ trợ cho BĐKH.

Các thành phố đẩy nhanh quá trình chuyển đổi hướng tới xã hội bền vững và loại bỏ hoàn toàn cácbon. Ảnh: Unsplash / chuttersnap

Từ những cam kết cần đạt, 130 quốc gia, chiếm 90% diện tích rừng toàn thế giới, sẽ đảo ngược tình trạng phá rừng và làm suy kiệt tài nguyên đất. Qua đó, hơn 100 nước đồng ý cắt giảm 30% lượng khí metan trong năm 2030; 46 quốc gia đã ký thỏa thuận để chuyển đổi từ nhiệt điện than sang năng lượng sạch. 

Thay vì giảm dần, 23 nước đã cam kết cắt giảm nhiệt điện than và để đạt được trạng thái Netzero vào năm 2050, những can thiệp mang tính cấu trúc cần tuân thủ nguyên tắc trong khuôn khổ trao đổi tín chỉ carbon. Về mặt tài chính, liên minh Net-zero Glasgow (GFANZ) bao gồm hơn 450 tổ chức tài chính sẽ quản lý trên 139 tỷ USD vốn tư nhân. Trong đó, Liên minh năng lượng toàn cầu vì nhân dân và hành tinh (GEAPP) cam kết dành 10,5 tỷ USD cho những nền kinh tế mới nổi để chuyển đổi sang năng lượng tái tạo (NLTT).

Trước hệ lụy tiêu cực của BĐKH, tăng trưởng xanh đã trở thành một lựa chọn toàn cầu. Đây là cách tiếp cận mới, nhằm phát triển hài hòa kinh tế-xã hội với phục hồi và bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên. Trong phạm vi quốc tế, thỏa thuận Paris và mục tiêu phát triển bền vững đã mang lại nhiều hy vọng về tính bền vững toàn cầu trong mọi lĩnh vực.

Khái niệm tăng trưởng xanh được đưa ra ở nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế. Theo Ủy ban kinh tế xã hội châu Á - Thái Bình Dương (UNESCAP), tăng trưởng xanh là mô hình chú trọng đến phát triển kinh tế bền vững về môi trường, thúc đẩy phát triển carbon thấp và xã hội toàn diện. Tổ chức Sáng kiến Tăng trưởng xanh Liên Hợp Quốc quốc cho rằng: Tăng trưởng xanh hay xây dựng nền kinh tế xanh là quá trình cơ cấu lại hoạt động kinh tế và cơ sở hạ tầng để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên và nhân lực, sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên đồng thời tạo ra ít chất thải, giảm lượng phát thải KNK và giảm mất công bằng xã hội.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), tăng trưởng xanh là thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời bảo đảm nguồn tài sản, tiếp tục cung cấp tài nguyên và dịch vụ môi trường thiết yếu cho cuộc sống. Tăng trưởng xanh là nhân tố xúc tác đầu tư và đổi mới, đó là cơ sở cho sự tăng trưởng bền vững, tăng cường và tạo ra những cơ hội kinh tế mới.

Khát vọng Việt Nam và những hiệu quả lâu dài

Phát triển kinh tế theo hướng xanh hóa đã được lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm từ khi chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang gắn với với tái cơ cấu nền kinh tế dựa vào khoa học công nghệ (KH-CN) và đổi mới sáng tạo. Nhiều định hướng chiến lược tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đã được ban hành. Theo đó, mục tiêu chiến lược quốc gia  nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới trung hòa carbon và đóng góp cụ thể vào hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Phát biểu tại COP 26 ở Glasgow, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã bày tỏ khát vọng đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Về tăng trưởng xanh trong giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2050, Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 1/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã xác định Mục tiêu tổng quát của Chiến lược là góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa cacbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu (Thủ tướng Chính phủ 2021). Từ kỳ vọng trở thành quốc gia thu nhập cao,đứng trong hàng ngũ những nước phát triển vào năm 2045, tăng trưởng xanh đã trở thành cơ hội và là sự lựa chọn tất yếu trên chặng đường phát triển.

Những thập niên vừa qua, tiến bộ vượt bậc của khoa học, công nghệ và cách mạng 4.0 đã đem đến nhiều cơ hội cho tăng trưởng. Xu hướng đầu tư cho hoạt động sản xuất,xây dựng chính phủ điện tử và đô thị thông minh đã tạo nhiều đột phá nhưng chưa diễn ra trên diện rộng. Mặt khác, mô hình khai thác tài nguyên thiên nhiên thiếu bền vững đã gây tác động tiêu cực đến môi trường, làm suy giảm đa dạng sinh học và biến đổi khí hậu, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội cũng như ảnh hưởng đến cơ hội kinh tế cho các thế hệ tương lai.

Đối với Việt Nam, tăng trưởng xanh là nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đó là quá trình phát triển kết hợp chặt chẽ và hài hòa giữa kinh tế-xã hội với bảo vệ môi trường. Là một trong những quốc gia bị tác động nặng nề của BĐKH, thiên tai, dịch bệnh và những tác động từ bên ngoài, lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã sớm xác định tăng trưởng xanh là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân; của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và tổ chức xã hội.

Tăng trưởng xanh được quan niệm là quá trình thay đổi mô hình tái cơ cấu nền kinh tế nhằm tận dụng lợi thế so sánh, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh thông qua áp dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó với BĐKH, xóa đói giảm nghèo và tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.
Đại dịch Covid-19 gây khủng hoảng, làm thay đổi nhiều lĩnh vực, song cũng là cơ hội để các quốc gia đánh giá lại mô hình phát triển, nâng cao nhận thức cộng đồng về những mối đe doạ. Trong bối cảnh đó, Việt Nam tiếp tục khẳng định cam kết quốc tế, thực hiện mục tiêu phát triển bền vững 2030 và Thỏa thuận Paris về BĐKH.

Theo các nhà phân tích, Việt Nam cần vượt qua thách thức để tiếp tục đà đổi mới và đẩy mạnh tăng trưởng theo chiều sâu. Quan điểm từ Đại hội XIII của Đảng là phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở  khoa học-công nghệ, đổi mới và sáng tạo; phát triển hài hòa kinh tế với văn hóa - xã hội, bảo vệ môi trường và thích ứng với BĐKH. Đến nay, trong một số ngành kinh tế kỹ thuật hiệu suất năng lượng và phát thải còn duy trì mức của những thập niên trước. Để đạt đươc mục tiêu cam kết giảm lượng phát, thải phải tăng cường hơn nữa các yếu tố công nghệ thông qua nguồn năng lượng tái tao, sử dụng hợp lý đất đai, điện khí hóa và tăng cường lưu trữ carbon.

Với những chuyển đổi lớn về công nghệ và hành vi tăng công suất năng lượng tái tạo, giảm phát thải trong sản xuất công nghiệp, khuyến khích điện khí hóa vận tải đường bộ, bảo vệ đất có tiềm năng giảm phát thải và đẩy mạnh xử lý chất thải hãng Mc Kinsey tin rằng. Việt Nam sẽ đưa được mức phát thải ròng về 0 như đã cam kết. Theo Bruce Deteil Giám đốc điêù hành của Mc Kinsey Việt Nam, cả nước có thể giảm ngay được 87%  lượng phát thải bằng cách thực hiện những sáng kiến lớn trong ngành giao thông vận tải, công nghiệp, điện lực và thay đổi sử dụng đất. Ông cho rằng Cơ hội lớn nhất của Viêt Nam là tài trợ chuyển đổi các ngành công nghiệp nâu. Chuyển đổi công nghiệp từ nâu sang xanh có thể mang lại những cơ hội đầu tư mới, đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Với nguồn lực có hạn, Chính phủ và doanh nghiệp cần những khoản hỗ trợ.

Tài trợ chuyển đổi gắn với môi trường xã hội và quản trị công ty có thể đem đến doanh thu lên tới 1,5 tỷ USD cho các ngân hàng và tổ chức tại việt Nam (An An 2022).

Trong chuỗi giá trị toàn cầu, mục tiêu tăng trưởng xanh được cụ thể hóa bằng các quy định và tiêu chí trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA). Từ đầu năm 2022 Quốc hội Việt Nam đã ban hành những Nghị quyết về chính sách hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KTXH. Theo đó, đã khẳng định tăng trưởng xanh không chỉ là xu hướng mà là nhu cầu. Nếu nền kinh tế chậm xanh hóa và doanh nghiệp chậm chuyển đổi xanh thì đất nước sẽ mất đi nhiều cơ hội hợp tác và phát triển.

Chuyển đổi tăng trưởng xanh từ tầm nhìn chính khách và doanh nghiệp

Cam kết đạt mức phát thải ròng bằng “0” được Bộ Công Thương đưa vào Dự thảo Quy hoạch điện VIII hướng tới mục tiêu nhằm phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng sạch. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng đã đưa vào Dự thảo Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến 2050. Trong đó, xác định các nhóm nhiệm vụ, hoạt động về giảm phát thải trong lĩnh vực năng lượng, công nghiệp xây dựng, nông nghiệp, tài nguyên môi trường, huy động tài chính và đầu tư xanh.

Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Nguyễn Chí Dũng, việc xác định hành động và giải pháp giảm phát thải cần phù hợp với định hướng cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; chi phí chuyển đổi xanh phù hợp với sức chống chịu của nền kinh tế, các ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp. Để tăng hiệu quả và sát với thực tiễn, cần đánh giá khái quát tình hình thực hiện cũng như chia sẻ các kinh nghiệm tốt về tăng trưởng xanh và những khó khăn, thách thức trong thời gian tới.

Tăng trưởng xanh là mục tiêu được Đảng và lãnh đạo Nhà nước đăc biệt quan tâm. Tuy nhỉên nhìn vào bức tranh toàn cảnh của các địa phương và nhiều doanh nghiệp thì khó khăn và thách thức còn nhiều khác biệt. Với mong muốn góp thêm tiếng nói ủng hộ và những hành động thiết thực cho mục tiêu của chiến lược này, Diễn đàn Nhịp cầu Phát triển Việt Nam (Vietnam Connect Forum) ngày 8/4 năm 2022với chủ đề: "Hội tụ nguồn lực, thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển bền vững"đã quy tụ được nhiều ý kiến đóng góp của các nhà hoạch định chính sách, quản lý và chuyên gia đến từ nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư và các doanh nghiệp (Vn Economy 2002).

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ cho biết, có 3 khó khăn và 3 lợi thế nổi bật. Theo ông, mặc dù kiểm soát khá tốt, song đại dịch Covid-19 vẫn chưa kết thúc mà tác động của nó đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân đòi hỏi phải có thời gian để khắc phục. Mặt khác, những biến động, bẩt ổn và xung đột khó lường ở các khu vực đều tác động đến kinh tế thế giới và Việt Nam, làm cho quá trình phục hồi tiềm ẩn những rủi ro, buộc các nhà hoạch định chính sách phải khắc phục những khó khăn, bất cập trước mắt. Ngoài ra, nền kinh tế xanh là một quá trình tăng trưởng bền vững. Do trình độ, năng lực nước ta còn nhiều hạn chế việc chuyển đổi này không dễ. Không phải địa phương, ngành kinh tế kỹ thuật nào cũng sẵn sàng cả về cơ sở hạ tầng, công nghệ và nguồn nhân lực kỹ năng cao để sẵn sàng tham gia ngay vào các quá trình chuyển đổi.

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song các nhà hoạch định chiến lược và giới tinh hoa đã nhận ra lợi thế cơ bản tập trung trên các mặt. Trước hết, đó là quyết tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong chuyển đổi kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh bền vững. Đây không chỉ là xu hướng mà lãnh đạo đã nhiều lần khẳng định, tăng trưởng không phải bằng mọi giá mà là bền vững, sáng tạo và bao trùm. Thời gian qua, trước thực tế nghiệt ngã của thời đại, nhận thức về phục hồi kimh tế và tăng trưởng xanh bền vững của các ngành các cấp, doanh nghiệp và mọi tầng lớp nhân dân đã được nâng cao. Đây chính là một lợi thế tiềm năng để tạo động lực cho sự phát triển đi lên. Cùng với thuận lợi bên trong, tăng trưởng xanh đang là xu thế thời đại; những đối tác nước ngoài và Chính phủ nhiều nước đang trong qúa trình tái cấu trúc mô hình tăng trưởng theo hướng tăng trưởng xanh bền vững và bao trùm. Xu hướng tăng trưởng xanh trong từng quốc gia, khu vực và toàn cầu đang mở ra nhiều lĩnh vực thân thiện với môi trường. Thực tế này tạo nhiều thuận lợi hợp tác với đối tác nước ngoài nhằm thúc đẩy mạnh quá trình tăng trưởng xanh ở nước ta.

Từ góc nhìn doanh nghiệp với mong muốn Việt Nam đạt được khát vọng đưa phát thải ròng về 0, Giám đốc điều hành Mc.Kinsney Vietnam, Bruce Deteil đã khuyến nghị Việt Nam nên tập trung vào những vấn đề ưu tiên (An An 2022), đó là: Do BĐKH ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển KTXH thông qua những rủi ro chuyển đổi nên phi carbon hóa cần là một ưu tiên hàng đầu. Để đạt được trạng thái phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Việt Nam rất cần có lộ trình cụ thể thông qua những nỗ lực để huy động sự tham gia của toàn xã hội; Năng lượng là lĩnh vực cần được đặc biệt quan tâm, muốn thực hiên mục tiêu phát thải ròng bằng 0. Viêt Nam cần lắp đặt tới 70 GW điện mặt trời và 150GW điện gió vào năm 2040. Điện khí hóa giao thông đường bộ là một lĩnh vực cần được quan tâm trong bối cảnh Việt Nam muốn trở thành quốc gia tiên phong trong ứng dụng xe hơi chạy điện; Và sau cùng là cần có những nỗ lực nhằm phối hợp giữa tất cả mọi ngành, mọi cấp nhằm đẩy nhanh quá trình phi carbon hóa, thực hiện những đòn bẩy quan trọng để chuyển sang sản xuất chế tạo bằng những giải pháp và công nghệ tiên tiến./.

Lê Thành Ý