Thời gian qua, hợp tác thương mại song phương giữa Việt Nam - Ấn Độ tăng nhanh từ mức 200 triệu USD (năm 2000) lên hơn 13 tỷ USD (năm 2021). Đặc biệt, chỉ trong 5 năm sau khi trở thành đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng gấp đôi và mục tiêu của năm 2022 là 15 tỷ USD.
Năm 2021, lần đầu tiên thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ vượt mốc 13 tỷ USD (13,2 tỷ USD), tăng 36,5% so với mức 9,6 tỷ USD của năm 2020, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 6,25 tỷ USD (tăng 20% so với năm 2020). Theo số liệu của Bộ Công Thương, 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 1,92 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu của Việt Nam từ Ấn Độ đạt 2,05 tỷ USD.
Ấn Độ là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ chè lớn nhất thế giới. Hiện nay, nhận thức của người tiêu dùng Ấn Độ ngày càng tăng về lợi ích sức khỏe và y học của các biến thể trà xanh và hữu cơ cũng góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường. Bên cạnh đó, khả năng chi tiêu ngày càng tăng của người tiêu dùng, cùng với các kênh bán lẻ trực tuyến đang phát triển, được dự đoán sẽ thúc đẩy thị trường chè của Ấn Độ tăng trưởng.
Là một trong những nước sản xuất và tiêu thụ chè lớn nhất thế giới, Ấn Độ cũng là thị trường nhập khẩu chè lớn trên thế giới. Nhập khẩu chè của Ấn Độ ngoài việc để tiêu dùng tại thị trường nội địa còn nhằm mục đích tái xuất khẩu.
Đối với mặt hàng cà phê, Ấn Độ là nước sản xuất cà phê lớn thứ sáu thế giới. Ấn Độ chủ yếu nhập khẩu cà phê từ Việt Nam, Indonesia, Uganda và Kenya để chế biến và tái xuất. Sản phẩm cà phê hòa tan của Việt Nam được ưa chuộng tại thị trường Ấn Độ.
Đồng thời, Ấn Độ là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất thế giới. Với số dân trên 1,4 tỷ người, Ấn Độ có dung lượng thị trường lớn, tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp các nước, trong đó có Việt Nam.
Nhằm tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc xuất khẩu chè và cà phê sang thị trường Ấn Độ, ngày 27/4/2022, Cục Xúc tiến thương mại tổ chức phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm chè và cà phê sang thị trường Ấn Độ diễn ra tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Tại phiên tư vấn, ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal, Bhutan) sẽ giới thiệu tổng quan thị trường các sản phẩm chè và cà phê tại Ấn Độ; vấn đề tiếp cận, áp dụng quy định, tiêu chuẩn, điều kiện xuất khẩu sản phẩm chè và cà phê sang Ấn Độ. Bên cạnh đó, đại diện cơ quan, doanh nghiệp, nhà nhập khẩu tại Ấn Độ sẽ chia sẻ một số điều cần biết khi kinh doanh với thị trường Ấn Độ.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương) nhận định: “Những đặc điểm trên của thị trường Ấn Độ chính là cơ hội để các doanh nghiệp chè và cà phê Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường nhiều tiềm năng này. Trong đó, doanh nghiệp chè Việt Nam cần tìm kiếm những phân khúc thị trường, tận dụng những lợi thế của Việt Nam so với nhiều đối thủ cạnh tranh khác, thông qua các hội chợ triển lãm, các siêu thị”.