Đức là nền kinh tế lớn nhất Châu Âu và đứng thứ 4 trên thế giới. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2020, tổng GDP của Đức đạt 3.806 tỷ USD (chỉ đứng sau Mỹ: 20.937 tỷ USD, Trung Quốc: 14.723 tỷ USD, Nhật Bản: 5.065 tỷ USD). GDP cũng thể hiện sức mua của một nền kinh tế, do đó không ngạc nhiên khi Đức là một trong những thị trường có sức mua lớn trên thế giới, người tiêu dùng Đức có khả năng chi trả mức cao cho hàng hóa tiêu dùng.
Theo số liệu của Trademap ITC năm 2020: Đối với hàng nông sản, mặc dù tỷ trọng trong tổng nhập khẩu không lớn nhưng Đức vẫn là nước EU nhập khẩu nhiều nhất các sản phẩm rau quả tươi và chế biến (23,1 tỷ USD), chè - cà phê - gia vị (4 tỷ USD), thủy sản chế biến (1,65 tỷ USD), mật ong (274 triệu USD)…
Cộng hoà liên bang Đức được biết đến là một trong số những thị trường tiêu dùng “khó tính” nhất trên thế giới. Người tiêu dùng Đức thường rất kỹ tính, bảo thủ và trung thành với các thương hiệu quen thuộc. Ước tính có khoảng 60% người tiêu dùng sẵn sàng mua nhiều lần cùng một nhãn hiệu đã sử dụng (Santandertrade, 2021). Vì thế người Đức thường ưu tiên sử dụng các sản phẩm trong khu vực Châu Âu, sản phẩm quốc gia và địa phương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người tiêu dùng Đức cũng ngày càng cởi mở hơn với hàng hóa quốc tế.
Trong bối cảnh xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới bị ảnh hưởng chung, thị trường Đức vẫn là điểm sáng khi duy trì được mức tăng trưởng đáng khích lệ. Theo số liệu thống kê của Bộ Công thương, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Đức năm 2021 đạt trên 11,13 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu sang Đức đạt trên 7,25 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2020. Nhập khẩu từ Đức đạt khoảng 3,88 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020. Các mặt hàng xuất khẩu chính là máy móc thiết bị, điện thoại, giày dép, dệt may, cà phê, thủy sản... Các mặt hàng nhập khẩu là máy móc, thiết bị, dược phẩm, hóa chất, linh kiện phụ tùng ô tô. 3 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 2,12 tỷ USD, tăng 25,1%. Nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Đức đạt 929,4 triệu USD, tăng 10,6%.
Như vậy, năm 2021 Việt Nam xuất siêu sang Đức 3,37 tỷ USD, 3 tháng đầu năm nay xuất siêu gần 1,2 tỷ USD. Đây là một tín hiệu rất khả quan và nằm trong xu hướng tăng chung của tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam và EU sau hơn 1 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do EVFTA.
Nhằm tư vấn, giải đáp các vấn đề doanh nghiệp quan tâm liên quan đến việc xuất, nhập khẩu sản phẩm chế biến từ nông sản, thực phẩm với thị trường Đức như: Yêu cầu đối với chất lượng và phẩm cấp hàng hóa, phương thức thanh toán, cách thức vận chuyển, bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, giải quyết các vấn đề bất cập có thể phát sinh trong quá trình xuất nhập khẩu, Cục Xúc tiến thương mại và Thương vụ Việt Nam tại Đức tổ chức phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Đức diễn ra ngày 21/4/2022 tới tại TP. Hồ Chí Minh.
Diễn giả, báo cáo viên của phiên tư vấn bao gồm: Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Đức, Lãnh đạo các Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức, Ủy ban Chuyên gia Hiệp hội phát triển Kinh tế và Ngoại thương toàn cầu (BWA), Hiệp hội kinh tế vừa và nhỏ liên bang (BVMW) và đại diện một số các nhà nhập khẩu ở Đức.
Đặc biệt, tại phiên tư vấn, Tiến sỹ Rene Schäfer, Chuyên gia tư vấn luật quốc tế, Công ty Dornbach GmbH sẽ thông tin tới các doanh nghiệp Việt Nam về Bộ phận thông tin Việt Nam tại Đức (Vietnam Desk), nơi cung cấp, chia sẻ nhiều thông tin giá trị hỗ trợ doanh nghiệp hai nước Việt Nam và Đức phát triển các cơ hội hợp tác kinh doanh và đầu tư.