Quảng cáo #128

Tăng cường quản lý chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”, khẳng định danh tiếng và chất lượng vùng chè Thái Nguyên

Thời gian qua, việc thực hiện chỉ dẫn địa lý “Tân Cương" đã góp phần khẳng định uy tín, chất lượng và nâng cao vị thế của chè Thái Nguyên trên thị trường. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đem lại giá trị lợi nhuận cao cho người sản xuất.

Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” cấp cho sản phẩm chè được trồng, chế biến và đóng gói tại 6 xã: Tân Cương, Phúc Xuân và Phúc Trìu, Quyết Thắng, Thịnh Đức, Phúc Hà. Trong đó có trên 30 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh chè được cấp quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”, do Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên quản lý.

thuong-hieu-che-tan-cuong-3-1733400834.jpg
Các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ gia đình được cấp quyền chỉ dẫn địa lý đã duy trì, và phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ thương hiệu chè Tân Cương.(Ảnh minh họa)

Thời gian qua, các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ gia đình được cấp quyền chỉ dẫn địa lý đã duy trì, và phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ thương hiệu chè Tân Cương. Hiện nay, khu vực mang chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” có 1.371,8ha chè, sản lượng chè búp tươi đạt trên 20.300 tấn/năm.

Theo Bà Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX Chè Hảo Đạt (xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: "Tôi tuân thủ quy trình, thứ nhất là nguồn gốc xuất xứ. Để đảm bảo thương hiệu chè Tân Cương thì các sở, ban ngành đã có lớp tập huấn cho HTX tuân thủ các quy trình liên quan đến bảo hộ địa lý chè Tân Cương".

HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bắc Thái ở xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên cũng là đơn vị thực hiện nghiêm túc việc sử dụng nhãn hiệu, logo trên các bao bì sản phẩm khi lưu thông trên thị trường, không sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” cho sản phẩm chưa đáp ứng điều kiện về giống chè, quy trình sản xuất... Đồng thời, chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước tích cực tham gia hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

thuong-hieu-che-tan-cuong-1-1733400873.jpg
Vùng đặc sản chè Tân Cương đang dần chuyển mình thành những điểm du lịch sinh thái, thu hút nhiều khách du lịch đến trải nghiệm.(Ảnh minh họa)

Bà Dương Thị Thơm, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Bắc Thái, thành phố Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên, cho biết, bảo vệ, phát triển sản phẩm trà mang Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” sẽ nâng cao giá trị thương hiệu, tạo lợi thế cạnh tranh bền vững cho các sản phẩm chè Thái Nguyên.

Theo bà Thơm: "Từ năm 2022 HTX đã được Sở KHCN hướng dẫn cấp chỉ dẫn địa lý chè Tân Cương. Sau khi được cấp HTX đã tuân thủ các quy định. Khi sử dụng chi dẫn địa lý tôi thấy rất là tốt tăng giá thành sản phẩm, uy tín trên thị trường".

Có thể thấy, chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” là khẳng định đối với danh tiếng và chất lượng vùng chè Tân Cương, đồng thời là điều kiện thuận lợi để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, đem lại giá trị lợi nhuận cao cho người sản xuất.

thuong-hieu-che-tan-cuong-4-1733400820.jpg
Để đảm bảo thương hiệu chè Tân Cương thì các sở, ban ngành đã có lớp tập huấn cho HTX tuân thủ các quy trình liên quan đến bảo hộ địa lý chè Tân Cương. (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, một số hộ dân vẫn còn áp dụng nhiều quy trình, tiêu chuẩn khác nhau trong quá trình trồng, chế biến và bảo quản sản phẩm trà… điều này đã làm ảnh hưởng đến chất lượng đặc thù của sản phẩm trà mang Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”.

Trước thực trạng này, Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Nguyên cho biết, Sở sẽ tiến hành rà soát lại toàn bộ đối tượng được cấp quyền sử dụng Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” đối với sản phẩm trà; đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại cơ sở, đảm bảo cấp đúng.

Bên cạnh đó, để hệ thống tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” hoàn thiện và hoạt động hiệu quả, các đơn vị liên quan đang xúc tiến thành lập Hội Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”. Theo đó, Hội Chỉ dẫn địa lý “Tân Cương” là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tập hợp, bảo về quyền, lợi ích hợp pháp của hội viên là doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình… tham gia sản xuất, kinh doanh sản phẩm chè mang chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”.

Sự chung tay của các cấp, ngành và người dân trong việc bảo vệ chỉ dẫn địa lý "Tân Cương" sẽ giúp nâng cao chất lượng, danh tiếng và giá trị của sản phẩm trà Tân Cương, đồng thời tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững trên thị trường. Để sản phẩm trà Tân Cương nâng cao vị thế, xứng đáng là niềm tự hào của người dân Thái Nguyên./.

Bình Châu