Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 17 về kết nối kinh tế Việt Nam và Singapore diễn ra chiều 27/8, đã đưa ra thống nhất chung về các hoạt động hợp tác kinh tế gồm kết nối năng lượng; phát triển bền vững; cơ sở hạ tầng; kỹ thuật số và đổi mới sáng tạo và kết nối (bao gồm các lĩnh vực như giáo dục, tài chính, công nghệ thông tin và viễn thông, du lịch, đầu tư, thương mại và dịch vụ, giao thông vận tải).
Đây là 5 lĩnh vực trong khuôn khổ Hiệp định khung Kết nối hai nền kinh tế được nâng cấp sẽ được ký kết nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong 2 ngày 27 và 28/8.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, quan hệ Việt Nam - Singapore đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.
Về hợp tác đầu tư, Singapore là nhà đầu tư nước ngoài đứng đầu ASEAN và đứng thứ 2 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam với hơn 3.200 dự án có tổng vốn đăng ký đạt 73,5 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam sang Singapore đạt 690 triệu USD với 153 dự án, đưa Singapore trở thành quốc gia lớn thứ 10 trong số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam đầu tư trực tiếp ra nước ngoài. 14 khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) hiện diện trên 10 tỉnh, thành của Việt Nam là biểu tượng hợp tác kinh tế giữa hai nước.
Về thương mại, hai nước luôn nằm trong nhóm 15 đối tác thương mại lớn nhất của nhau. Năm 2022, quy mô thương mại giữa hai nước đã đạt 9,15 tỷ USD, tăng 11,6% so với năm 2021, ước 6 tháng đầu năm 2023 đạt 4,5 tỷ USD.
Đối với quan hệ hợp tác trong các lĩnh vực tại trụ cột kết nối, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết về đầu tư, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư chung, hoàn thiện hệ thống pháp luật và chính sách đầu tư nước ngoài, nỗ lực hỗ trợ các dự án đầu tư của Singapore tại Việt Nam.
Việt Nam đề xuất Singapore phát triển và chuyển đổi các khu VSIP truyền thống sang khu công nghiệp sinh thái (tích hợp yếu tố xanh tuần hoàn, thông minh, công nghệ cao và tiết kiệm năng lượng).
Bên cạnh đó, mở rộng và đầu tư vào các lĩnh vực chủ chốt và thuộc nhóm ưu tiên của Việt Nam như điện tử chế tạo chip, vật liệu bán dẫn, chế tạo thông minh, kỹ thuật số, cơ sở dữ liệu lớn, công nghệ cao, vật liệu mới, năng lượng sạch/tái tạo, công nghiệp hỗ trợ, thương mại điện tử, thành phố thông minh... hỗ trợ Việt Nam phát triển các ngành như dệt may, chế biến đồ gỗ, đóng tàu, phát triển hạ tầng công nghiệp, hóa chất, hóa dầu, khí tự nhiên, hóa lỏng.
Về thương mại, phía Việt Nam tiếp tục đề nghị phía Singapore xem xét mở rộng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam như đã trao đổi tại Hội nghị lần thứ 16.
Cũng nhân dịp này, hai Bộ trưởng cũng đã chứng kiến lễ ký Biên bản hợp tác về đổi mới sáng tạo giữa Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia Việt Nam và Trung tâm Công nghệ và Sản xuất tiên tiến (ARTC) thuộc Cơ quan khoa học, công nghệ và nghiên cứu (ASTAR) và lễ ký Bản ghi nhớ giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc và Tập đoàn YCH Group Pte. Ltd (Singapore) về hợp tác đào tạo thực tập sinh Việt Nam về lĩnh vực chuỗi cung ứng và logistics tại Việt Nam và Singapore. Hợp tác nghiên cứu thành lập Trung tâm đổi mới sáng tạo tại tỉnh Vĩnh Phúc.