Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Singapore xuất hiện tín hiệu tích cực

Mặc dù các chỉ tiêu về kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Singapore vẫn ở mức âm, tuy nhiên đã bắt đầu xuất hiện một số tín hiệu tích cực, khi tháng sau tăng trưởng cao hơn tháng trước liền kề.
khu-che-xuat-1692786215.jpg
Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Singapore xuất hiện tín hiệu tích cực. Ảnh minh họa

Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Singapore với thế giới đạt gần 687,44 tỷ SGD, giảm 14,69 % so với cùng kỳ năm 2022, trong đó xuất khẩu hơn 364,4 tỷ SGD (giảm 12,9%) và nhập khẩu hơn 323,02 tỷ SGD (giảm 16,63%).

Trong 7 tháng đầu năm, Việt Nam giữ vị trí là đối tác thương mại lớn thứ 11 của Singapore, với kim ngạch thương mại hai chiều khoảng 16,8 tỷ SGD, giảm 9,41%.

Xét về xuất xứ hàng hóa, thì hàng tạm nhập tái xuất qua Singapore vào Việt Nam chiếm 70,16% tổng kim ngạch hàng xuất khẩu từ Singapore vào Việt Nam, tương đương 9,19 tỷ SGD. Trong khi đó, nếu tính riêng hàng hóa có xuất xứ từ Singapore, thì Việt Nam chỉ nhập siêu khoảng 203,57 triệu SGD.

Trong tháng 7, nhóm ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại, bắt đầu có mức tăng trưởng dương nhẹ (tăng 1,22%). 2/3 nhóm xuất khẩu chủ lực còn lại có mức tăng trưởng âm là lò phản ứng, nồi hơi, máy công cụ và trang thiết bị phụ tùng của các loại máy trên (giảm 2,45%), thủy tinh và các sản phẩm từ thủy tinh (giảm 53,3%).

Trong các nhóm ngành còn lại, một số nhóm có mức tăng trưởng mạnh như: muối, lưu huỳnh, đất và đá, thạch cao, vôi và xi măng (tăng 125,45%), thuốc lá và các sản phẩm thay thế thuốc lá (tăng 45,05%); dầu thực động vật, chất béo (tăng 40,45%). Đáng chú ý, nhóm Gạo và ngũ cốc có mức tăng trưởng khá cao so với các tháng gần đây (tăng 26,09%)...

Ở hướng ngược lại, các nhóm có mức sụt giảm mạnh là xăng dầu và các sản phẩm từ dầu mỏ (giảm 75,76%); máy quang học, dụng cụ đo lường, thiết bị y tế, đồng hồ, nhạc cụ và phụ kiện các loại (giảm 38,44%)…

Về nhóm ngành hàng nhập khẩu từ Singapore vào Việt Nam, hiện 13/21 nhóm ngành hàng nhập khẩu khác có mức tăng trưởng dương, trong đó có nhóm kim ngạch nhập khẩu lớn nhất là máy móc, thiết bị, điện thoại di động, linh kiện và phụ tùng các loại có mức tăng khá tốt (kim ngạch hơn 1 tỷ SGD, tăng 12,30%), một số nhóm có mức tăng khá cao như nhựa và các sản phẩm từ nhựa (tăng 48,45%); Giấy và các sản phẩm từ giấy (tăng 55,85%); thuốc lá và các sản phẩm thay thế thuốc lá (tăng 52,33%).

Thương vụ Việt Nam tại Singapore đánh giá, thương mại 7 tháng qua của Singapore với thế giới vẫn chưa có sự cải thiện, xuất nhập khẩu tiếp tục sụt giảm 2 chữ số.

Ngày 11/8/2023 vừa qua, Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore (MTI) đã chính thức hạ dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2023 của nước này xuống mức 0,5 – 1,5% (so với dự báo cũ là 0,5 – 2,5%).

Nguyên nhân được MTI đưa ra là nền kinh tế Mỹ và châu Âu được dự báo sẽ tăng trưởng thấp hơn đáng kể trong những tháng còn lại do lãi suất cao và thị trường lao động ảm đạm khiến mức tiêu dùng hạ thấp.

Trong khi đó kinh tế Trung Quốc sau đại dịch không phục hồi mạnh như dự báo do vấn đề của thị trường bất động sản và nhu cầu bên ngoài thấp. Các nhân tố này đã và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến động lực tăng trưởng của kinh tế Singapore.

Mặc dù các chỉ tiêu về kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Singapore vẫn ở mức âm, tuy nhiên đã bắt đầu xuất hiện một số tín hiệu tích cực. Cụ thể, xuất khẩu của tháng sau so với tháng liền kề trước đó đã được cải thiện nhẹ ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu.

Hương Lan