Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong giảm thiểu carbon

Nhằm thúc đẩy đối thoại giữa doanh nghiệp và các tổ chức xã hội trong lĩnh vực CSR/CSV hướng đến các mục tiêu Phát triển bền vững, đồng thời nâng cao nhận thức của các bên về CSR/CSV, hành động vì khí hậu, giảm thiểu carbon, sáng ngày 18/8, RED Communication đã tổ chức Hội thảo chủ đề “Hợp tác doanh nghiệp & tổ chức xã hội trong giảm thiểu carbon: Xu hướng & Cơ hội” tại Hà Nội.
13-1645070314-kinh-te-xanh-ktmt-1-1692347578.jpg
Tăng cường hợp tác giữa doanh nghiệp và tổ chức xã hội trong giảm thiểu carbon. Ảnh minh họa

Biến đổi khí hậu (với nguyên nhân chính từ sự gia tăng phát thải khí CO2 và các khí nhà kính khác), hiện tượng thời tiết cực đoan, thực trạng môi trường là những thách thức toàn cầu lớn hiện nay, đặt ra yêu cầu hành động mạnh mẽ trong thay đổi trong thói quen sản xuất và tiêu dùng, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Các từ khóa “giảm thiểu carbon”, “phát thải ròng bằng 0 (net-zero)” và “trung hoà carbon”, “hành động khí hậu”, “thị trường tín chỉ carbon”... ngày càng thu hút sự quan tâm của cả khối doanh nghiệp, chính phủ, tổ chức xã hội và cộng đồng.

Tại Việt Nam, cam kết của Chính phủ trong Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu Quốc gia về mục tiêu net-zero vào năm 2050 cùng với những quy định trong thương mại quốc tế vừa là động lực vừa là yêu cầu bắt buộc cho khu vực doanh nghiệp. Mặt khác, ở cấp độ địa phương, Nghị quyết 98/2023/QH15 về Thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh mở ra những tiềm năng, cơ hội từ việc thí điểm cơ chế tài chính mới liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính và tín chỉ carbon.

Trong bối cảnh trên, lộ trình xanh hoá Việt Nam và phát triển bền vững đòi hỏi sự vào cuộc của toàn nền kinh tế, đặc biệt là sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời thúc đẩy cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp và tổ chức xã hội hiệu quả hơn, tăng khả năng tác động, lan tỏa để tạo giá trị chung (CSV - creating shared value).

Tại nhiều quốc gia phát triển, hợp tác tạo giá trị chung (CSV) đã trở thành xu hướng mới so với CSR truyền thống khi doanh nghiệp biến các thách thức xã hội, môi trường trở thành cơ hội, chiến lược kinh doanh bền vững. Hợp tác giữa doanh nghiệp và tổ chức xã hội đóng góp tích cực trong mục tiêu giảm phát thải và bảo vệ môi trường, tạo động lực thúc đẩy hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, nâng cao vị thế, uy tín thương hiệu và hướng tới đạt được lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường bền vững.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Brenda Candries - đại diện của Phái đoàn EU tại Việt Nam, EU coi trọng việc hợp tác với các tổ chức xã hội và các hiệp hội của khu vực tư nhân để đạt sự phát triển bền vững và bao trùm, thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong mọi lĩnh vực hợp tác. Do đó, sự liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và tổ chức xã hội để mang lại cơ hội kết nối và xây dựng mạng lưới, nhằm bảo đảm chuỗi giá trị toàn cầu có khả năng chống chọi và bền vững hơn.

Bên cạnh đó, bà Brenda Candries nhấn mạnh, EU đang đề xuất đưa ra bộ luật mới về thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp. Tính bền vững là một khía cạnh quan trọng trong quan hệ song phương giữa EU, các quốc gia thành viên EU và Việt Nam. Đề xuất mới về thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp châu Âu được đưa ra hồi tháng 2/2022, sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh và bảo vệ quyền con người tại châu Âu và các khu vực khác.

Do đó, các doanh nghiệp có hợp tác kinh doanh với EU bắt buộc phải tuân thủ các quy định này nếu họ muốn tiếp tục kinh doanh với EU. Đây cũng chính là những thách thức chính đặt ra cho doanh nghiệp Việt Nam, theo bà Brenda Candries là liên quan đến thiếu sót trong nhận thức và hiểu biết; thiếu minh bạch và thiếu khả năng truy xuất nguồn đối với các nhà cung ứng trực tiếp của doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần cần ghi nhớ và có các hành động đối phó thích hợp trong thời gian tới.

Đông Nghi