Sử dụng các nền tảng trực tuyến nâng cao hiệu quả xuất khẩu vào thị trường Mỹ

Hoạt động mua sắm trực tuyến là xu thế trong tương lai ở Mỹ khi tổng doanh số thương mại điện tử ở Hoa Kỳ 2022 đạt mức 1,03 nghìn tỷ USD, nên doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt xu hướng này để phát triển xuất khẩu.
ca-tra-1693894719.jpg
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Ảnh minh họa

Tính đến hết tháng 6 năm 2023, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 11 (cùng kỳ năm ngoái Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 7) của Mỹ với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 57,6 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 2,3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Mỹ. Xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt 52,8 tỷ USD (chiếm xấp xỉ 3,47% tổng nhập khẩu của Hoa Kỳ); nhập khẩu từ Mỹ đạt 4,9 tỷ USD.

Việt Nam duy trì xuất siêu sang Mỹ và hiện tại đạt 47,9 tỷ USD, xếp thứ 3 trong số các nước có thặng dư thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ (sau Trung Quốc với 130,4 tỷ USD và Mexico với 75,5 tỷ USD) (theo số liệu Hải quan Mỹ).

Mặc dù vậy, phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam vẫn xuất khẩu sang Mỹ theo các kênh mua bán truyền thống và hiện nay kênh thương mại này đã có xu hướng giảm sút, đặc biệt là thời gian đại dịch, và sau đại dịch COVID-19.

Trong khi đó, theo dữ liệu từ Statista, trong khi thương mại bán lẻ truyền thống toàn cầu đã liên tục suy giảm thời gian gần đây (từ năm 2012) thì thương mại điện tử đã liên tục tăng và dự báo thương mại bán lẻ trực tuyến tăng 6,29% từ giai đoạn (2021-2025). Cũng theo dữ liệu của tổ chức này, Mỹ là động lực chính thúc đẩy sự trỗi dậy của thương mại điện tử toàn cầu, với tổng doanh số thương mại điện tử ở Hoa Kỳ 2022 đạt mức 1,03 nghìn tỷ USD, lần đầu tiên vượt qua 1 nghìn tỷ USD, chỉ đứng sau Trung Quốc, với số lượng giờ truy cập internet bình quân của người dân hơn 7 giờ/ ngày và tỉ lệ người dùng Internet để mua sắm hàng tuần lên tới 57,8.

Hơn nữa, hoạt động mua sắm trực tuyến cũng được đánh giá là xu thế của mua sắm trong tương lai của Mỹ. Chính vì vậy, trong thời gian tới, cơ hội bán hàng trực tuyến vào thị trường này còn nhiều dư địa để phát triển. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải nắm bắt xu hướng này để phát triển xuất khẩu, tạo ra kênh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ cạnh tranh hơn qua các nền tảng trực tuyến, ngoài cách kênh truyền thống đến với khách hàng Mỹ.

Bằng cách tiếp cận này, các công ty Việt Nam có thể tìm kiếm, hiểu thêm khách hàng mới ở Mỹ, thâm nhập thị trường này với chi phí thấp, thực hiện công việc kinh doanh 24/7, xây dựng nhận thức về thương hiệu, theo dõi được doanh số bán hàng trong thời gian thực tế, hiểu hơn về các nhu cầu mà khách hàng tại thị trường này đang tìm kiếm qua các công cụ trực tuyến. Giá rẻ không phải là lợi thế cạnh tranh duy nhất mà đó là sự hiểu sâu về khách hàng thông qua phân tích dữ liệu, thế mạnh về kho vận, hậu cần và năng lực hạ tầng tính toán, hoạt động kinh doanh không chỉ xoay quanh sản phẩm hay đối thủ cạnh tranh mà phải xoay quanh khách hàng....

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này buộc doanh nghiệp Việt Nam phải có sự thay đổi tư duy, đầu tư về công nghệ, chuyển đổi số dựa trên các nền tảng trực tuyến, có sự hiểu biết về nhu cầu thương mại điện tử, các xu hướng, các quy định của thương mại liên quan đến thương mại điện tử của Mỹ và đặc biệt phải có cách tiếp cận phù hợp, hiệu quả.

Đông Nghi