1. Người không có kỷ luật nhất mà tôi từng gặp
Nhiều năm trước, tôi gặp Lệ trong nhóm văn học thời đại học. Vào thời điểm đó cô ấy đã tốt nghiệp nhưng vẫn chưa đi làm, hàng ngày quanh quẩn trong căn phòng 30 mét vuông, không rời khỏi phòng nửa bước. Gia đình vẫn chu cấp hàng tháng cho cô đầy đủ, sợ cô làm việc vất vả. Cô chẳng quan tâm bất cứ chuyện gì xảy ra xung quanh mình.
Vào thời đó Internet chưa phát triển như bây giờ. Thế nhưng những tiểu thuyết ngôn tình, hoang tưởng… lại đầy nhan nhản. Cô ấy chìm đắm trong đống tiểu thuyết, tưởng tượng mình là những nhân vật nữ chính trong truyện, là một tiểu thư con nhà danh giá nào đó hay một nữ anh hùng. Đối mặt với những khó khăn, những điều không như ý trong cuộc sống, cô ấy không tìm cách giải quyết, mà chỉ đắm mình trong những câu chuyện, để có cảm giác được xoa dịu, để trốn tránh đi thực tại.
Ngày ngày chìm đắm đến nỗi mắc chứng ảo giác, đồng hồ sinh học bị đảo lộn, rối loạn các chức năng trong cơ thể, rối loạn các chức năng tiêu quá, mắt làm việc quá mức… cơ thể rơi vào trạng thái kiệt quệ trầm trọng và một lần nữa cô lại trở về với bố mẹ và trở thành gánh nặng của họ, những mái tóc đã bạc đi nhiều.
Sống không có kỷ luật, làm con người ta mụ mị, cố gắng lê lết từ ngày này qua ngày khác, lãng phí cuộc sống một cách vô nghĩa. Đến lúc quay đầu lại, cả sức lực và trí tuệ đều đã chìm nghỉm trong những quen thuộc của những chuỗi ngày buông thả!
2. Chúng ta đã không có kỷ luật như thế nào?
Trong giờ học, giờ làm cũng lướt Phây - búc, chơi điện tử, xem phim đọc truyện ngôn tình; ăn uống thất thường, ăn đồ ăn nhanh; không luyện tập thể dục thể thao và cũng chẳng có thói quen đọc sách; thức trắng đêm, sáng dậy muộn, lại lật đật vội vội vàng vàng đến công ty cho có mặt rồi lại đi ăn sáng… dường như đối với chúng ta thời gian chẳng thể nào đủ, và rồi một tâm hồn trống rỗng dần dần nuốt chửng đi chính bản thân chúng ta.
Khi còn trẻ tôi vẫn luôn cho rằng tự do chính là làm những gì mình muốn, sau này mới hiểu kỷ luật mới chính là điều mang lại tự do đích thực cho chúng ta. Trong cuốn “Tôi nói gì khi nói về chạy bộ” Haruki Mukarami đã viết: “Khi kỷ luật đã trở thành một thói quen bản năng, bạn sẽ cảm nhận được niềm vui của nó”. Ông tự đặt ra cho mình “bộ luật” của cuộc sống: ngủ sớm dậy sớm, không nói những lời nản lòng, không phàn nàn, không viện cớ, mỗi ngày chạy bộ 10 km, mỗi ngày kiên trì viết 10 trang giấy, lặp đi lặp lại liên tục.
Ngủ sớm dậy sớm, chính là quy tắc làm việc và nghỉ ngơi, lúc nên thức dậy thì thức dậy, lúc nên làm việc thì làm việc, hiểu cách thư giãn và nghỉ ngơi. Không nói những lời nản lòng, chính là không ngừng cổ vũ bản thân, không lười nhác bất kì giây phút nào. Không phàn nàn, kêu ca, chính là duy trì một tâm thái tích cực, đem lại những hiệu quả tốt cho tâm lý. Đối với ông, việc kiên trì chạy bộ và viết cũng giống như một ngày ba bữa đầy đủ, nhất định phải hoàn thành. Khi kỷ luật trở thành một thói quen, một phương thức của cuộc sống, thì tính cách và trí tuệ của ta cũng sẽ trở nên hoàn thiện hơn.
3. Những ai đang sống mà không có kỷ luật, cũng giống như là đang tự mua dây buộc mình
Văn hào Áo Stefan Zweig từng viết: “Thời điểm đó cô còn quá trẻ người non dạ, không biết rằng cuộc đời sẽ còn gửi cho mình những món quà gì mà đã tự mình định giá chúng…”. Đắm mình trong những cuộc vui, buông thả cho những ham muốn của bản thân, nhìn vào thì có vẻ như bạn đang “sống theo cách riêng của mình”, nhưng thực chất bạn lại lờ đi một điều: mỗi hành vi không có kỷ luật, đều sẽ đem lại những nỗi đau lớn hơn nỗi đau của việc ép mình vào kỷ luật rất nhiều.
Có một câu nói như thế này: “Tự kỷ luật là công cụ quan trọng nhất để giải quyết những vấn đề, cũng là con đường thiết yếu nhất để loại bỏ đi những đau khổ của con người”. Có rất nhiều người cứ sống mà chẳng có mục đích gì, chẳng có mục tiêu gì để bản thân nỗ lực, lãng phí cả một đời, rồi lại ngồi lướt facebook ngưỡng mộ cuộc sống của người này, người kia, nhưng lại chẳng có dũng cảm để thay đổi bản thân, để tiến lên phía trước, để mình được như họ, hay đúng hơn là để mình vượt qua chính mình.
Đến khi bạn có kỷ luật với chính bản thân mình, đạt được mục tiêu bấy lâu nay mà mình đặt ra, bạn mới đột nhiên nhận ra rằng: Thế giới dường như thân thiện với mình hơn. Những người sống có kỷ luật, bởi vì thấy được giá trị lâu dài mà hi sinh đi những giá trị ngắn hạn, kéo dài hơn sự thỏa mãn của bản thân, để từ đó họ có thể chủ động kiểm soát cuộc sống của chính mình. Hãy nghiêm khắc với hiện tại một chút, để kỷ luật trở thành một thói quen, rồi bạn của tương lai sẽ cảm ơn chính bạn của hiện tại.