Là một trong những hộ dân ở bản Pàn Ngùa, xã Tô Múa, gia đình ông Hà Văn Sơn được thừa hưởng hơn 100 cây chè cổ thụ từ thế hệ ông cha. Lâu nay gia đình ông Sơn vẫn xem những cây chè này như mọi cây chè bình thường khác, số chè thu hái về cũng chỉ để gia đình dùng hoặc cho người thân, bạn bè. Bản thân ông Sơn cũng không biết rõ nguồn gốc của giống chè này từ đâu, chỉ biết là do những người Mông, người Dao trồng từ xa xưa.
Ông Hà Văn Sơn chia sẻ, các thế hệ trước kể lại, tính đến nay khu vực trồng chè này được trồng khoảng 200 năm. Riêng vườn chè của nhà ông Sơn có hơn 100 gốc. Hiện tại mấy anh em trong gia đình ông Sơn đang sở hữu, cùng nhau chăm sóc, thu hái và sử dụng.
Đoàn công tác của Hội đồng Cây Di sản Việt Nam đã đến xã Tô Múa để khảo sát, đánh giá; trong quần thể khoảng hơn 2.000 cây chè cổ thụ, Đoàn khảo sát đã lựa chọn 105 cây đủ điều kiện công nhận “Cây Di sản Việt Nam”, số cây còn lại cũng được đưa vào tổng thể vùng cây chè cổ thụ cần được gìn giữ, bảo tồn.
Ông Lê Huy Cường, Trưởng ban Kỹ thuật Hội đồng Cây Di sản Việt Nam cho biết, đây là vùng chè thứ 6, thứ 7 ông đến khảo sát. Nhìn chung tất cả các vùng chè cổ, cây cổ thụ đều đẹp, rất xứng đáng để mình tôn vinh là “Cây Di sản VIệt Nam”. Đây là cả một quần thể rất đẹp, tất cả những nơi được công nhận là quần thể chè Di sản đều là những điểm du lịch rất có giá trị.
Ngoài thu hoạch búp chè, người dân có thể phát triển thành điểm, khu du lịch. Nếu được quan tâm đầu tư đúng mức, đúng cách đây sẽ là khu du lịch sinh thái để mọi người có thể đến chiêm ngưỡng những cây chè cổ này. Nhờ đó, người dân sẽ có thêm thu nhập từ việc bán chè và du khách đến tham quan.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, giống chè cổ thụ chè trên mảnh đất Tô Múa, Vân Hồ là giống chè Shan Tuyết có nguồn gốc từ Trung Quốc. Chè được trồng trên các vùng núi cao khoảng 1.500 m so với mặt nước biển với khả năng chịu nắng, chịu sương cao. Chè càng lâu năm thì càng có giá trị đối với sức khỏe con người.
Trước đây, người dân trồng chè ở xã Tô Múa chỉ quen với việc thu hái, sao, ủ ướp thủ công. Tuy nhiên, vừa qua một số doanh nghiệp, công ty đã đến địa phương xây dựng nhà máy chế biến chè, bước đầu đã bao tiêu sản phẩm cho người trồng chè, giúp người dân có thu nhập ổn định hơn.
Ông Bùi Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty chè Hưng Phát cho hay, ngoài việc thu mua diện tích chè khác của các hộ dân trên địa bàn xã Tô Múa, công ty sẽ thu mua và chế biến sản phầm từ những cây chè cổ thụ, để khách hàng ở nhiều nơi biết đến cây chè này. Cây chè ở đây có giá trị cao, có thể làm Hồng Trà, Bạch Trà hoặc Trà Shan Tuyết cổ thụ; tiềm năng của những cây chè cổ thụ này rất lớn, sẽ đem lại hiệu quả kinh tế, lợi nhuận cao cho bà con tại địa phương.
Ông Thái Bá Sinh, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ thông tin, đây được coi là sản phẩm chè đặc trưng, đặc sản của huyện Vân Hồ. Phòng Nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện hướng dẫn người dân chăm sóc, bảo vệ những cây chè cổ thụ này để có thể sản xuất, chế biến thành sản phẩm OCOP của địa phương.
Cùng đó, huyện sẽ tiếp tục quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thành khu quần thể chè, hướng tới việc đây sẽ là điểm du lịch mới của huyện để giới thiệu cho du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, thưởng thức sản phẩm đặc trưng của vùng chè cổ thụ này.
Bảo tồn cây xanh nói chung và cây Di sản nói riêng là có ý nghĩa không chỉ đối với chiến lược bảo tồn phát triển bền vững đa dạng sinh học của Việt Nam mà còn có ý nghĩa khơi dậy lòng trân quý thiên nhiên của cả cộng đồng. Người dân xã Tô Múa, Vân Hồ đang kỳ vọng với những cây chè cổ thụ mà ông cha để lại, trong tương lai sẽ góp phần làm giàu đẹp cho mảnh đất quê hương./.