Sơn La đẩy mạnh thu hút đầu tư phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản

Tỉnh Sơn La hiện là một trong những vùng nông sản, rau quả lớn nhất cả nước. Toàn tỉnh có 17 nhà máy, hơn 540 cơ sở chế biến nông sản. Tỉnh Sơn La đang mời gọi, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư phấn đấu trở thành trung tâm chế biến nông sản vùng Trung du, miền núi phía Bắc.
che-bien-nong-san-son-la-3-1721633208.jpg
Tỉnh Sơn La hiện là một trong những vùng nông sản, rau quả lớn nhất cả nước. . (Ảnh minh họa)

Công nghiệp chế biến phát triển cả về số lượng và chất lượng

Hiện nay, toàn tỉnh có 17 nhà máy, 543 cơ sở chế biến nông sản, mỗi năm, công suất chế biến từ vài chục đến hàng nghìn tấn xoài, nhãn, cà phê, sắn, dứa, mận hậu, ngô ngọt, chuối, mắc ca, quả sơn tra, chanh leo, các loại rau, củ... góp phần giảm áp lực tiêu thụ quả tươi, nâng cao giá trị nông sản.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều sản phẩm công nghiệp chế biến nông sản tăng so với cùng kỳ, như: chè sơ chế tăng hơn 22,%; sữa tươi tiệt trùng tăng trên 8%; đường kính, tinh bột sắn... Giá trị hàng hóa nông sản chế biến tham gia xuất khẩu ước đạt 95,1 triệu USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Văn Bắc, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Lĩnh vực công nghiệp chế biến tỉnh Sơn La có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Quy mô sản xuất mở rộng, từng bước áp dụng công nghệ chế biến mới, tiên tiến, hiện đại. Đối với các dự án đầu tư mới, đã kiểm soát chặt chẽ việc lựa chọn công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, công nghệ xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn. Lực lượng lao động công nghiệp, ngày càng được nâng cao về số lượng, trình độ kỹ thuật, tay nghề chuyên môn, ý thức tổ chức kỷ luật lao động.

Trung tâm chế biến rau, quả xuất khẩu Doveco, huyện Mai Sơn sau hơn một năm đi vào hoạt động, hiện nay đã liên kết với các công ty, HTX, tổ hợp tác trên địa bàn các huyện để phát triển gần 1.300 ha ngô ngọt, dứa, chanh leo, rau chân vịt, đậu tương rau đáp ứng nguyên liệu cho chế biến. 6 tháng đầu năm 2024 tổng sản lượng các loại nông sản trung tâm đã thu mua chế biến đạt trên 14.000 tấn. Đặc biệt, trong vụ xoài, Trung tâm thu mua 6.440 tấn xoài đưa vào chế biến.

che-bien-nong-san-son-la-2-1721633251.jpg
Trong 6 tháng đầu năm 2024, giá trị hàng hóa nông sản chế biến tham gia xuất khẩu ước đạt 95,1 triệu USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước. (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có các nhà máy chế biến nông sản hoạt động hiệu quả, không ngừng mở rộng phát triển vùng nguyên liệu theo chuỗi liên kết, như: Công ty Cổ phần Mía đường Sơn La ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ mía với gần 10.000 hộ; các doanh nghiệp, HTX tham gia liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê với 12.000 hộ;

Công ty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu liên kết với gần 513 hộ trong chăn nuôi và hàng trăm hộ nông dân trong trồng ngô để phục vụ cho Nhà máy TMR... Các sản phẩm ngoài phục vụ thị trường trong nước, đã xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Bên cạnh rau quả, Sơn La được biết đến với thế mạnh lớn cây cà phê. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 20.000 ha cà phê Arabica, chiếm 41,2% diện tích cà phê Arabica của cả nước; có 9 cơ sở chế biến cà phê quy mô công nghiệp; 5 đơn vị tham gia chế biến sâu sản phẩm cà phê, tạo việc làm cho lao động địa phương, tạo nguồn cà phê chất lượng, phục vụ thị trường.

Với sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền địa phương, các sở, ban ngành của tỉnh và các doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm 2024, giá trị hàng hóa nông sản chế biến tham gia xuất khẩu ước đạt 95,1 triệu USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước và bằng 50,9% kế hoạch năm.

Hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án chế biến nông sản

Để sản xuất sản phẩm ngày một đa dạng, tỉnh Sơn La đang tiếp tục đôn đốc các nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục liên quan đến dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư. Hiện, tỉnh đã tiếp nhận, cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư 2/4 dự án, gồm: Dự án Nhà máy sản xuất ngũ cốc ăn liền và hoa quả sấy do Công ty Cổ phần Sản xuất và thương mại đầu tư VFI và dự án Nhà máy chế biến tinh bột biến tính BHL Sơn La do Công ty cổ phần chế biến nguyên liệu thực phẩm BHL làm nhà đầu tư.

Thúc đẩy phát triển chế biến sâu, thời gian tới, UBND tỉnh tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai đưa vào vận hành các dự án được cấp chủ trương đầu tư; đẩy mạnh thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh; hoàn thiện hệ thống các kênh tiêu thụ sản phẩm nông sản kết nối chặt chẽ theo chuỗi giá trị.

Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các HTX, hộ dân đầu tư phát triển các kho bảo quản, kho lạnh, cơ sở chế biến có quy mô vừa và nhỏ, giảm sức ép việc tiêu thụ sản phẩm quả tươi.

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được tham gia đề xuất đặt hàng, chủ trì các nhiệm vụ khoa học công nghệ của tỉnh, nhất là phát triển sản xuất, chế biến nông sản. Rà soát, tư vấn, hướng dẫn các cơ sở công nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhu cầu chế biến nông sản đăng ký hỗ trợ theo chính sách khuyến công năm 2025.

che-bien-nong-san-son-la-5-1721633193.jpg
Tỉnh Sơn La tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, chế biến nông sản. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Thành Công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cho biết, địa phương đang tiếp tục thu hút nhà máy chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần triển khai Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao cho tỉnh đó là xây dựng Sơn La trở thành Trung tâm chế biến nông sản Trung du và miền núi phía Bắc.

"Sơn La là tỉnh Tây Bắc, xa thủ đô, đường xá còn khó khăn, nên khi xây dựng nhà máy với các doanh nghiệp ngoài tỉnh rất chú ý đến logistic, chi phí vận chuyển... Để thu hút được các nhà máy, Sơn La đang rất cố gắng, vừa rồi đã trình Chính phủ có được tuyến đường cao tốc, đang cố gắng hoàn thiện để làm sao đảm bảo hạ tầng giao thông. Thứ 2 là chính sách, nghị quyết, hỗ trợ sản xuất đầu vào, màng, giống, cho các HTX, doanh nghiệp, nông dân, để xây dựng vùng nguyên liệu cho các nhà máy...", ông Nguyễn Thành Công chia sẻ./.

Bình Châu