Sở hữu nhà thứ 2 tại TP.HCM có thể chịu phí trước bạ tối đa 1 tỷ đồng

TP.HCM vừa đề xuất hai phương án tăng mức thu thuế liên quan đến nhà và đất thứ 2 trở lên cho Bộ Kế hoạch Đầu tư thẩm định trước khi trình Chính phủ.

UBND TP.HCM vừa xin ý kiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hoàn thiện dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 (Nghị quyết 54) của Quốc hội về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển thành phố.

Trước đó, tháng 12/2022, UBND thành phố trình lên Chính phủ việc xây dựng Nghị quyết về cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM, thay thế Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội. Dự thảo lần này có nhiều cập nhật so với bản trình Chính phủ vào tháng 12/2022, trong đó đáng chú ý là đề xuất thu thuế nhà đất thứ 2 trở lên với 2 phương án.

Phương án 1: Thí điểm thu thuế đối với nhà ở và đất ở, mà người có quyền sử dụng đất hoặc sở hữu nhà ở không trực tiếp sử dụng để ở cho cá nhân và gia đình, tức nhà đất thứ 2 trở lên. Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về căn cứ tính thuế, thuế suất, phương pháp tính thuế và thời gian áp dụng.

Phương án 2: Chấp thuận cho TP.HCM tăng mức thu liên quan đến nhà đất thứ 2 trở lên, như: Lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ hai trở lên; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên.

Mức tăng do HĐND Thành phố quyết định, gồm: thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với đất ở (không quá 5 lần mức hiện hành) và thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên (không quá 2 lần mức hiện hành); tăng tỷ lệ thu lệ phí trước bạ khi mua, nhận chuyển nhượng nhà đất thứ 2 trở lên từ mức 0,5% giá trị chuyển nhượng lên mức 2% và mức tối đa chuyển nhượng một hồ sơ từ mức 500 triệu đồng lên 1 tỷ đồng.

dji-0183-6963-1643720078-1675579388.jpeg

Một góc thị trường bất động sản phía Đông TP.HCM nhìn từ trên cao. Ảnh minh hoạ

TP.HCM đề xuất đưa 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu thuế nhà đất thứ 2 trở lên vào ngân sách thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và Thành phố cho đến hết thời gian thực hiện nghị quyết.

Theo UBND TP.HCM, nếu không ban hành cơ chế đặc thù thu thuế nhà đất thứ 2 trở lên thì Thành phố chưa giải quyết được vấn đề thực tiễn về điều tiết tình trạng đầu cơ nhà đất trên địa bàn. Thu thuế nhà đất thứ 2 trở lên sẽ có 3 thách thức cho TP.HCM, đó là: Phải đảm bảo điều chỉnh bất cập trong hệ thống thuế hiện hành vì chưa phân biệt rõ đối với tài sản thứ 2 trở lên; phải đảm bảo điều chỉnh đúng đối tượng; rà soát cơ sở dữ liệu về nhà ở, định giá nhà đất, thông tin nhà đất trên phạm vi một địa phương và sự liên kết thông tin với các địa bàn khác.

Đối với phương án 1, TP.HCM cho rằng khi thực hiện sẽ tác động sâu rộng đến người dân. Do vậy, cần tính toán cụ thể.

Với phương án 2, trước mắt có thể điều chỉnh hành vi đầu cơ nhà đất trên địa bàn. Từ đó, làm tiền đề cho việc ban hành sắc thuế mới.

Để xác định đối tượng thu và mức thu thuế nhà đất thứ 2 trở lên, cần phải có cơ sở dữ liệu liên quan đến bất động sản trên địa bàn Thành phố. Những thông tin tối thiểu cần có như: Thông tin chủ sở hữu, sử dụng nhà đất, bao gồm cả các đồng sở hữu, đồng sử dụng; thông tin địa chính, lịch sử chuyển nhượng của nhà đất.

Theo TP.HCM, đây là những nội dung cần sự phối hợp giữa Thành phố và các cơ quan Trung ương. Thành phố sẽ tích cực triển khai thu thập thông tin để làm cơ sở đề xuất ban hành cụ thể chính sách. Từ những phân tích về tác động của chính sách thu thuế đối với nhà đất thứ 2 trở lên như nói trên, TP.HCM kiến nghị lựa chọn phương án 2.

Theo quy trình, sau khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét và cho ý kiến, dự thảo được gửi lên Chính phủ để trình Quốc hội./.

Trước đó, ngày 24/11/2017, Quốc hội ban hành Nghị quyết 54 với 5 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh nhằm tạo động lực mới để "siêu đô thị" bứt phá đi lên. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, Thành phố chưa nhận được kết quả như mong đợi do nhiều vướng mắc từ bộ ngành. Hầu hết chính sách đặc thù về quản lý tài chính nhằm tăng nguồn thu như cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nguồn thu từ đấu giá tài sản công chưa thể thực hiện...

Thi Nguyên (t/h)