Chuyển đổi số nông nghiệp góp phần chuyển đổi hệ thống nông sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, giúp giải quyết bài toán về năng suất để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, qua đó giúp cho ngành nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững. Do đó, chuyển đổi số là giải pháp cho những khó khăn mà nông nghiệp và nông thôn Việt Nam đã, đang và sẽ đối mặt.
Nền tảng của nông nghiệp minh
Thuật ngữ “chuyển đổi số” (digital transfomation) được đề cập đến khá nhiều trong nghiên cứu và thực tiễn hiện nay. Các nghiên cứu ở nước ta nhìn chung đều cho rằng, chuyển đổi số là bước phát triển tiếp theo của tin học hóa, có được nhờ sự tiến bộ vượt bậc của công nghệ mới, mang tính đột phá, nhất là công nghệ số. Trong nông nghiệp, chuyển đổi số là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, giúp hình thành nông nghiệp số, nông nghiệp thông minh.
Với việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, tỷ trọng nông nghiệp trong GDP ngày càng giảm, nhưng nông nghiệp lại có vai trò đặc biệt quan trọng. Năm 2022, bất chấp tác động của dịch Covid-19, biến đổi khí hậu và các thách thức khác, xuất khẩu nông nghiệp Việt Nam đạt kỷ lục 52,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021; trong 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp cả nước đạt 24,59 tỷ USD.
Tại Hội thảo “Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức ngày 17/08/2023, ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, trong mọi giai đoạn, nông nghiệp Việt Nam luôn được coi là bệ đỡ của nền kinh tế. Ngành nông nghiệp nước ta hiện đang có những điều kiện thuận lợi để phát triển.
“Chuyển đổi số giúp nông dân, trang trại, hợp tác xã, DN nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận, hiệu quả sản xuất cao hơn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị. Chuyển đổi số là giải pháp hữu hiệu để khắc phục điểm yếu cố hữu là sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và thiếu liên kết”
(Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương)
“Hiện Việt Nam đã tham gia và đang đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do. Đây cơ hội lớn cho xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam. Bên cạnh đó, việc tham gia vào các FTA thế hệ mới cũng đòi hỏi người dân và doanh nghiệp tự nâng cao năng lực, áp dụng công nghệ để đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cao không chỉ đối với chất lượng sản phẩm, mà còn cả về mẫu mã và các tiêu chuẩn về môi trường|”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết.
Để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, việc ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số vào các công đoạn sản xuất, chế biến, phân phối nông sản đang là yêu cầu cấp bách. Hiện tỷ lệ nông dân Việt Nam sử dụng Internet hằng ngày khá cao. Đây là một trong những thuận lợi giúp nông dân ứng dụng số hóa vào sản xuất. Việc ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ giúp sản phẩm nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đáp ứng được đòi hỏi của thị trường về tính minh bạch trong quá trình sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm mà chuyển đổi số còn giúp nông dân gia tăng giá trị, hiệu quả của sản phẩm nông, lâm, thủy sản.
Chặng đường dài hơi
Mặc dù đang là yêu cầu cấp bách, việc “số hóa” nền nông nghiệp cũng đã có những điều kiện thuận lợi, tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó đáng chú ý là điều kiện cơ sở hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu; quy mô ứng dụng chuyển đổi số còn hạn chế, chưa đồng bộ giữa các vùng, miền, địa phương; diện tích canh tác nhỏ; các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số chưa nhiều; chất lượng nguồn nhân lực có chuyên môn cao trong nông nghiệp số còn hạn chế…
“Do đó, quá trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ của các cơ quan quản lý nhà nước tại cấp Trung ương, địa phương còn là sự vào cuộc của các doanh nghiệp, người dân và đặc biệt là hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của các cộng đồng quốc tế”, ông Hoàng Trung khẳng định.
Chia sẻ tại Hội thảo “Chuyển đổi số hướng tới nông nghiệp xanh và phát triển bền vững”, ông Patrick Haveman, Phó Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã thực hiện các bước chuyển đổi để thúc đẩy nông nghiệp thông minh với khí hậu kể từ Hiệp định Paris năm 2015. Tuy nhiên, hàng chục triệu nông dân ở Việt Nam đang phải đối mặt trực tiếp với các tác động của khí hậu cực đoan.
“Điều quan trọng là Việt Nam phải tham gia hành động toàn cầu để cắt giảm phát thải khí nhà kính, và do đó, ngành nông nghiệp cũng cần giảm tỷ lệ phát thải carbon. Hy vọng trong tương lai gần, Bộ NN&PTNT có thể đẩy mạnh ứng dụng hệ thống kỹ thuật số trong việc quản lý dấu chân carbon cho tất cả các ngành xuất khẩu chủ lực”, ông Patrick Haveman bày tỏ.
Dân số nông thôn của nước ta hiện khoảng 63 triệu người, chiếm 65,4% tổng dân số. Cho dù không phải tất cả, thì một số lượng rất lớn những người dân sống ở nông thôn đều làm nông nghiệp hoặc làm dịch vụ gắn với nông nghiệp. Ở các nước phát triển, tỷ lệ dân số làm nông nghiệp chỉ là 5 - 7%, thậm chí chỉ là 3 - 5%. Nông nghiệp nước ta sẽ cạnh tranh với thế giới như thế nào khi tỷ lệ nhân lực trong ngành này lớn đến như vậy?
(TS. Nguyễn Sỹ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội)
Với quyết tâm đẩy nhanh tiến trình “số hóa” bệ đỡ của nền kinh tế, trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/06/2020 của Thủ tướng Chính phủ, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chuyển đổi số hệ sinh thái ngành nông nghiệp là chặng đường dài hơi, cần sự tham gia của nhiều bên. Trong đó, vai trò của các cơ quan Đảng, chính quyền Nhà nước có vai trò kiến tạo, tạo hành lang để các bên cùng tham gia; doanh nghiệp, người nông dân là chủ thể tham gia vào quá trình chuyển đổi số này.