Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh và hành trình 20 năm thành lập, phát triển

Ngày 24/10/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh (SHTP) sau Khu Công nghệ cao Hòa Lạc tại Hà Nội. Theo đó, (SHTP) là một khu kinh tế - kỹ thuật được xây dựng và phát triển trên cơ sở công nghệ cao, có tính chất đặc biệt nhằm tập trung thu hút đầu tư nước ngoài.

Với mong muốn lắng nghe các ý kiến của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân trong và ngoài nước cho định hướng phát triển trong giai đoạn tới, góp phần thực hiện mục tiêu đến năm 2030, SHTP trở thành một tiểu Đô thị khoa học, công nghệ, một Trung tâm đổi mới sáng tạo, là hạt nhân của khu Đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP. Hồ Chí Minh, sáng ngày 9/9/2022, SHTP đã tổ chức Hội thảo “Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh - 20 năm hình thành và phát triển: Bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển”.

1-1662710034.jpg
Toàn cảnh Hội thảo “Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh - 20 năm hình thành và phát triển: Bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển”.

Hội thảo nhận được ý kiến tham luận của các diễn giả là nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm trong quản lý các doanh nghiệp, Khu Công viên Khoa học thành công tại Châu Á như: Khu Công viên Khoa học Tân Trúc (Đài Loan); Khu Công viên Khoa học Gyeongbuk (Hàn Quốc); Công ty Sangyo-Times (Nhật Bản). Bên cạnh đó là phiên thảo luận, góp ý về định hướng phát triển SHTP với sự tham gia góp ý của đại biểu khách mời các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cùng doanh nhân trong và ngoài nước.

PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý SHTP cho biết: “Theo thời gian, Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh huy động các nguồn lực trong nước về khoa học và công nghệ cao, hình thành một lực lượng sản xuất hiện đại, kết hợp có hiệu quả giữa sản xuất kinh doanh với nghiên cứu, tiếp thu, chuyển giao, phát triển công nghệ cao và đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho công nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. 

“Hiện nay, Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đang bước sang giai đoạn phát triển mới, trong đó trọng tâm là tập trung phát triển năng lực nội sinh trên cơ sở khai thác các hệ sinh thái ngành mạnh đã hình thành tại Khu Công nghệ cao và tận dụng triệt để các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, PGS.TS Nguyễn Anh Thi nhấn mạnh.

2-1662710068.jpg
PGS.TS Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban quản lý SHTP phát biểu khai mạc Hội thảo “Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh - 20 năm hình thành và phát triển: Bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển”.

Trải qua 20 năm hình thành, xây dựng và phát triển, SHTP đã triển khai đồng bộ 7 phân khu chức năng theo quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển công nghệ cao. Đồng thời, SHTP được đánh giá là Khu Công nghệ cao thành công nhất trong các Khu Công nghệ cao quốc gia với các kết quả nổi bật:

1. Tổng vốn ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng SHTP đến ngày 30/6/2022  là 10.007,3 tỷ đồng, trong đó: Đền bù, tái định cư, an sinh: 4.773,5 tỷ đồng; Quy hoạch, xây dựng hạ tầng: 4.651,5 tỷ đồng; Hạ tầng Khoa học công nghệ, nghiên cứu triển khai - đào tạo - ươm tạo: 476,2 tỷ đồng; Chuẩn bị dự án Công viên khoa học công nghệ: 3,8 tỷ đồng; Các dự án khác: 102,3 tỷ đồng. 
Phân bổ theo nguồn vốn với: Ngân sách Trung ương hỗ trợ: 1.983,3 tỷ đồng; Ngân sách thành phố: 8.024 tỷ đồng. Theo đó, chưa bao gồm nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho hạ tầng viễn thông, nhà xưởng xây sẵn, hậu cần và kho ngoại quan trên 4.499 tỷ đồng.

2. Đến cuối tháng 6/2022, Khu SHTP đã thu hút đuợc 160 dự án (còn hiệu lực), trong đó, 70 dự án sản xuất công nghệ cao; 19 dự án dịch vụ công nghệ cao; 19 dự án nghiên cứu triển khai (R&D); 9 dự án đào tạo, ươm tạo; 23 dự án công nghiệp hỗ trợ công nghệ cao; 9 dự án thương mại, dịch vụ; 11 dự án phát triển hạ tầng. Trong 51 dự án FDI, có thương hiệu của các tập đoàn công nghệ cao nổi tiếng thế giới như: Intel, Jabil (Hoa Kỳ), Nidec, Nipro, NTT (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Datalogic (Italia). 

Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bao gồm cả cấp mới và điều chỉnh tăng vốn là 10,106 tỷ USD/51 dự án (bình quân vốn đầu tư 198 triệu USD/ dự án) và tổng vốn đầu tư trong nước tương đương 1,929 tỷ USD/109 dự án (bình quân vốn đầu tư 17,7 triệu USD/01 dự án). Giải ngân vốn đầu tư thực hiện của doanh nghiệp đạt 5,585 tỷ USD, chiếm 46,4%.

3-1662710111.jpg
PGS.TS Lê Hoài Quốc - Chủ tịch Hội Tự động hóa TP. Hồ Chí Minh (HAuA), nguyên Trưởng Ban quản lý SHTP tham dự Hội thảo “Khu Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh - 20 năm hình thành và phát triển: Bài học kinh nghiệm và định hướng phát triển”.

3. SHTP lấp đầy hơn 85% đất thương mại. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng dần hàng năm, năm 2021 đạt 20,9 tỷ USD (chiếm gần 52% kim ngạch xuất khẩu TP. Hồ Chí Minh), dự kiến năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 23 tỷ USD. Góp phần quan trọng trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng công nghệp công nghệ cao (kim ngạch xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao của SHTP chiếm hơn 50% kinh ngạch hàng xuất khẩu của TP. Hồ Chí Minh). 

Tổng lao động tham gia trong các dự án SHTP tính đến ngày 30/6/2022 là 51.910 người, trong đó có 51.340 lao động trong nước và 570 lao động nước ngoài.

4. Hợp tác với Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, cùng các Viện trường triển khai các hoạt động R&D, đào tạo, ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, đạt được một số kết quả bước đầu. Qua đó hình thành và phát triển năng lực nội sinh về công nghệ cao cho TP. Hồ Chí Minh.

Từ một vùng đất nông nghiệp, phần lớn là ruộng bạc màu, hoang hóa của 6 xã (thuộc huyện Thủ Đức cũ), qua 20 năm đã hình thành một Trung tâm Công nghệ cao quốc gia - nơi tập trung, liên kết hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng công nghệ cao; ươm tạo công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao; đào tạo nhân lực công nghệ cao; sản xuất và kinh doanh sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao với sự có mặt của các dự án công nghệ cao trong và ngoài nước, nhất là dự án từ các tập đoàn công nghệ cao hàng đầu thế giới, đã góp phần cải thiện, nâng cao môi trường đầu tư của thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

4-1662710156.jpg
Mục tiêu đến năm 2030, SHTP trở thành một tiểu Đô thị khoa học, công nghệ, một Trung tâm đổi mới sáng tạo, là hạt nhân của khu Đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP. Hồ Chí Minh.

Đồng thời, SHTP hình thành và phát triển một lực lượng năng lực nội sinh về công nghệ cao, có thể đảm nhận các công việc từ chuyển giao, ứng dụng công nghệ cao, nghiên cứu triển khai (R&D), đào tạo, ươm tạo công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao đến sản xuất sản phẩm công nghệ cao tại SHTP (made in Việt Nam); làm cơ sở lan tỏa công nghệ cao ra bên ngoài và hạt nhân xây dựng khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông TP. Hồ Chí Minh. 

SHTP cũng góp phần quan trọng củng cố lòng tin của người dân thành phố, nhất là cư dân quận 9 (nay là TP. Thủ Đức) nơi triển khai dự án, về chủ trương đúng đắn của Trung ương và TP. Hồ Chí Minh về giải pháp phát triển công nghệ cao trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
                                                                                                                                                                                                           

Đạm Quang Lê