Sâu vẽ bùa và biện pháp phòng trừ trên cây có múi

Cây có múi là loại cây ăn trái mang lại giá trị kinh tế cao, có diện tích trồng rất lớn ở nước ta nhưng lại là những giống cây trồng có nhiều sâu bệnh, trong đó sâu vẽ bùa là một trong những đối tượng gây hại nguy hiểm.
sau-ve-bua-hai-cay-co-mui-min-1694490339.jpg
Lộc non ra bị sâu vẽ bùa hại dẫn đến nhiễm ghẻ loét. Ảnh minh họa

Sâu vẽ bùa có tên khoa học là Phyllocnistis citrella Stainton, họ Phyllocnistidae, bộ Lepidoptera. Sâu vẽ bùa gây hại quanh năm khi cây ra đọt non, gây hại nhiều vào tháng 7,8,9. Mức độ gây hại phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và thức ăn của sâu.

Sâu vẽ bùa có vòng đời trung bình từ 19 đến 38 ngày. Sâu trưởng thành là một loại ngài, hoạt động buổi chiều tối, ngày ẩn nấp phía mặt dưới của lá. Sâu thường đẻ mặt dưới lá, phần lớn nằm ở hai bên gân chính. Trong vòng 2 đến 30 ngày, một con sâu trưởng thành đẻ trung bình từ 70 đến 80 quả trứng.

Ấu trùng mới nở ra chui vào lớp biểu bì để gây hại, ăn phần mô mềm (tế bào nhu mô diệp lục) phía trong lá. Đường đục của ấu trùng sâu vẽ bùa dài, có kích thước tăng dần theo độ lớn của ấu trùng. Ấu trùng đẫy sức sẽ đục ra phía mép lá, hoá nhộng tại mép lá gần gân lá, chỗ lá bị quăn bằng cách dùng tơ gấp lại che tổ kén.

Những lá bị sâu vẽ bùa gây hại bị co lại, biến dạng, quăn queo, ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng và phát triển của chồi non và quá trình quang hợp của lá. Ảnh hưởng đến sinh trưởng và năng suất của cây trồng.

Ở giai đoạn cây con, nếu bị gây hại thường xuyên cây sẽ còi cọc, kém phát triển và có tán nhỏ hơn bình thường. Cây đang trong giai đoạn cho trái, nếu bị sâu gây hại trái sẽ sần sùi, làm giảm giá trị thương phẩm, trường hợp nặng, trái có thể bị rụng.

Để phòng tránh sâu vẽ bùa gây hại, cần thường xuyên theo dõi quan sát thăm vườn bảo vệ các đợt đọt non, phát hiện sâu bệnh kịp thời để có hướng giải quyết. Trường hợp cây bị sâu gây hại nặng, tiến hành cắt tỉa, loại bỏ các cành lá, chồi non đem đi tiêu hủy.

Cần phun phòng cho cây trước mỗi đợt ra lộc non bằng các chế phẩm trừ sâu sinh học phù hợp. Chăm sóc cho cây sinh trưởng tốt, tỉa cành, tạo tán, bón thúc cho lộc non ra tập trung, hạn chế sự phá hại của sâu.

Bón đầy đủ dinh dưỡng cho cây bằng các loại phân hữu cơ, phân bón lá, phân trung vi lượng để giúp nâng cao sức đề kháng của cây trồng, cây trồng phát triển tốt lá to, lớp biểu bì dày khiến sâu non khó xâm nhập lá, hạn chế gây hại. Bên cạnh đó cần bảo vệ và phát triển các loài thiên địch trong vườn như kiến vàng các loại ong ký sinh để loại bỏ sâu vẽ bùa một cách tự nhiên.

Hương Lan