Sau cơn mưa, người dân vào rừng hái nấm để gia tăng thu nhập

Sau những cơn mưa, người dân các huyện miền núi tại tình Quảng Bình lại rủ nhau vào các cánh rừng tràm hái nấm, kiếm thêm thu nhập. Đây là loại nấm được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và tìm mua.
461206540-488049187557680-7690551612896468611-n-1727399201.jpg
Vào rừng hái nấm tràm về bán, người dân có thêm thu nhập.

Những ngày này, từ sáng sớm, người dân thị trấn Giang, Lâm Thủy, Thái Thủy... (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) lại rủ nhau vào rừng tràm để hái nấm. Tại các chợ, các ngả đường người dân bày bán nấm tràm khá nhiều. 

Theo người dân địa phương, sau những cơn mưa, nấm tràm thường mọc trên những thảm lá tràm hoặc gốc tràm mục lâu năm. Loại nấm này mọc tự nhiên, không thể nuôi trồng được trong khi đó mùa nấm ngắn, cây nhanh tàn nên họ phải tận dụng thời gian đi hái cho kịp.

z58611997851061331fca8325b858b071ddfdfb13ab5a7-1727141923697104002318-1727399256.jpg
Nấm tràm thường mọc sau mỗi trận mưa lớn ở lớp lá tràm hoặc thân cây keo tràm bị hoai mục.

Những ngày này, chị Nguyễn Thị Huyền (trú thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy) cùng một số người bạn lại rủ nhau vào rừng tràm để hái nấm. Vào tháng 8, sau trận mưa lớn, trong rừng tràm lại nhú lên những cây nấm mập mạp từ thảm lá tràm. Họ thường rủ nhau mang làn, xô vào rừng tràm để hái. Hàng năm, cứ đến mùa nấm, họ vào các cánh rừng tràm tại địa phương và các xã bên cạnh để hái. Đi hái nấm tràm không chỉ giúp gia đình họ cải thiện bữa ăn mà còn bán để kiếm thêm thu nhập trang trải thêm cho cuộc sống gia đình.

Chị Huyền cho hay: Mỗi ngày, tôi hái được 10 - 15kg nấm. Nếu may mắn gặp được những cánh rừng tràm vừa ra nấm nhiều thì phải hái được cả nửa tạ. Với giá nấm trung bình 30.000 đồng/kg, mỗi ngày tôi kiếm được khoảng 300.000 đồng, thậm chí có ngày cũng được gần 1 triệu đồng. Mùa nấm cũng giúp tôi có thêm thu nhập để sắm sửa áo quần, sách vở cho các con mỗi dịp đầu năm học.

z5866063231511-24a923001f2051333e2ba8f64bea6750-1727399234.jpg
Hái nấm tràm bán giúp người dân có thêm một khoản thu nhập lúc nông nhàn.

Nấm của người dân hái về được các mối quen đặt trước đến lấy hoặc tiểu thương chờ sẵn ở cửa rừng mua ngay hoặc mang ra chợ bán. Với mức giá thấp nhất cũng khoảng 30.000 đồng, có nhiều thời điểm giá loài nấm này lên đến 60.000 đồng/kg.

Nấm tràm là loại nấm chỉ mọc trên những gốc cây tràm hay những thảm lá tràm khô ở các tỉnh như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Phú Quốc... Loại nấm này có màu tím nhạt đặc trưng cùng thân hình tròn trịa, thân nấm không quá dài. Nấm ăn có vị nhẩn đắng.

z5866063233886-7be697262e7f5c4f6206c3f6c147e594-1727399273.jpg
Nấm tràm được người dân hái về.

Người dân cho hay, cây nấm tràm thường chỉ xuất hiện vào 2 mùa trong năm, đó là khoảng tháng 4 và tháng 7, 8 âm lịch.

Nấm xuất hiện khi những trận mưa giông thế chỗ cho tiết trời oi bức. Mùa nấm đến nhanh và cũng nhanh tàn. Loại nấm này mọc tự nhiên, không thể trồng hay cấy như các loại nấm khác. Vì vậy, nấm tràm với vị đắng đặc trưng riêng, đã tạo nên sự hiếm hoi và hấp dẫn riêng.

Bà Trần Thị Thúy (xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cho biết: Vì nấm mọc theo mùa nên nhiều người đã nghĩ đến việc bảo quản nấm được lâu hơn để ăn quanh năm. Theo đó, sau khi hái nấm về, thì sơ chế bằng cách gọt vỏ, luộc qua rồi cấp đông trong tủ lạnh để dùng dần.

z5859596149145373a94da38f99011e8257866b9fe2d66-17271421504581707574139-1727399245.jpg
Người dân bán nấm tràm dọc đường vào các buổi chiều.

Theo người dân địa phương, nấm tràm có thể chế biến được nhiều món ăn ngon như dùng để nấu với rau khoai, ngọn bí, nấu chung với tôm hoặc nấu cháo với cá tươi, xào với thịt... Các món ăn nấu từ nấm tràm có vị đắng đặc trưng, tuy nhiên lại là món ăn khoái khẩu của rất nhiều người.

Ngày nay, khi các cánh rừng tràm ngày càng nhiều thì lượng nấm cũng nhiều hơn. Thường mùa nấm tràm cũng vào khoảng thời gian nông nhàn nên người dân tranh thủ vào hái để kiếm thêm thu nhập./.

Nguyễn Duyên