Quảng Bình quyết tâm bứt phá tăng trưởng từ thu hút đầu tư

Ba tháng đầu năm 2024, tỉnh Quảng Bình đã chấp thuận chủ trương đầu tư 7 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 5.330 tỷ đồng, phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 17 tỷ đồng; thu hút một dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 187 tỷ đồng.
quang-binh-thu-hut-dau-tu-01-1711959979.jpg
Quảng Bình đã và đang nỗ lực tạo sức hút đầu tư trong và ngoài nước tạo động lực tăng trưởng kinh tế. (Ảnh minh họa)

Triển vọng thu hút đầu tư năm 2024

Tỉnh Quảng Bình xác định năm 2024 là năm bứt phá, có ý nghĩa quyết định trong việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Ngay từ những tháng đầu năm, tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp thu ngân sách và tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước.

Trong quý 1 vừa qua, tổng thu ngân sách Nhà nước tại tỉnh Quảng Bình ước thực hiện 1.340 tỷ đồng, đạt khoảng 22% dự toán Trung ương và địa phương giao (tăng 2,6% so với cùng kỳ); trong đó, thu nội địa thực hiện 1.030 tỷ đồng, thu thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện gần 370 tỷ đồng, các khoản huy động, đóng góp hơn 4,4 tỷ đồng.

Ước tính GRDP quý 1 tăng 6,11% so với cùng kỳ năm trước, sản xuất nông nghiệp cơ bản thực hiện theo đúng kế hoạch, công nghiệp phát triển ổn định.

quang-binh-thu-hut-dau-tu-02-1711959963.jpg
Khu Kinh tế Hòn La sẽ là trung tâm động lực tăng trưởng của tỉnh Quảng Bình trong thời gian tới. (Ảnh minh họa)

Riêng trong 3 tháng đầu năm nay, tỉnh Quảng Bình đã chấp thuận chủ trương đầu tư 7 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 5.330 tỷ đồng, phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 17 tỷ đồng; thu hút một dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 187 tỷ đồng; tiếp nhận 4 dự án NGO với tổng vốn cam kết viện trợ hơn 125.000 USD.

Tỉnh Quảng Bình quyết liệt chỉ đạo các địa phương, đơn vị thực hiện các giải pháp tăng thu ngân sách N9hà nước ngày từ những tháng đầu năm, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời, khai thác nguồn thu còn dư địa, tiềm năng; triển khai đồng bộ biện pháp quản lý thuế. Đặc biệt, tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế và quản lý nợ đọng thuế với mục tiêu đạt dự toán thu ngân sách ở mức cao nhất.

Triển khai đồng bộ giải pháp hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp

Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tỉnh Quảng Bình tập trung chỉ đạo, tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chế biến, chế tạo. Đẩy mạnh các dự án Công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp sản xuất điện để đưa vào hoạt động trong năm nay như dự án dây chuyền nghiền ximăng Văn Hóa, các dự án viên nén năng lượng, may QT Quảng Bình, may Tun Power mở rộng, thủy điện La Trọng…

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục triển khai đồng bộ giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp hiện có, dự án mới đầu tư đi vào sản xuất ổn định, khai thác tốt công suất thiết bị và hiệu quả đầu tư nhằm tạo bứt phá và động lực tăng trưởng; đẩy mạnh tiến độ đầu tư dự án công nghiệp lớn đang triển khai, tiếp tục kêu gọi dự án phát triển công nghiệp có giá trị cao.

Song song với tăng thu ngân sách, tỉnh Quảng Bình cũng đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-UBND về tăng cường tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước. Theo đó, cắt giảm, tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm dự toán chi thường xuyên so với dự toán được giao để tăng cho đầu tư hạ tầng chiến lược, y tế, giáo dục, biến đổi khí hậu và an sinh xã hội. Tổng chi ngân sách Nhà nước trên địa bàn đến hết quý 1 năm nay ước thực hiện gần 3.380 tỷ đồng, đạt khoảng 24% dự toán Trung ương và địa phương giao.

quang-binh-thu-hut-dau-tu-03-1711960069.jpg
Kêu gọi đầu tư vào sản xuất điện, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo để sớm đưa công nghiệp trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh Quảng Bình. (Ảnh minh họa)

Nhằm thực hiện có hiệu quả chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài, UBND tỉnh Quảng Bình đặc biệt chú ý đến việc cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương. Theo đó, Quảng Bình đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tinh giảm hóa quy trình, thủ tục trong quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội; đối xử bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài; bảo vệ lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư nhằm nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.

Điểm nhấn của kế hoạch thực hiện chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài của tỉnh Quảng Bình chính là chủ động xây dựng các gói hỗ trợ đầu tư linh hoạt để thu hút các dự án đầu tư lớn, có tác động lan tỏa.

Theo đó, việc xây dựng chính sách thu hút đầu tư nước ngoài phải phù hợp với địa phương, phù hợp với định hướng quy hoạch; cơ chế khuyến khích, ưu đãi thỏa đáng nhằm liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước, lĩnh vực ưu tiên đầu tư; Xây dựng thể chế, chính sách cụ thể cho khu kinh tế, khu công nghiệp, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Quảng Bình cũng đưa nhiệm vụ xây dựng bộ thương hiệu và hình ảnh cấp địa phương trong công tác xúc tiến đầu tư phù hợp với quy hoạch phát triển và chiến luợc thu hút đầu tư của tỉnh vào nội dung của kế hoạch. Theo UBND tỉnh Quảng Bình, việc xây dựng bộ thương hiệu này nhằm tăng độ nhận diện và phân biệt Quảng Bình với các địa phương khác, tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

Quảng Bình xác định việc chủ động tiếp cận, vận động linh hoạt các kênh khác nhau nhằm thu hút các dự án đầu tư lớn, chất lượng vào Quảng Bình./.

Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kì 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy hoạch đặt mục tiêu tới năm 2030, xây dựng Quảng Bình trở thành nền kinh tế năng động ở khu vực miền Trung, với trọng tâm là ngành dịch vụ và du lịch nổi bật; công nghiệp sạch, năng lượng tái tạo, chế biến, chế tạo; nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, trách nhiệm, bền vững; phấn đấu đưa Quảng Bình trở thành tỉnh phát triển khá của khu vực miền Trung...

Tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Bình sẽ là một nền kinh tế phát triển năng động của miền Trung và cả nước, là điểm kết nối quan trọng trong ngã tư kinh tế Bắc-Nam, Đông-Tây (hướng ra biển); phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nhất là các giá trị độc đáo nổi bật toàn cầu của di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng, định vị Quảng Bình là điểm đến du lịch hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á với hệ thống hang động hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng, các giá trị văn hóa phong phú, nơi nghỉ dưỡng và giải trí thể thao cao cấp gắn với lợi ích cộng đồng và phát triển du lịch bền vững.
Trọng Bình