Huyện Hương Sơn là địa phương có diện tích trồng cam bù lớn nhất tỉnh Hà Tĩnh. Toàn huyện hiện có hơn 1.100ha diện tích trồng cam bù, trong đó đã có 820 ha cho sản phẩm. Cam bù Hương Sơn tập trung tại các xã Hàm Trường, Kim Hoa, Sơn Lâm, Quang Diệm và rải rác tại các xã: Sơn Tây, Sơn Trung, Sơn Kim 1. Những năm gần đây, nhiều đề tài khoa học cấp bộ ngành, địa phương được triển khai nhằm bảo tồn, phát triển giống cam bù đặc sản. Người trồng cam cũng mạnh dạn đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, hướng đến cung cấp sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.
Vụ cam bù năm nay, năng suất ước đạt từ 12 - 13 tấn/1 ha, sản lượng cam bù trên địa bàn ước đạt hơn 11.000 tấn. Theo người trồng cam, sản lượng cam bù tương đương với năm trước, nhưng mẫu mã đẹp và cam có vị thanh ngọt đậm đà hơn.
Với diện tích gần 2 ha vườn đồi của gia đình, bà Hà Thị Thìn (thôn Kim Lộc, xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) trồng hơn 300 gốc cam bù. Đến thời điểm này, vườn cam bù củ gia đình bà đã chín nhuộm một màu vàng rực.
Bà Thìn chia sẻ: Năm nay tuy sản lượng cam không cao bằng năm ngoái, tuy nhiên chất lượng cam được đánh giá cao hơn do gia đình đã tuân thủ quy trình kỹ thuật và chuyển đổi trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ. Quả cam to, chín đều, căng đẹp và ngọt hơn, trung bình mỗi cây có từ 100 - 150 quả. Với những cây cam gần chục năm tuổi, để quả không sà xuống đất, gia đình tôi đã phải dùng cọc tre chống xung quanh các cành, đồng thời tỉa bớt cành khô, cành bị sâu bệnh. Thời gian này, tôi đang tập trung kiểm tra, chăm sóc để thu hoạch cung ứng cho khách hàng đúng vào thời điểm Tết nguyên đán.
Thời điểm này anh Nguyễn Thanh Hảo (thôn 9, xã Sơn Trường, huyện Hương Sơn) cũng đang tất bật chăm sóc hơn 400 gốc cam bù của gia đình mình.
Anh Hảo cho biết: Cây cam bù chỉ cho quả vào một mùa và thu hoạch vào đúng dịp Tết Nguyên đán và kéo dài đến ra tháng hai âm lịch. Vì vậy, việc chăm sóc cam theo đúng quy trình kỹ thuật là hết sức quan trọng, vừa giúp cây cam không bị sâu bệnh, giúp cây bền khỏe, vừa giúp quả chín ngon ngọt đúng thời điểm thu hoạch. Nhờ đầu tư chăm bón, phòng trừ tốt sâu bệnh nên vườn cam bù năm nay của gia đình tôi được mùa, quả chín đều.
Cũng theo các nhà vườn, năm nay giá bán cam đầu mùa cao hơn so với mọi năm nên thời điểm này người dân chỉ bán cầm chừng hoặc chưa vội bán mà đợi bán vào dịp Tết Nguyên đán để có giá cao hơn nữa.
Cũng như nhiều gia đình tại xã Sơn Trường, gia đình ông Nguyễn Văn Thắng hiện trồng 400 gốc cam bù, trên diện tích gần 4 ha.
Ông Thắng cho biết: Năm nay nhờ thời tiết thuận lợi nên cam cho quả đều, đẹp, ngọt và chín sớm. Để có mùa cam thu hoạch tốt, công việc cắt tỉa cành luôn được gia đình trọng mỗi ngày. Nhờ chăm sóc đúng quy trình và canh tác theo hướng hữu cơ nên vườn cam của gia đình tôi phát triển tốt cho quả đồng đều, năng suất ổn định.
Mùa thu hoạch cam bù bắt đầu từ đầu tháng 12 Âm lịch và kéo dài đến qua Tết Nguyên đán. Cam bù là loại cây ăn quả chủ lực của huyện Hương Sơn, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp nói riêng và kinh tế xã hội trên địa bàn nói chung. Trung bình 1 ha trồng giống cam bù mang lại 100 - 150 triệu đồng, có những vườn sai quả, cho thu 300 - 400 triệu đồng/ha.
Bên cạnh việc mở rộng diện tích, những năm gần đây, người dân đã tích cực ứng dụng các quy trình khoa học vào chăm sóc, để có sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Năm nay, mẫu mã quả đẹp, chất lượng đảm bảo, giá bán tại vườn năm nay dao động từ 40 - 50 ngàn đồng/kg tùy loại, cao hơn các năm trước 5 – 10 ngàn đồng/kg. Thời điểm sát Tết, giá cam được dự báo sẽ tăng cao hơn nữa.
Cây cam bù giờ đã trở thành cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế hàng đầu trên đất Hương Sơn, gấp 10 - 20 lần các cây trồng khác như chanh, quýt, mía… Đặc biệt, trong dịp tết, cam bù là thức quả rất phù hợp để làm quà biếu anh em, bạn bè gần xa, cũng là thứ quả thông dụng trên bàn thờ gia tiên ở Hà Tĩnh.
Cam bù còn được trồng tại một số huyện như Hương Khê, Vũ Quang. Hiện nay, cam bù đang chín rộ, hứa hẹn mang lại thu nhập cao cho người dân sau một mùa vụ tích cực sản xuất. Đây cũng là động lực để người trồng cam bù ngày một nỗ lực, sáng tạo, nâng cao chất lượng, cải thiện mẫu mã để mở rộng thị trường, tiếp cận nhiều khách hàng hơn./.