Nhiều giải pháp hiệu quả nhằm bảo vệ và phát triển rừng tại tỉnh Bình Thuận

Là địa phương có diện tích rừng tương đối lớn do đó việc bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên quý giá này được tỉnh Bình Thuận hết sức coi trọng. Nhiều giải pháp về công tác quản lý, nâng cao giá trị rừng... được địa phương triển khai và đã đem lại những hiệu quả thiết thực.
binh-thuan-bao-ve-rung-2-1736821357.jpg
Thời gian qua, việc thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng ngày càng được UBND tỉnh quan tâm, chú trọng.(Ảnh minh họa)

Đẩy mạnh thực hiện quản lý rừng bền vững

Thời gian qua, việc thực hiện quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng ngày càng được UBND tỉnh quan tâm, chú trọng. Cụ thể, ngày 11/7/2024, UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành Quyết định số 1353/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ và chế biến bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2021 – 2030.

Đề án đặt ra định hướng tập trung phát triển rừng trồng có chứng nhận quản lý rừng bền vững, rừng trồng gỗ lớn nhằm nâng cao chất lượng gỗ, nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh phục vụ chế biến, xuất khẩu gỗ các sản phẩm từ gỗ. Trong đó, mục tiêu đến năm 2025, Bình Thuận sẽ ổn định diện tích vùng cung cấp gỗ nguyên liệu hiện có, phấn đấu đưa diện tích rừng trồng có chứng nhận quản lý rừng bền vững đạt 8.444,03 ha, rừng trồng gỗ lớn 600 ha.

Mục tiêu đến năm 2030, Bình Thuận sẽ tiếp tục duy trì diện tích vùng cung cấp gỗ nguyên liệu toàn tỉnh khoảng 35.000 ha, trong đó phấn đấu đưa diện tích rừng trồng có chứng nhận quản lý rừng bền vững đạt 9.347,9 ha, rừng trồng gỗ lớn đạt 2.500 ha.

Được biết, trong năm 2024 toàn tỉnh Bình Thuận giao khoán bảo vệ rừng chuyển tiếp 139.929,54 ha, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên thực hiện chuyển tiếp 1.729,64 ha. Song song, tập trung xây dựng Đề án phát triển vùng nguyên liệu gỗ và chế biến bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2021 - 2030.

Ông Hồ Thiện Đang, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận cho biết, năm 2024, hầu hết các nhiệm vụ được giao Chi cục đã thực hiện và hoàn thành kế hoạch đề ra.

Cụ thể, trong công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, Chi cục đã kịp thời chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm, Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng phối hợp cùng với các đơn vị chủ rừng, các địa phương tăng cường triển khai các hoạt động tuần tra, kiểm tra, truy quét các vùng trọng điểm, các tuyến đường thường xuyên vận chuyển lâm sản trái pháp luật theo kế hoạch, phương án đã phê duyệt.

binh-thuan-bao-ve-rung-3-1736821439.jpg
Lực lượng kiểm lâm tăng cường quản lý bảo vệ rừng. (Ảnh minh họa)

Các đơn vị chủ rừng và các Hạt Kiểm lâm thường xuyên thực hiện công tác chống phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2023 – 2024, đợt cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán năm 2024; chú trọng theo dõi, nắm bắt diễn biến, tình hình tại vùng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận và các vùng trọng điểm nội tỉnh, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp, từ đó góp phần ổn định tình hình.

“Năm 2024, số vụ vi phạm có chiều hướng giảm so với cùng kỳ 2023. Hầu hết các trường hợp phát hiện phá rừng có quy mô nhỏ lẻ, chỉ 22 vụ khoảng 2,26ha, trong khi năm ngoái 5,84 ha. Bên cạnh đó, hành vi khai thác rừng trái pháp luật trong năm nay cũng đã giảm 19 vụ so với cùng kỳ”, ông Đang chia sẻ và cho biết thêm, đó là nhờ các đơn vị quản lý lâm nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh chú trọng bảo vệ rừng tận gốc. Đồng thời thực hiện nghiêm túc việc ứng dụng công nghệ viễn thám, sử dụng ảnh vệ tinh phục vụ công tác quản lý, giám sát tài nguyên rừng, cũng như thực hiện tốt các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.

Đối với lĩnh vực sử dụng và phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm Bình Thuận cũng đã kịp thời chỉ đạo, đôn đốc và ban hành các văn bản hướng dẫn các đơn vị chủ rừng triển khai các nhiệm vụ phát triển rừng, khoán bảo vệ rừng từ đầu năm để triển khai trồng, chăm sóc rừng trồng và trồng cây phân tán khi vào mùa vụ.

Cũng như kịp thời triển khai, hướng dẫn, tập huấn các nghị định, thông tư mới ban hành để các đơn vị nghiên cứu, nắm bắt và thực hiện đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Chi trả dịch vụ môi trường rừng, phân bổ nguồn lực hiệu quả

Để đảm bảo công bằng trong chi trả dịch vụ môi trường rừng, phân bổ nguồn lực hiệu quả, quản lý tài nguyên bền vững, hỗ trợ chính sách bảo vệ rừng và khuyến khích việc bảo vệ rừng tốt hơn, cần phải xây dựng hệ số K cho từng lô rừng để điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng theo đúng quy định tại Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18/7/2024 của Chính phủ.

Tuy nhiên, để xác định được hệ số K cho từng lô rừng là một việc làm không hề đơn giản, đòi hỏi quá trình rà soát, tính toán hết sức chi tiết và mất nhiều thời gian. Trước thực trạng đó, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Thuận đã phối hợp với Viện sinh thái rừng và Môi trường (Đại học Lâm nghiệp), Công ty Cổ phần thương mại công nghệ Xuân Mai Green xây dựng công cụ cho phép khai thác, cập nhật bản đồ hệ số K trên địa bàn tỉnh.

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT kiêm Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Thuận cho biết, cơ sở dữ liệu được cập nhật lên nền tảng Web để xây dựng công cụ cho phép khai thác, cập nhật bản đồ hệ số K gồm đầy đủ các chức năng: quản lý bản đồ hệ số K; cập nhật bản đồ hệ số K; thống kê diện tích chi trả theo hệ số K; khai thác bản đồ hệ số K và trợ giúp nhưng vấn đề liên quan khác.

Trên các kết quả xây dựng cơ sở dữ liệu và tính toán hệ số K thành phần cũng như xác định hệ số K quy đổi diện tích chi trả dịch vụ môi trường rừng, đơn vị đã phát triển thành công công cụ trực tuyến dựa trên nền tảng Web GIS, cho phép khai thác, truy vấn và cập nhật dữ liệu hệ số K theo thời gian thực.

binh-thuan-bao-ve-rung-1-1736821476.jpg
Các đơn vị chủ rừng và các Hạt Kiểm lâm thường xuyên thực hiện công tác chống phá rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô 2023 – 2024, đợt cao điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán. (Ảnh minh họa)

Công cụ này hỗ trợ Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Bình Thuận và các chủ rừng đủ điều kiện được chi trả dịch vụ môi trường rừng dễ dàng quản lý, cập nhật, truy cập vào cơ sở dữ liệu hệ số K của từng lô rừng. Công cụ trực tuyến có giao diện thân thiện với người dùng, cho phép tra cứu thông tin về diện tích chi trả theo hệ số K, thống kê dữ liệu và hỗ trợ trong việc lập kế hoạch và ra quyết định thu, chi.

“Với việc xây dựng và sử dụng thành công công cụ cho phép khai thác, cập nhật bản đồ hệ số K trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Thuận sẽ thực hiện tốt nhất chính sách chi trả dịch vụ môi trường, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực và chất lượng chi trả dịch vụ môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới”, ông Sơn bày tỏ.

Theo công bố hiện trạng rừng năm 2022 tỉnh Bình Thuận tại Quyết định số 779/QĐ-UBND ngày 21/4/2023 của UBND tỉnh, tổng diện tích có rừng và rừng trồng chưa thành rừng của tỉnh là 349.625 ha. Trong đó, diện tích đất có rừng là 342.410 ha và diện tích đã trồng chưa đạt tiêu chí thành rừng 7.215 ha. Diện tích đất có rừng đủ tiêu chuẩn tính tỷ lệ che phủ rừng là 342,410 ha/794.260 ha, đạt tỷ lệ che phủ rừng là 43,11%. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2024, diện tích rừng trên địa bàn tỉnh là 342.127 ha, gồm rừng tự nhiên gần 297.000 ha và rừng sản xuất hơn 138.700 ha.

Nỗ lực trong công tác quản lý và bảo vệ rừng đã giúp những cánh rừng tỉnh Bình Thuận thêm xanh. Đồng thời đem lại giá trị kép vừa bảo vệ môi trường bền vững  và tạo sinh kế cho người dân có cuộc sống ổn định, yên tâm gắn bó với rừng./.

Bình Nguyên