Sương muối và băng giá gây thiệt hại gần 100ha cây cà phê ở Sơn La

Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường, trên địa bàn tỉnh Sơn La sảy ra hiện tượng sương muối và băng giá từ ngày 12/1 tới nay. Hiện tượng thời tiết khắc nghiệt này đã tác động lớn tới sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây cà phê. Thống kê sơ bộ đã có gần 100ha cà phê tại thành phố Sơn La bị thiệt hại.
ca-phe-bi-suong-muoi-3-1736990296.jpg
Sương muối, băng giá đã ảnh hưởng đến hàng chục ha cà phê tại xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La.(Ảnh VOV)

Theo thống kê ban đầu, tổng diện tích cây cà phê bị thiệt hại trên địa bàn thành phố khoảng 96,3ha, bao gồm: xã Chiềng Đen hơn 37,3ha; Hua La hơn 32ha; còn lại là ở xã Chiềng Cọ. Ước thiệt hại về kinh tế khoảng 4 tỷ đồng.

Tại xã Chiềng Cọ (thành phố Sơn La) có gần 1.000 ha cây cà phê đang phát triển xanh tốt, tuy nhiên chỉ sau 1 đêm, do sương muối, băng giá xuất hiện đã làm cho nhiều cây có hiện tượng táp lá, cháy ngọn, chết hoa.

Thành phố Sơn La có gần 5.000 ha trồng cà phê. Trước những ảnh hưởng do sương muối, băng giá, hiện nay các cơ quan chuyên môn của thành phố đang đánh giá mức độ cây trồng bị thiệt hại để kịp thời hỗ trợ bà con địa phương.

Cà phê là một trong những cây trồng chủ lực và đem lại thu nhập cao cho người dân Thành phố Sơn La. Tuy nhiên, đây cũng là loại cây trồng nhạy cảm với thời tiết băng giá và sương muối.

Còn nhớ hơn 3 năm trước, khoảng 3.000 m2 cây cà phê của gia đình chị Lò Kim Thanh ở bản Muông Yên (xã Chiềng Cọ) bị sương muối làm cháy khô. Mất 2 năm phục hồi, chăm sóc, phải đến năm vừa rồi mới cho thu hái lứa đầu tiên. Niềm vui cà phê cho thu hoạch lại chưa được bao lâu, thì năm nay, toàn bộ diện tích này lại bị ảnh hưởng bởi sương muối.

ca-phe-bi-suong-muoi-5-1736990345.jpg
Nhiều hộ gia đình ở đây đã đi mua bạt hoặc tận dụng bạt cũ sẵn có để che phủ phía trên với hy vọng sẽ hạn chế được phần nào ảnh hưởng bởi sương muối.(Ảnh VOV)

Để hạn chế thiệt hại, nhiều hộ gia đình ở đây đã dùng bạt để che phủ phía trên và tiến hành phun nước vào buổi sáng. Anh Quảng Văn Cường, Bản Hôm, xã Chiềng Cọ, TP. Sơn La cho biết: "Che bạt như thế này mình tự nghĩ ra để hạn chế cái sương muối ảnh hướng đến cây cà phê. Phương án nay nó cũng tốt hơn, nếu ngọn của nó chạm vào bạt thì chỉ bị chết phần trên, không bị chết xuống dưới gốc cây".

"Mỗi khi có đợt sương muối thì cây cà phê chịu đừng kém nhất và thường bị ảnh hưởng rất là lớn về cái sản lượng" - ông Cà Trung Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Cọ, TP. Sơn La cho biết.

Ngay sau khi sương muối xảy ra, UBND thành phố Sơn La đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố phối hợp với UBND các xã, phường phân công cán bộ xuống cơ sở tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện các biện pháp khắc phục thiệt hại do sương muối gây ra đối với cây trồng. Trong đó, đối với cây cà phê bị héo lá và cành non thì tiến hành cắt bỏ những cành cà phê đã bị cháy để hạn chế cây bị thoát hơi nước, thu gom cỏ dại và cành lá tủ cho gốc cà phê; tưới nước, bón phân và chăm sóc.

ca-phe-bi-suong-muoi-6-1736990279.jpg
Theo thống kê ban đầu, tổng diện tích cây cà phê bị thiệt hại trên địa bàn thành phố Sơn La khoảng 96,3ha. (Ảnh VOV)

Theo Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thành phố Sơn La, ngay sau khi thu hoạch cà phê xong, đơn vị đã ban hành hướng dẫn các hộ dân cắt, tỉa cành, chăm sóc, đồng thời hướng dẫn phòng tránh sương muối. Song song, Trung tâm cử cán bộ xuống địa bàn hướng dẫn các hộ dân khi bị sương muối. Đối với diện tích bị thiệt hại 100% sẽ hướng dẫn các hộ dân cưa, đốn cách gốc cây từ 20 - 25cm, cưa chéo, vết cắt phải mịn.

Trung tâm cũng khuyến cáo, đối với diện tích bị thiệt hại từ 30% - 70% thì tiến hành cắt tỉa các cành bị sương muối và chăm sóc, bón phân hữu cơ và phân kali để giúp cho cây tăng khả năng chống chịu với rét.

Đối với cây bị ảnh hưởng nặng thì tùy theo tuổi của cây cà phê có thể phục hồi bằng cách cưa đốn cây để tạo lại cây mới. Đối với cây cà phê đã già bị ảnh hưởng nặng không thể phục hồi thì tiến hành đốn bỏ, thực hiện trồng tái canh theo quy trình./

Bình Châu