Nuôi cá trên ruộng mùa nước nổi, chỉ bỏ công, nông dân thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng/ha

Nuôi cá trên đồng trong mùa nước nổi, nông dân Hậu Giang chỉ tốn tiền mua lưới cước và cá giống, không phải tốn chi phí mua thức ăn cho cá vì cá tự kiếm mồi trên đồng từ rong rêu, rơm rạ, lúa chét của vụ trước đến các loài côn trùng để phát triển. Sau hơn 3 tháng thả nuôi, trừ chi phí, nông dân nuôi cá trên đồng có thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng/ha.

Nhiều năm qua, mô hình nuôi cá trên ruộng lúa của nông dân trong tỉnh Hậu Giang đã chứng minh tính hiệu quả cao. Đây cũng là một trong những giải pháp “thuận thiên” hữu hiệu cho bà con mỗi khi mùa lũ về.

nuoi-ca-tren-ruong-mua-nuoc-noi-2-1727099181.jpg
Nhiều năm qua, mô hình nuôi cá trên ruộng lúa của nông dân trong tỉnh Hậu Giang đã chứng minh tính hiệu quả cao. (Ảnh minh họa)

Tận dụng mùa nước nổi thả cá nuôi thu hàng chục triệu đồng

Vào thời điểm này tại huyện Phụng Hiệp, vùng đất trũng nhất của tỉnh Hậu Giang nhiều cánh đồng đã mênh mông nước. Người dân nơi đây giờ chỉ xác định được ranh cánh đồng  của mình nhờ vào hàng lưới cước bao quanh để thả cá vào nuôi.

Ông Lê Văn Phượng ở thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp tâm sự, ngày trước, nông dân ở đây chỉ làm 2 vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu, khi dứt vụ Hè Thu thì thường bỏ đất trống bởi khi đó mùa nước nổi đã về tràn đồng. Nếu ai cố làm lúa Thu Đông (lúa vụ 3) thì bị thiệt hại đủ đường do nước ngập, mưa bão nên khi thu hoạch từ huề vốn đến thua lỗ, ít có lời. Về sau nông dân nơi đây mới nghĩ đến chuyện tận dụng mùa nước nổi trên đồng để thả cá nuôi.

“Do nước nhiều quá, trũng lắm, nếu làm lúa vụ 3 thì không chừng bị lỗ, không có lãi. Nếu chỉ bơm nước không thì lỗ tiền dầu. Hồi đó làm vụ Hè Thu xong là bỏ đất trống chứ không biết nuôi cá, sau này mới thả cá nuôi. Mỗi năm thả như vậy nhưng không cho ăn, chỉ tốn tiền con giống mà thôi. Năm nay thả 25kg cá chép với cá mè, tới rằm tháng 11 thu hoạch”, ông Phượng nói.

nuoi-ca-tren-ruong-mua-nuoc-noi-4-1727099238.jpg
Trung bình mỗi ha bà con thả nuôi từ 10-15kg cá giống. Ước tổng sản lượng toàn tỉnh Hậu Giang đạt 3.390 tấn/năm. (Ảnh minh họa)

Nuôi cá trên đồng trong mùa nước nổi, nông dân Hậu Giang chỉ tốn tiền mua lưới cước và cá giống, không phải tốn chi phí mua thức ăn cho cá vì cá tự kiếm mồi trên đồng từ rong rêu, rơm rạ, lúa chét của vụ trước đến các loài côn trùng để phát triển. Riêng lưới cước dùng để bao quanh đồng nuôi cá có thể tận dụng tới 3 - 4 vụ sau mới cần thay mới. Trong suốt quá trình nuôi, bà con chỉ cần đi kiểm tra bờ bao, lưới cước để gia cố lại đề phòng cá thoát ra bên ngoài. Sau hơn 3 tháng thả nuôi, trừ chi phí, nông dân nuôi cá trên đồng có thu nhập từ 12 - 15 triệu đồng/ha.

Anh Nguyễn Văn Liệt ở xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp háo hức kể, hơn 1 tháng, trước khi được dự báo mùa nước nổi năm nay về sớm, anh đã khẩn trương rào lưới quanh cánh đồng của mình và mua 20kg cá giống gồm cá mè và cá chép về ươm trong vèo và vừa thả cá lên đồng khi nước nổi về.

“Các vùng chỉ có vùng này là trũng nhất, không khi nào sạ lúa vụ 3 được mà chỉ mần 2 vụ lúa, 1 vụ cá. Ở đây hộ nào cũng nuôi cá nhóc hết trơn. Làm lúa vụ 3 không được thì bây giờ mình phải nuôi cá cho nó ăn gốc rạ để tới làm vụ Đông Xuân đất trống khỏi mất công dọn”, anh Liệt nói.

Nuôi cá trên đồng còn góp phần làm tăng độ phì nhiêu của đất

Năm nay dự báo con nước về sớm, về nhiều nên nông dân ở các vùng trũng của tỉnh Hậu Giang phấn khởi thả cả cá nuôi trên đồng nhiều hơn, nhất là huyện Phụng Hiệp. Theo thống kê của huyện này, đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã thả nuôi khoảng 4.200ha, tăng hơn cùng kỳ năm ngoái gần 500ha. Các loại cá được nông dân thả nuôi chủ yếu là cá chép, cá mè, rô phi, cá trê lai, trê vàng…

Ông Trần Văn Tuấn - Trưởng Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp cho biết, ngoài hiệu quả kinh tế, việc nuôi cá trên đồng còn góp phần làm tăng độ phì nhiêu của đất; các loại cá còn ăn rong rêu, vệ sinh đồng ruộng, hạn chế được các loại cỏ dại trong mùa nước nên giảm chi phí đầu tư cho vụ lúa Đông xuân tiếp theo khoảng 1 triệu đồng/ha.

“Khi bà con nuôi cá trên ruộng lúa như vậy đó thì cắt được dòng đời của các nguồn sâu bệnh từ vụ lúa này sang vụ lúa khác. Con cá trong quá trình ăn sẽ sục sạo tìm ăn tất cả những con sống dưới mặt đất nên làm cho mặt đất tơi xốp và để lại một lượng phân trên đám ruộng, do đó, không sử dụng nhiều phân khi làm vụ Đông Xuân”, ông Trần Văn Tuấn cho hay.

nuoi-ca-tren-ruong-mua-nuoc-noi-3-1727099162.jpg
Sau hơn 3 tháng thả nuôi, trừ chi phí, nông dân nuôi cá trên đồng có thu nhập từ 12 triệu đồng đến 15 triệu đồng/ha. (Ảnh minh họa)

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y - Thủy sản tỉnh, kế hoạch vụ cá ruộng năm nay toàn tỉnh sẽ xuống giống khoảng 8.312ha, trong đó huyện Phụng Hiệp dự kiến xuống giống 5.415ha. Hiện nay, một số khu vực vùng trũng như: xã Hòa An, Phương Bình, Hòa Mỹ và một phần xã Thạnh Hòa, Tân Long, nông dân thu hoạch lúa Hè thu xong không làm lúa vụ 3 nên đã chủ động mua cá giống về thả ương trong các mương nội đồng trên ruộng. Trung bình mỗi héc-ta bà con thả nuôi từ 10-15kg cá giống. Ước tổng sản lượng toàn tỉnh đạt 3.390 tấn/năm.

Ông Trần Văn Tuấn cho biết thêm: Hiện nay, mô hình nuôi cá trên ruộng tại huyện Phụng Hiệp đang phát triển khá ổn định. Thời gian đầu, bà con cũng gặp khó khăn, nhưng đến thời điểm này người dân đã có kinh nghiệm nuôi cá trên ruộng lúa trong mùa lũ. Hiện tại, mô hình này đang mang lại nhiều hiệu quả cho bà con.

Định hướng trong thời gian tới, ông Trần Văn Tuấn cho biết: Huyện Phụng Hiệp sẽ tiến hành quy hoạch những vùng trũng, thấp, không thể làm lúa vụ 3 hoặc làm nhưng gặp nhiều khó khăn để bà con thay bằng mô hình chăn nuôi cá hiệu quả hơn. Đồng thời, sử dụng các nguồn vốn theo quy định để hỗ trợ cho bà con mua thức ăn, nguồn giống ban đầu để người dân có thể đẩy mạnh chăn nuôi cá ruộng./.

Bình Nguyên