Thương lái miền Tây thu mua “lúa tươi”
Trong vụ đông xuân năm 2023 – 2024, Đắk Lắk đã gieo trồng 46.581 ha lúa nước. Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được trên 74% diện tích. Theo đánh giá trong vụ lúa này, hầu hết bà con nông dân trên địa bàn tỉnh đều rất phấn khởi vì lúa được mùa, được giá, mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ nông dân.
Tuy nhiên, có một thực tế khác ngược với không khí phấn khởi “vì lúa được mùa” của bà con. Đó là việc hầu hết lúa trên địa bàn tỉnh sau khi thu hoạch đều được “xuất thô” - nghĩa là bán tươi trực tiếp cho các thương lái vận chuyển về các tỉnh miền Tây mà không qua chế biến.
Vụ Đông Xuân năm nay, huyện Lắk gieo trồng 5.500 ha lúa nước, chiếm gần 77% tổng diện tích gieo trồng các loại cây lương thực trên địa bàn huyện. Đây là một trong những địa phương có diện tích lúa nước khá lớn của Đắk Lắk. Hiện tại, toàn huyện hiện đã thu hoạch được trên 4.000 ha với năng suất trung bình đạt 84 tạ/ha.
Trong những ngày đầu tháng 5 – thời điểm vào mùa thu hoạch lúa, nhiều thương lái và xe tải lớn đã cấp tập đổ về địa phương. Đây là các thương lái đến để thu mua lúa tươi trực tiếp từ các bà con nông dân rồi vận chuyển về các tỉnh Long An, Kiên Giang, An Giang, Bến Tre...
Anh Y Suk Ênuôl ở xã Buôn Tría (huyện Lắk) cho biết trong vụ Đông Xuân năm nay, gia đình anh đã gieo trồng 3ha lúa ST24. Sản lượng thu hoạch theo anh dự kiến được là khoảng 32 tấn lúa tươi. Hiện tại giá bán lúa tươi vào khoảng 10.500 đồng/kg. Theo anh Y Suk: “Mấy năm gần đây dù giá lúa tươi khá cao, mang lại thu nhập ổn định cho các hộ trồng lúa nhưng tôi vẫn mong muốn huyện mình có nhà máy xay xát, chế biến để nông dân bán gạo với giá trị cao hơn!”.
Anh Nguyễn Văn Tình, một thương lái thu mua lúa trên địa bàn huyện Lắk chia sẻ, lúa gạo huyện Lắk nói riêng và cả tỉnh Đắk Lắk nói chung đều có năng suất, sản lượng và chất lượng rất tốt. “Như thời điểm hiện tại, dù giá khá cao, song việc “xuất thô lúa tươi” này không mang lại giá trị cao nhất cho người nông dân. Nếu huyện có các nhà máy chế biến lúa gạo đạt tiêu chuẩn và quy mô đủ lớn thì nông dân sẽ được hưởng lợi nhiều hơn nữa!” - anh Tình khẳng định.
Nhà máy chế biến tại địa phương: thiếu và yếu
Tại huyện Krông Ana, trong vụ Đông Xuân năm 2023 - 2024 huyện đã gieo trồng 5.886 ha lúa nước với năng suất bình quân khoảng 8 tấn/ha và cho sản lượng dự kiến gần 39.000 tấn. Dù được đánh giá là có tiềm năng khá lớn về sản xuất lúa gạo nhưng Krông Ana hiện nay có rất ít nhà máy xay xát quy mô lớn, chủ yếu vẫn là các lò xay xát quy mô cấp hộ gia đình.
Thống kê của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Ana cho thấy toàn huyện hiện nay có 40 cơ sở xay xát lúa gạo, trong đó hầu hết đều ở quy mô nhỏ. Chỉ có 10 cơ sở có quy mô vừa, nhưng công suất xay xát cũng chỉ trong khoảng từ 8 – 14 tấn/ngày. Đáng chú ý, huyện chỉ có duy nhất một cơ sở có máy sấy và 28 cơ sở có dây chuyền đánh bóng - phân loại. Theo đánh giá của phòng chuyên môn, với quy mô và năng lực xay xát như hiện tại thì chỉ có thể cung cấp chủ yếu cho thị trường trong tỉnh và một số tỉnh lân cận.
Tương tự tại huyện Lắk, với các vựa lúa lớn ở xã Buôn Tría, Buôn Triết và có diện tích trồng lúa nước hằng năm hơn 13.000 ha. Tuy nhiên, toàn huyện chỉ có 2 cơ sở xay xát gạo đạt công suất khoảng 10 tấn/ngày. Còn lại có khoảng 76 cơ sở khác quy mô nhỏ hơn và chỉ phục vụ gia đình. Xã Buôn Triết, là địa phương có diện tích gieo trồng lúa nước lớn nhất huyện với hơn 2.100 ha trong vụ đông xuân 2023 – 2024 vừa rồi nhưng toàn xã cũng chỉ có khoảng 10 cơ sở xay xát lúa gạo quy mô nhỏ.
Ngày 28/2/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Lắk khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/HU về định hướng xây dựng thương hiệu gạo huyện Lắk. Mục tiêu đề ra đạt sản lượng lúa đạt 75.000 tấn và xây dựng thành công thương hiệu gạo của huyện vào năm 2025. Huyện đã kêu gọi một doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo tại địa bàn xã Buôn Triết với công suất 40.000 tấn/năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên công tác kêu gọi đầu tư gặp nhiều khó khăn và chưa thể triển khai được.
Ông Nguyễn Hắc Hiển, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk) đánh giá: “Hiện nay sản xuất nông nghiệp của tỉnh nói chung và cây lúa nói riêng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức như giá đầu vào sản xuất liên tục tăng cao, hạn hán, lũ lụt. Bên cạnh đó, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất vẫn chưa đồng bộ, chưa tập trung vào bảo quản - chế biến sau thu hoạch nên giá trị gia tăng chưa được như kỳ vọng”.
Ngoài ra, ông Hiển còn chú ý đến vấn đề các doanh nghiệp tham gia vào sản xuất lúa chưa nhiều. “Tuy việc liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đã bước đầu hình thành nhưng còn mang tính tự phát, mới dừng lại ở sản xuất và sơ chế thô và chưa có sự kết nối giữa sản xuất - chế biến thị trường. Do vậy mà các sản phẩm lúa gạo chất lượng cao chưa có nhiều cơ hội tiếp cận trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu” - ông Hiển nhấn mạnh./.