Xuất khẩu tăng vọt nhưng doanh nghiệp lại gặp khó
Theo ước tính của Bộ NN&PTNT, đến hết tháng 4/2024, xuất khẩu rau quả Việt Nam ước đạt 520 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu rau quả trong 4 tháng đầu năm của nước ta đạt 1,8 tỷ USD.
Giá trị xuất khẩu năm nay tăng hơn 32% so với cùng kì năm ngoái. Xuất khẩu rau quả giữ mức tăng trưởng cao và có nhiều chuyển biến tích cực về thị trường, đồng thời nâng cao năng lực chế biến. Ngành rau quả đang được kì vọng lập lên kỷ lục xuất khẩu mới trong năm nay.
Sầu riêng chính là mặt hàng có sức tăng trưởng ấn tượng nhất trong 4 tháng qua. Việt Nam cũng đã vượt qua Thái Lan, vươn lên vị trí số 1 về xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc. Từ nay đến cuối năm, khi các nghị định thư được kí kết, sầu riêng Việt Nam sẽ không chỉ được xuất theo dạng quả tươi, mà còn cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc theo dạng sầu riêng đông lạnh. Đây được coi là một cú hích mới với xuất khẩu rau quả Việt Nam trong năm 2024.
Theo ông Trần Đình Tùng, Tổng Giám đốc T&T Vina Group, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau củ quả Việt Nam, 4 tháng qua đơn hàng xuất khẩu của doanh nghiệp tăng trưởng tốt. Các đơn hàng chủ yếu đến từ thị trường như: Trung Quốc, Mỹ, châu Âu, Australia... Các loại trái cây xuất khẩu tốt là sầu riêng, bưởi da xanh, xoài, dừa, thanh long…
Tuy nhiên, do nắng nóng kéo dài, nhiều nơi ở ĐBSCL bị nhiễm mặn, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Cũng chính vì vậy mà giá nhiều loại trái cây xuất khẩu tăng cao, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Hiện nay, giá dừa tươi đã tăng gấp đôi so với trước đây, giá bưởi da xanh tăng 70%, giá thanh long tăng 30%, trong đó giá dừa tươi 7.000 - 8.000 đồng/trái, thanh long trên 30.000 đồng/kg.
Ông Trần Đình Tùng cho biết, Hiệp hội đã có kiến nghị với Bộ NN&PTNT có biện pháp giải quyết tình trạng này. “Hiệp hội kiến nghị phải giải quyết được tình trạng ngập mặn, không thể nào đối phó với hạn mặn từng năm. Với xu hướng thời tiết này, dự báo thời gian tới tình hình mặn xâm nhập ngày càng nặng hơn. Hiệp hội cũng đề nghị Bộ NN&PTNT có giải pháp đầu tư cơ sở hạ tầng, hoặc có hệ thống lọc nước giúp bà con ổn định cuộc sống, sản xuất mới hiệu quả”, ông Tùng nêu.
Liên kết nâng cao chất lượng nông sản để giữ vững thị trường
Theo nhận định của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), bên cạnh những thuận lợi, việc sản xuất, tiêu thụ trái cây vẫn gặp không ít khó khăn do diện tích trồng cây ăn quả ở một số địa phương còn phân tán, không tập trung, dẫn đến hạn chế cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tổ chức liên kết sản xuất và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Để tháo gỡ khó khăn, Cục Trồng trọt khuyến nghị, các doanh nghiệp và người dân cần liên kết chặt chẽ theo chuỗi giá trị, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm.
Để đạt được mục tiêu xuất khẩu rau quả 6,5 - 7 tỷ USD trong năm 2024, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, các địa phương cần tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sản xuất rải vụ thu hoạch; thiết lập mã số vùng trồng. Cùng với đó, gắn phát triển vùng trồng cây ăn quả với các cơ sở bảo quản, chế biến sản phẩm theo lợi thế của từng địa phương; quan tâm xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận bảo hộ độc quyền thương hiệu hàng hóa tại Việt Nam cho các loại quả.
Năm 2024, nhiều nhận định được đưa ra với con số xuất khẩu rau quả đạt từ 6 - 6,5 tỷ USD. Điều này hoàn toàn có căn cứ khi tác động tiêu cực của El NiNo đã và đang làm sụt giảm nguồn cung rau quả toàn cầu. Đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam nếu có sản phẩm chất lượng và chinh phục được các thị trường khó tính.
Tuy nhiên, cơ hội kèm theo đó là sự tuân thủ yêu cầu của thị trường. Theo đó, cùng với việc xây dựng và quản lý tốt vùng trồng để tạo nên những vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu bền vững và kiểm soát thu hoạch, việc cập nhật kịp thời những yêu cầu kĩ thuật từ nhà nhập khẩu sẽ giúp nông sản của Việt Nam thâm nhập được vào các thị trường lớn./.