Rau quả xuất khẩu tỷ đô và câu chuyện thương hiệu nông sản Việt

Mang về kim ngạch 5,6 tỷ USD, không quá lời khi nói mặt hàng rau quả và trái cây đã lập nên kỳ tích xuất khẩu năm 2023 của ngành nông nghiệp Việt Nam. Những kỳ vọng tiếp tục được đề xuất để loại nông sản thế mạnh xuyên phá những kỷ lục xuất khẩu trong năm 2024. Tuy nhiên các chuyên gia cũng nhận định những điểm yếu trong xây dựng thương hiệu nông sản Việt.
xuat-khau-nong-san-01-1707611188.jpg
Rau quả là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất trong các mặt hàng nông lâm thủy sản trong năm 2023. (Ảnh minh họa)

Xuất khẩu rau quả tạo kỷ lục 5,69 tỷ USD

Năm 2023, xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng cao kỷ lục đạt 5,69 tỷ USD (tăng hơn 70% so với 2022). Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan và Australia là những thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam, đặc biệt là nước láng giềng Trung Quốc chiếm tới 65% doanh thu. Đây là mặt hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu mạnh nhất trong các mặt hàng nông lâm thủy sản.

Đáng chú ý, mặt hàng sầu riêng đã có đóng góp rất tích cực vào tăng trưởng ngành rau quả với tỷ trọng hơn 40%, kim ngạch xuất khẩu dự kiến đạt hơn 2,2 tỷ USD, gấp 5 lần năm 2022.

Anh Huỳnh Văn Tuấn, một nông dân ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương chia sẻ: “Vụ sầu riêng năm nay, gia đình tôi thu được hơn 2 tỷ đồng, trừ chi phí sản xuất cũng bỏ túi khoảng 1,7 tỷ đồng”.

Không riêng gia đình anh Tuấn, nhiều hộ nông dân trồng sầu riêng trong cả nước đều có chung niềm vui ấy, bởi giá sầu riêng bán tại vườn luôn ở mức cao là 60.000 - 80.000 đồng/kg, thậm chí có thời điểm, giá sầu riêng tại vườn lên tới 100.000-120.000 đồng/kg. Và đây cũng là năm đầu tiên sầu riêng “soán ngôi vương” của thanh long.

sau-rieng-xuat-khau-02-1707611236.jpg
Sầu riêng là nông sản có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhảy vọt trong năm 2023, lần đầu tiên lọt vào nhóm xuất khẩu tỷ đô. (Ảnh minh họa)

Trong năm 2024 tới, với góc nhìn lạc quan, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) nhận định, ngành hàng rau quả của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con số 6 tỷ USD, thậm chí sẽ tiến tới mốc 7 tỷ USD, từ đó là động lực để vươn tới trở thành cường quốc xuất khẩu rau quả.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, nếu thời gian tới Việt Nam ký kết được Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc, giá trị xuất khẩu chắc chắn sẽ tăng cao hơn. Bên cạnh sầu riêng, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng dừa cũng là mặt hàng có tiềm năng rất lớn, đặc biệt là thị trường Trung Quốc. Hiện nay, diện tích trồng dừa ở Việt Nam khoảng 194.000 ha, sản lượng 1,4 triệu tấn.

Và những khoảng trống về thương hiệu nông sản

Theo các chuyên gia về kinh tế nông nghiệp, với đặc điểm có nhiều vùng sinh thái, khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, Việt Nam có thể trồng nhiều loại rau quả và trái cây: Ôn đới, nhiệt đới, cận nhiệt đới... Đây là một lợi thế riêng có của mặt hàng rau quả và trái cây Việt Nam.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đầy tự tin khi cho rằng: Rau quả và trái cây của Việt Nam sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu 10 tỷ USD. Để chinh phục cột mốc này, mặt hàng rau quả và trái cây rất cần được quan tâm đầu tư hơn nữa để nâng cao chất lượng, thương hiệu, nghiên cứu giống, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.

Có một nghịch lý là, Việt Nam luôn tự hào là đất nước có nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới, như: Gạo, tiêu, điều, trái cây, rau quả, thuỷ hải sản... nhưng hiện tại, có đến 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng của kinh tế Việt Nam với thế giới; nhiều Hiệp định song phương, đa phương Việt Nam ký kết với các thị trường lớn có hiệu lực, cánh cửa thị trường toàn cầu đã được mở ra, cơ hội để mang lại giá trị cao cho các mặt hàng nông sản, thế mạnh của Việt Nam rất lớn thì vấn đề xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt càng trở nên cấp bách. Bởi chậm ngày nào, chúng ta thiệt thòi, hay nói đúng hơn là thiệt hại ngày đó.

rau-qua-xuat-khau-01-1707611163.jpg
Xây dựng và bảo vệ thương hiệu là “chìa khóa” để nông sản Việt vươn xa. (Ảnh minh họa)

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Rau Củ Quả Việt Nam, xây dựng thương hiệu quốc gia cho nông sản Việt trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Xây dựng thành công thương hiệu quốc gia sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước phát triển sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế, giúp bà con nông dân thoát khỏi vấn nạn "trồng chặt", có thu nhập cao hơn, ổn định hơn, gia tăng số lượng nông dân tỉ phú. Từ đó, tiến tới một nền kinh tế nông nghiệp giá trị cao thay vì sản xuất nông nghiệp và "buôn chuyến" như hiện nay.

Tuy nhiên, ông Tùng cũng lưu ý để làm nên thương hiệu đầu tiên, nông sản Việt phải sẵn sàng một số yếu tố như: chất lượng, vùng nguyên liệu, công nghệ bảo quản… để có thể phục vụ xuất khẩu toàn cầu.

"Để tạo được thương hiệu quốc gia thì trước mặt chúng ta phải rà lại chất lượng. Đơn cử như ở Newzealand có trái Kiwi; ở Mỹ có trái Táo… Mặc dù ở nước họ có rất nhiều trái cây nhưng họ chỉ chọn ra một trái để xây dựng thương hiệu làm nên biểu tượng trái cây quốc gia. Ở Việt Nam chúng ta thì chưa làm được, trái nào chúng ta cũng cho là ngon và nhất hết", ông Nguyễn Đình Tùng cho biết thêm.

Dưới góc nhìn một số chuyên gia, thương hiệu nông sản Việt muốn có vị thế, muốn cạnh tranh được trên trường quốc tế phải bắt đầu từ phân tích lợi thế. Nếu muốn thay đổi vị thế nông sản Việt, cần có những chiến lược cụ thể. Làm thương hiệu không chỉ có vùng sản xuất rồi dán tên vào sản phẩm và mang đi xuất khẩu. Phải xây dựng một hệ sinh thái nông nghiệp, mang lại giá trị lớn cho tất cả mọi đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị đó. Xây dựng và bảo vệ thương hiệu là “chìa khóa” để nông sản Việt vươn xa, khẳng định chất lượng ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Còn theo ông Đặng Phúc Nguyên, nông sản Việt muốn chiếm lĩnh thị trường trong nước và tham gia sân chơi quốc tế cần phải coi trọng bản quyền và sở hữu trí tuệ. Nhà nước cần tăng cường định hướng doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng và quảng bá thương hiệu trong nước cũng như quốc tế thông qua việc ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam./.

Nếu như năm 2016, xuất khẩu sầu riêng mới chỉ đạt 29,2 triệu USD, năm 2022 đạt 420 triệu USD thì năm 2023 xuất khẩu sầu riêng đã tăng gấp khoảng 5 lần, đạt mức hơn 2 tỷ USD. Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu sầu riêng lớn nhất của Việt Nam khi chiếm đến 90% tổng lượng sầu riêng tươi xuất khẩu.
Trọng Bình