Quy mô, tăng trưởng kinh tế ASEAN và gợi ý cho Việt Nam

Việt Nam là thành viên ASEAN có nhiều điểm tương đồng và khác biệt với từng thành viên. Việt Nam có vị thế ngày càng tăng trong ASEAN cho nên hiểu cụ thể về từng nước thành viên sẽ tạo căn cứ để Việt Nam có phương thức kết nối hiệu quả, tăng khả năng bổ sung các nguồn lực phát triển, cũng như sử dụng hiệu quả các nguồn lực đó.
quy-mo-tang-truong-kinh-te-asean-va-goi-y-cho-viet-nam-1658049785.jpg
Tìm hiểu về quy mô và tăng trưởng kinh tế các nước ASEAN là căn cứ quan trọng để đưa ra gợi ý với Việt Nam để vừa tận dụng tác động của xu hướng kinh tế khu vực vừa phát huy đặc điểm về quy mô và tăng trưởng kinh tế đất nước. (Nguồn: Ban Thư ký ASEAN)

Các nước ASEAN có quy mô và tăng trưởng kinh tế khác nhau. Đây là đặc điểm bao trùm cần phân tích kỹ lưỡng để rút ra tính quy luật vận hành kinh tế từng quốc gia thành viên, định hình xu hướng vận động kinh tế khu vực.

Đó là căn cứ quan trọng để đưa ra gợi ý với Việt Nam để vừa tận dụng tác động của xu hướng kinh tế khu vực vừa phát huy đặc điểm riêng của nền kinh tế đất nước, nhằm tạo điều kiện gia tăng quy mô và thúc đẩy tăng trưởng hiệu quả.

Quy mô, tăng trưởng kinh tế ASEAN và gợi ý cho Việt Nam

Tìm hiểu về quy mô và tăng trưởng kinh tế các nước ASEAN là căn cứ quan trọng để đưa ra gợi ý với Việt Nam để vừa tận dụng tác động của xu hướng kinh tế khu vực vừa phát huy đặc điểm về quy mô và tăng trưởng kinh tế đất nước. (Nguồn: Ban Thư ký ASEAN)

Brunei Darussalam

Brunei có quy mô GDP trung bình trong ASEAN. Năm 1965, GDP chỉ mới 349 triệu USD nhưng đến năm 2020, con số này là 16,58 tỷ USD.

Nói cách khác, trong vòng 55 năm, GDP của Brunei tăng 47,5 lần. Đến năm 2020, GDP giá hiện hành bình quân đầu người 26.089 USD (xếp thứ 35 thế giới) và tính theo ngang giá sức mua, con số này là 62.371 USD (xếp thứ 8 thế giới).

Động lực tăng trưởng kinh tế Brunei là tiến bộ công nghệ, bản sắc văn hoá đạo Hồi và tinh thần doanh nhân cao, với nguồn tài nguyên đáng kể là dầu mỏ và khí thiên nhiên. Việc đầu tư của nhà nước dựa trên việc khai thác thị trường dầu mỏ thế giới phù hợp, bảo đảm ổn định chính trị để phát triển kinh tế và mở rộng kinh doanh, việc giảm thiểu bất bình đẳng xã hội tạo hợp lực hiệu quả để phát huy nguồn lực kinh tế hiệu quả.

Campuchia

Năm 1962, GDP theo giá hiện hành là 660 triệu USD. Đến năm 2020, quy mô GDP đạt con số 25,3 tỷ USD. Trong vòng 58 năm, GDP tăng lên khoảng 38 lần.

Tốc độ tăng trưởng trung bình của cả giai đoạn 1962-2020 khoảng 7- 8%/năm. Cá biệt có năm 2005, tốc độ tăng trưởng đạt 13,25% và năm 2020, tốc độ này là -1% do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19. Số liệu này cho thấy kinh tế Campuchia có thể tạo được sức bật rất lớn nếu kết nối đủ nguồn lực.

Campuchia có GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành năm 2020 là 1.655 USD (xếp thứ 154) và tính theo ngang giá sức mua, có số này là 4.695 USD.

Indonesia

Năm 1967, GDP theo giá hiện hành là 5,67 tỷ USD. Đến năm 2020, quy mô GDP đạt con số 1.058 tỷ USD. Trong vòng 54 năm, GDP tăng lên khoảng 185,6 lần.

Tốc độ tăng trưởng trung bình cả giai đoạn khoảng 5-6%/năm. Năm 2020, tính theo giá hiện hành GDP bình quân đầu người của Indonesia là 3.922 USD (xếp thứ 115). Nếu tính theo ngang giá sức mua, con số này là 12.222 USD (xếp thứ 104).

Lào

Năm 1984, GDP của Lào theo giá hiện hành là 1,757 tỷ USD. Đến năm 2020, quy mô GDP đạt con số 19,136 tỷ USD Trong vòng 36 năm, GDP tăng lên khoảng 11 lần.

Trong cả giai đoạn, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của Lào khoảng 7-7,5%/năm. Năm 2020, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành 2.626 USD (xếp thứ 137) và tính theo ngang giá sức mua con số này là 8.111 USD (xếp thứ 124).

Malaysia

Năm 1962, GDP theo giá hiện hành là 1,916 tỷ USD. Đến năm 2020, quy mô GDP đạt con số 336,664 tỷ USD. Trong vòng 58 năm, GDP tăng lên khoảng 176 lần.

Trong cả giai đoạn, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Malaysia đạt khoảng 5,0-5,5%/năm. Năm 2020, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành là 10.270 USD (xếp thứ 64) và nếu tính theo ngang giá sức mua, con số này là 27.402 USD (xếp thứ 55).

Myanmar

Năm 1999, GDP theo giá hiện hành là 7,641 tỷ USD. Đến năm 2020, quy mô GDP đạt con số 76,186 tỷ USD. Trong vòng 21 năm, GDP của Myanmar tăng lên khoảng 10 lần.

Trong cả giai đoạn, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Myanmar khoảng 9,5-10%/năm. Năm 2020, GDP bình quân đầu người giá hiện hành 1.527 USD (xếp thứ 155) và tính theo ngang giá sức mua là 5.242 USD (xếp thứ 141).

Philippines

Năm 1965, GDP theo giá hiện hành là 5,784 tỷ USD. Đến năm 2020, quy mô GDP đạt con số 361,489 tỷ USD. Trong vòng 55 năm, GDP của Philippines tăng lên khoảng 62 lần.

Trong cả giai đoạn tốc độ tăng trưởng trung bình GDP của Philippines 5-5,5%/năm. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người Philippines tính theo giá hiện hành 3.330 USD (xếp thứ 126), tính theo ngang giá sức mua, con số này là 8.452 USD (xếp thứ 120).

Singapore

Năm 1960, GDP theo giá hiện hành là 0,704 tỷ USD. Đến năm 2020, quy mô GDP đạt con số 339,998 tỷ USD. Trong vòng 60 năm, GDP tăng lên khoảng 483 lần.

Trong giai đoạn tốc độ tăng trưởng trung bình của Singapore đạt 5- 5,5%/năm. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người Singapore tính theo giá hiện hành 59.798 USD (xếp thứ 8), tính theo ngang giá sức mua, con số này là 98.526 USD (xếp thứ 2).

Thái Lan

Năm 1960, GDP theo giá hiện hành là 2,761 tỷ USD. Đến năm 2020, quy mô GDP đạt con số 501,795 tỷ USD. Trong vòng 60 năm, GDP tăng lên khoảng 182 lần.

Trong giai đoạn tốc độ tăng trưởng trung bình của Thái Lan đạt 4.0- 4,5%/năm. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người Thái Lan tính theo giá hiện hành 7.190 USD (xếp thứ 83), tính theo ngang giá sức mua, con số này là 18.236 USD (xếp thứ 75).

Gợi ý cho Việt Nam

Quy mô và tăng trưởng kinh tế ASEAN là các chỉ số đánh giá tình hình kinh tế từng thành viên trong giai đoạn khá dài. Đây là căn cứ để đối chiếu, so sánh quy mô và tốc độ tăng trưởng giữa các nước. Từ đó có thể nhận thức mô hình nào hiệu quả cao, trung bình và thấp.

Việt Nam là thành viên ASEAN có nhiều điểm tương đồng và khác biệt với từng thành viên. Việt Nam có vị thế ngày càng tăng trong ASEAN cho nên hiểu cụ thể về từng nước ASEAN sẽ tạo căn cứ để Việt Nam có phương thức kết nối hiệu quả, tăng khả năng bổ sung các nguồn lực phát triển cũng như sử dụng hiệu quả các nguồn lực đó.

Việt Nam đang trong giai đoạn chuyển từ quốc gia có thu nhập trung bình thấp trở thành thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập cao vào năm 2045 thậm chí Việt Nam có thể trở thành thành viên của nhóm các nền kinh tế công nghiệp hàng đầu thế giới (OECD).

Do đó, bên cạnh việc học hỏi kinh nghiệm các nước ASEAN và huy động nguồn lực, Việt Nam càng có cơ hội để cải thiện đáng kể hình ảnh đất nước. Trong so sánh với các nước ASEAN khác, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trung bình 6-7%/năm trong vòng 36 năm liên tiếp. Với tốc độ này, vị thế kinh tế Việt Nam sẽ được thay đổi từng bước.

Để đạt mục tiêu trên Việt Nam cần đánh giá, so sánh quy mô và tăng trưởng của Việt Nam với từng nước thành viên ASEAN, từ đó khẳng định mô hình lựa chọn đúng đắn để tiếp tục đầu tư nhằm tạo đà cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Bên cạnh huy động nguồn lực từ ASEAN, còn có khả năng các quốc gia kết nối với nhau để bảo vệ lợi ích lâu dài cũng như để hình thành chuỗi giá trị ASEAN. Cả chính phủ và doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tham gia sâu vào ASEAN.

Sự sẵn sàng của chính phủ và sự đồng hành của doanh nghiệp sẽ tạo ra lực lượng có tính liên kết cao để gia tăng quy mô và thúc đẩy tăng trưởng hiệu quả. Bên cạnh đó, việc kết nối với thị trường từng quốc gia thành viên góp phần phát huy lợi thế từng cặp nước. Doanh nghiệp Việt Nam khi được kết nối hiệu quả sẽ thúc đẩy cải thiện quy mô và tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn tiếp theo.