Báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội nghị cho thấy, trong bối cảnh thế giới, khu vực biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức, khó khăn chồng chất khó khăn, ngành Công Thương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận trong 6 tháng đầu năm 2022; các chỉ tiêu tăng trưởng của ngành tiếp tục hồi phục với tốc độ tăng trưởng cao hơn so với kịch bản đề ra, đồng đều trên tất cả các ngành, lĩnh vực góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Sản xuất dẫn dắt tăng trưởng
Giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng 8,48%, tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn nền kinh tế (tăng 6,42%) và tăng cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (6 tháng/2021 tăng 5,74%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,66%, đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào tốc độ tăng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 6 tháng tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 9,3%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 6%; ngành khai khoáng tăng 3,9%.
So với cùng kỳ năm trước, có 61/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng, một số địa phương có chỉ số IIP tăng cao so với cùng kỳ như: Bắc Giang (tăng 48,9%), Quảng Nam (tăng 25,4%), Bình Phước (tăng 23,7%), Hà Giang (tăng 23%), Bắc Ninh (tăng 19,8%)…
Các nhóm ngành sản xuất có sự hồi phục nhanh: nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã cơ bản nối lại được các chuỗi cung ứng, cả sản lượng và số lượng đơn hàng mới đều tăng; ngành điện đảm bảo tốt cân đối điện phục vụ cho phát triển kinh tế và sinh hoạt của người dân. Khai thác dầu, khí và than vượt kế hoạch cùng với gia tăng nhập khẩu đã đảm bảo cung cấp đủ xăng dầu, than cho các hộ sản xuất, cho tiêu dùng ở thị trường trong nước, có dự trữ, đảm bảo an ninh năng lượng và đặc biệt đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước (thu ngân sách từ khai thác dầu thô tăng hơn 80% so với cùng kỳ).
Chỉ số tiêu thụ và chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo được cải thiện theo hướng tích cực, 6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,4% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2021 tăng 9,2%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 30/6/2022 tăng 14,1% (cùng thời điểm năm trước tăng 29,5%).
Xuất siêu 743 triệu USD
Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao với tổng kim ngạch 6 tháng năm 2022 ước đạt hơn 371,3 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 29,2%), đạt hơn 186 tỷ USD.
Xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước tăng cao hơn khu vực có vốn FDI, tăng 19,5% (khu vực FDI kể cả dầu thô tăng 16,6%) cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện còn nhiều khó khăn.
Xuất khẩu tăng đều ở các nhóm hàng, trong đó: Nhóm nhiên liệu và khoáng sản tăng cao nhất (tăng 52,5%), do giá xuất khẩu của các mặt hàng (xăng dầu, dầu thô, than đá) tăng cao. Nhóm nông sản, thủy sản và công nghiệp chế biến chế tạo đều tăng cao ở mức khoảng 17%, trong đó, tập trung ở các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh và khai thác tốt các FTA như: dệt may, da giày, thủy sản… và nhóm các mặt hàng tranh thủ được giá cao để đẩy mạnh xuất khẩu như: hóa chất, sản phẩm chất dẻo, phân bón...
Trong 6 tháng đầu năm có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4 mặt hàng so với cùng kỳ, chiếm 91,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 58,3%).
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022 với kim ngạch đạt 56,6 tỷ USD, chiếm 30,4% kim ngạch xuất khẩu cả nước và tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 44,9%); tiếp đến là Trung Quốc đạt 26,2 tỷ USD, tăng 6,6%; thị trường EU đạt 23,8 tỷ USD, tăng 22,7%; thị trường ASEAN đạt 17,7 tỷ USD, tăng 26,9%; Hàn Quốc đạt 12,1 tỷ USD, tăng 17,1%; Nhật Bản đạt 11,4 tỷ USD, tăng 12,9%.
Các doanh nghiệp đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới để thúc đẩy xuất khẩu: 6 tháng năm 2022 cấp C/O mẫu CPTPP đạt 1,32 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ; cấp C/O mẫu EUR.1 sang EU đạt 5,84 tỷ USD, tăng 32,1% so với cùng kỳ…
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa 6 tháng đạt 185,3 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước và cơ bản được kiểm soát tốt. Nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu tăng, chiếm 88,8%; nhập khẩu của nhóm hàng cần kiểm soát chỉ chiếm 5,8%.
Cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu 743 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,86 tỷ USD), góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.
Thị trường trong nước bình ổn
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong 6 tháng đầu năm 2022 phục hồi tích cực, cao hơn mức tăng 6 tháng của năm 2019 - năm trước khi xảy ra dịch bệnh; hàng hóa dồi dào, sức mua tăng trở lại.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.717 nghìn tỷ đồng, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm bán lẻ hàng hóa đạt được mức tăng trưởng cao, tăng 11,3% với sự gia tăng của các nhóm vật phẩm văn hóa, giáo dục, lương thực, thực phẩm (tăng từ 13,7-16,3%).
Hầu hết các địa phương đã tích cực triển khai Chương trình khuyến mại, Chương trình kích cầu, kết nối tiêu thụ hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng nông sản tới vụ trên địa bàn. So với cùng kỳ năm trước, một số địa phương có doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng cao trên 10% như: Bình Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ..
Thương mại điện tử tiếp tục trở thành phương thức phân phối quan trọng, góp phần tiêu thụ hiệu quả hàng hóa, nông sản cho người nông dân và doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.
6 tháng đầu năm 2022, thị trường thế giới có nhiều biến động, giá hàng hóa trong nước chịu ảnh hưởng của mặt bằng giá hàng hóa trên thị trường thế giới nên xu hướng tăng, giá xăng dầu trong nước liên tục tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào đã ảnh hưởng đến sức mua và nguồn cung trong nước.
Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã tích cực, chủ động phối hợp với các Bộ, ngành, làm việc với các đơn vị sản xuất lớn thực hiện đồng bộ các giải pháp nên nguồn cung hàng hóa tại thị trường trong nước nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, nguyên nhiên liệu thiết yếu phục vụ sản xuất (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi…) luôn được đảm bảo, đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ sản xuất, đời sống của người dân và doanh nghiệp, kể cả trong những giai đoạn nhu cầu tăng cao. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành thực hiện các biện pháp nhằm bình ổn giá các mặt hàng.
Để bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới. Sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình UBTVQH giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế.
Khi nguồn cung xăng dầu trên thị trường gặp khó khăn, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng cường lượng nhập khẩu, đồng thời, ban hành Quyết định số 242/QĐ-BCT ngày 24/2/22022 về việc phân giao sản lượng nhập khẩu xăng dầu tăng thêm trong Quý II/2022 cho 10 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công Thương, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã đẩy mạnh việc nhập khẩu và nỗ lực cung ứng xăng dầu để duy trì nguồn cung cho thị trường nên cơ bản nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước trong Quý I và Quý II/2022 đến nay luôn được đảm bảo, có gối đầu sang Quý III.