Công nghiệp Hậu Giang tạo đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế

Tỉnh Hậu Giang đề ra quy hoạch, đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ phát triển 10 cụm công nghiệp và đến năm 2050 sẽ có ít nhất 15 cụm công nghiệp. Đồng thời, tỉnh Hậu Giang cũng xác định phát triển công nghiệp là một trong 4 khâu đột phá chiến lược (Công nghiệp - Nông nghiệp, Đô thị, Du lịch), trong phát triển kinh tế - xã hội.

Hậu Giang là tỉnh nằm ở trung tâm của Tiểu vùng Tây sông Hậu, cửa ngõ của Bắc bán đảo Cà Mau, có tiềm năng phong phú, đa dạng trên nhiều lĩnh vực. Bên cạnh lợi thế phát triển nông nghiệp, công nghiệp chế biến, Hậu Giang còn là trung tâm kết nối giao thông, vận tải thủy bộ, thương mại - dịch vụ, logistics của vùng Nam Sông Hậu. Đặc biệt, tới đây Hậu Giang sẽ có khoảng 100 km đường cao tốc đi qua, tạo ra không gian phát triển lớn cho tỉnh, đồng thời đưa Hậu Giang trở thành trung tâm kết nối giao thông theo trục dọc và trục ngang của các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh đã xác định, cùng với nông nghiệp, độ thị và du lịch, công nghiệp sẽ là một trong 4 trụ cột chính để phát triển kinh tế xã hội

Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Hậu Giang, tại hội thảo “Tiềm năng và cơ hội đầu tư phát triển vào lĩnh vực công nghiệp” diễn ra ở Hậu Giang ngày 15/7, phương án phát triển cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2050 là xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động và hiệu quả sử dụng đất. Qua đó, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần đóng góp vào quy mô tăng trưởng toàn ngành công nghiệp của tỉnh.

cn-hg-1657895006037-1657962489.jpg
Hậu Giang có nhiều sản phẩm cho công nghiệp chế biến. Ảnh Đại biểu Nhân Dân

Theo đề án phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, tỉnh đã quy hoạch phát triển 8 khu công nghiệp mới trong giai đoạn 2021-2030 với tổng diện tích khoảng 2.233 héc ta. Trong đó, giai đoạn 2021-2025, phát triển 4 khu công nghiệp, gồm Đông Phú, sông Hậu giai đoạn 2, Đông Phú giai đoạn 2; giai đoạn 2026-2030 phát triển 4 khu công nghiệp gồm Tân Bình, Nhơn Nghĩa A, Long Thạnh và sông Hậu giai đoạn 3.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, quỹ đất công nghiệp để thu hút đầu tư của tỉnh còn rất nhiều. Hiện 2 khu công nghiệp lớn là Khu công nghiệp Sông Hậu (huyện Châu Thành) và Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành A) đã lấp đầy 80% diện tích, hiện còn 3 nhà đầu tư đăng ký đầu tư xây dựng, kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 700 ha.

Các dự án phát triển khu công nghiệp này triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho các nhà đầu tư đến với Hậu Giang. Trong phát triển công nghiệp, đinh hướng của tỉnh là thu hút doanh nghiệp đầu tư tạo ra sản phẩm, giải quyết công ăn việc làm, thu hút lao động làm việc từ các tỉnh, thành phố khác trở về theo quan điểm “ly nông mà không ly hương”, doanh nghiệp sử dụng ít đất, có đóng góp lớn cho ngân sách địa phương và đảm bảo giữ gìn môi trường.

Với vị trí là trung tâm của tiểu vùng Nam Sông Hậu nên Hậu Giang đã được thừa hưởng những thuận lợi đó. Năm 2022, tỉnh chọn là năm Doanh nghiệp với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Điều này thể hiện khát vọng mới, sự cầu thị, sự cam kết mạnh mẽ và đồng hành của chính quyền trong việc mời gọi cộng đồng doanh nghiệp đến với Hậu Giang.

Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang năm 2022, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh nhấn mạnh: "Với phương châm "Đổi mới, đột phá, quyết tâm và khát vọng", chúng tôi cam kết sẽ luôn sát cánh, đồng hành và chia sẻ cùng nhà đầu tư trong suốt quá trình triển khai dự án, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao nhất tại tỉnh Hậu Giang".

Anh Vân (t/h)